Bộ Giáo dục cần cân nhắc việc tổ chức kỳ thi quốc gia trong năm nay

11/04/2020 06:31
THANH AN
(GDVN) - Lãnh đạo ngành Giáo dục cũng cần sớm có kế hoạch và lên tiếng về sự việc thi hay không thi trong năm nay để tránh những bàn tán của dư luận.

Những ngày qua, đã có nhiều bài viết, nhiều chuyên gia giáo dục lên tiếng về việc bỏ kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia trong năm nay vì tình hình dịch bệnh vẫn đang có những diễn biến khá phức tạp.

Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ ngày1/4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, đề xuất phương án phù hợp đối với kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia trong năm nay. 

Tuy nhiên, bên cạnh việc tinh giản chương trình nội dung học kỳ II thì Bộ cũng công bố những đề thi minh họa cho học sinh lớp 12. Điều này cho thấy Bộ đang chuẩn bị những điều kiện cần thiết nhất để tổ chức kỳ thi quốc gia vào tháng 8 tới đây.

Bộ không nhất thiết phải tổ chức kỳ thi cho gần 1 triệu thí sinh trong thời điểm hiện nay (Ảnh minh hoạ: TTXVN)

 Bộ không nhất thiết phải tổ chức kỳ thi cho gần 1 triệu thí sinh trong thời điểm hiện nay

(Ảnh minh hoạ: TTXVN)

Căn cứ vào tình hình thực tế, chúng ta thấy việc tổ chức kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2020 sẽ  gặp rất nhiều khó khăn vì học sinh đã phải nghỉ học gián đoạn nhiều tháng trời.

Nếu bỏ cả kỳ thi này, đương nhiên là giảm được áp lực, giảm được chi phí cho Nhà nước và Nhân dân nhưng nó cũng sẽ tiềm ẩn nhiều hạn chế bởi cách cho điểm, đánh giá, xếp loại của các trường Trung học phổ thông trên cả nước vẫn không được đồng đều.

Điều này thể hiện rất rõ ở chỗ thi tuyển sinh 10 của nhiều trường thì điểm thấp nhưng học sinh vào học Trung học phổ thông, nhất là khi sang lớp 12 thì điểm học tập đều tăng đột biến.

Nhiều trường phổ thông hiện nay có hiện tượng cho điểm rất thoáng nên đa phần học sinh trong trường, nhất là đối với học sinh lớp 12 đều có điểm tổng kết khá, giỏi, tỉ lệ trung bình rất ít, nhất là những trường khu vực thành thị. Vì vậy, nếu xét học bạ để tuyển sinh đại học đương nhiên sẽ tạo ra những bất công cho nhiều thí sinh.

Hơn nữa, những trường đại học mà căn cứ vào học bạ học tập thì cũng rất khó có thể đánh giá chính xác được năng lực thực sự của nguồn tuyển, nhất là những trường đại học, học viện tốp đầu- luôn cần nguồn tuyển phải có chất lượng thực sự.

 Bộ Giáo dục cần cân nhắc việc tổ chức kỳ thi quốc gia trong năm nay ảnh 2Giáo sư Phạm Tất Dong đề nghị bỏ kỳ thi Quốc gia năm nay

Giải pháp nào sẽ khả thi hơn cả?

Chúng ta đều biết, nếu như mọi chuyện diễn ra bình thường thì việc các thí sinh tham gia kỳ thi quốc gia để vừa lấy điểm xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học là điều khả thi hơn cả vì nó đánh giá chính xác hơn việc học của học sinh trong suốt quá trình cả cấp học.

Nhưng, trong bối cảnh hiện nay thì chúng ta cũng thấy khó khăn đang bủa vây từ nhiều phía. Vì thế, lãnh đạo ngành giáo dục cũng cần sớm có kế hoạch và lên tiếng về sự việc thi hay không thi trong năm nay để tránh những bàn tán của dư luận. Đặc biệt, các em học sinh lớp 12 khỏi bị dao động trong những tháng cuối cùng của năm học.

Chúng tôi cho rằng để có một giải pháp phù hợp cho thí sinh và làm vừa lòng tất cả mọi người là điều rất khó trong hoàn cảnh dịch bệnh hiện nay. Chính vì thế, chúng tôi đề xuất một số giải pháp cụ thể như sau:

Thứ nhất: học sinh lớp 12 sau khi hoàn thành chương trình học kỳ II của năm học này, nếu đủ điều kiện về điểm số, hạnh kiểm thì nhà trường xét và đề nghị công nhận tốt nghiệp Trung học phổ thông cho các em.

Thứ hai: sau khi học sinh được công nhận tốt nghiệp thì những thí sinh có nguyện vọng học đại học có thể tham gia một kỳ thi chung theo khối thi của mình. Thí sinh nào có nguyện vọng thi khối nào thì tham gia khối thi đó để xét tuyển đại học, cao đẳng.

Một khi chỉ có những thí sinh không có nguyện vọng vào đại học thi thì ngành giáo dục ở các địa phương sẽ giảm được một số lượng rất lớn học sinh không phải thi. Địa phương không phải bố trí phòng ốc, giám thị, giám khảo cho số lượng học sinh này sẽ làm lợi cho nhà nước hàng trăm tỉ đồng.

Điều quan trọng là chất lượng kỳ thi cũng được nâng lên vì chỉ có những thí sinh có nguyện vọng vào đại học mới thi.

Thứ ba: nếu Bộ không tổ chức kỳ thi chung thì cần có hướng dẫn cụ thể để các trường đại học có phương án tuyển sinh riêng cho mình. Họ có thể thi và cũng có thể xét tuyển miễn thấy phù hợp với tiêu chí tuyển sinh, đào tạo của họ.

 Bộ Giáo dục cần cân nhắc việc tổ chức kỳ thi quốc gia trong năm nay ảnh 3
Bộ cần có những thay đổi mạnh tay trong khoảng thời gian còn lại trong năm học

Trường tốp trên thì họ có phương án để tuyển được những thí sinh giỏi, trường tốp dưới có thể tuyển được những thí sinh phù hợp với năng lực đào tạo của nhà trường. Khi vào đại học, nếu sinh viên không có nền tảng kiến thức sẽ tự bị đào thải dần. Mỗi năm có hàng ngàn sinh viên bị đuổi học đã nói rõ hơn điều này.

Vì thế, chúng tôi cho rằng Bộ nên giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường đại học là khả quan nhất vì như thế mới phát huy được quyền tự chủ của các nhà trường. Hãy để các trường có phương án tuyển sinh riêng và họ tự đào tạo, tự khẳng định chất lượng. Thị trường lao động sẽ là thước đo rõ nhất cho các trường đại học nên Bộ không cần thiết phải ôm cả kỳ thi này làm gì cho vất vả.

Với gần 1 triệu thí sinh thi thì mỗi năm phải điều động giám thị, giám khảo từ các trường đại học về địa phương sẽ khổ cho cả Bộ mà cả những cán bộ, giảng viên tham gia làm công tác cho kỳ thi.

Nhất là trong bối cảnh năm nay, khi mà dịch bệnh vẫn đang khiến cho nhiều địa phương đang phải căng mình chống dịch bệnh thì cũng chưa biết khi nào học sinh đi học trở lại. Hơn nữa, các địa phương vừa tham gia tổ chức kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia, vừa chủ trì kỳ thi tuyển sinh 10 trong một khoảng thời gian quá ngắn ngủi thì rất dễ đuối sức.

Suy cho cùng, cả tổ chức coi thi, chấm thi, công bố điểm hết gần cả tháng trời để sàng lọc thí sinh điểm cao, điểm thấp mà cuối cùng bằng đại học chính quy, không chính quy có giá trị như nhau thì việc gì mỗi năm Nhà nước và Nhân dân phải bỏ ra hàng trăm tỉ đồng để tổ chức cho kỳ thi này?

THANH AN