Bỏ biên chế là xu thế thời đại, nhưng tôi làm thầy giáo, vẫn thấy buồn quá

03/11/2019 08:15
Lê Mai
(GDVN) - Việc bỏ biên chế với giáo viên, thầy thuốc đang nhận được nhiều ý kiến dư luận trái chiều. Bên cạnh những thuận lợi, cũng không ít thách thức đưa ra.

Dù sao đi nữa, bỏ biên chế là xu thế tất yếu của thời đại, vấn đề là bỏ như thế nào, khi nào bỏ, bỏ ai, ai không nên bỏ; người có năng lực, không làm chỗ này thì làm chỗ khác, với họ biên chế hay không, không thành vấn đề; vấn đề là đãi ngộ như thế nào, có xứng đáng níu chân họ không?

Có ý kiến cho rằng, bỏ biên chế với giáo viên, tăng ưu đãi cho giáo viên có năng lực?

Thực chất với cơ chế quản lý giáo dục công lập như hiện nay đang trả lương theo bằng cấp, sắp tới trả lương theo vị trí việc làm; bằng cấp của chúng ta không phản ánh năng lực người sở hữu nó, vì thế nói tăng ưu đãi với người có năng lực, người giỏi, e rằng còn… mơ mộng.

Vậy bỏ biên chế với giáo viên có lợi gì?

Cái lợi thứ nhất, người không có năng lực sư phạm, lòng yêu trẻ con, đam mê sự nghiệp giáo dục sẽ cân nhắc; không tham gia vào thị trường nghề giáo.

Nghề giáo, thực ra là nghề khó xin việc nhất trong xã hội hiện nay; nghề mà chỉ có thể “lao động” trên bục giảng; một khi đã bị cơ sở giáo dục này loại ra, rất khó có thể xin vào cơ sở khác. Vì thế, các cơ sở giáo dục có thể chọn được giáo viên có chất lượng hơn.

Cái lợi thứ hai, xóa tan cái “ổ kén” đang làm giáo viên hiện nay dựa vào đó; “ổ kén biên chế” này làm giáo viên thụ động, ù lì, không chịu đổi mới, tự học, sáng tạo.

Cái lợi thứ ba, tạo ra thị trường lao động sư phạm; thu hút được những người có năng lực, tâm huyết tham gia thị trường.

Việc bỏ biên chế với giáo viên đang nhận được nhiều ý kiến dư luận trái chiều. (Ảnh minh họa: Infonet.vn)
Việc bỏ biên chế với giáo viên đang nhận được nhiều ý kiến dư luận trái chiều. (Ảnh minh họa: Infonet.vn)

Nếu cơ quan chủ quản không trả lương đủ sống, không giữ chân được giáo viên giỏi; gián tiếp nâng cao vị thế của nghề giáo, giáo dục trong xã hội; góp phần giáo viên sống được bằng lương của mình.

Bỏ biên chế lợi nhất, đó là làm giáo dục tư thục phát triển nếu có kèm theo cơ chế thông thoáng; thu hút nguồn lực xã hội phát triển giáo dục, giảm bớt gánh nặng ngân sách. Giáo viên giỏi có cơ hội cống hiến, hưởng thụ công sức của mình trong giáo dục tư thục.

Bỏ biên chế giáo viên có hại gì?

Thứ nhất, làm bùng phát "bệnh thành tích". Tại sao bệnh “ung thư” này lại bùng phát khi bỏ biên chế?

Với cách đánh giá chất lượng giảng dạy dựa vào tỷ lệ % học sinh lên lớp, ở lại như hiện nay chắc chắn không có giáo viên nào dám đánh giá thật, tổng kết thật; kết quả học tập của học trò sẽ tiệm cận hoặc vượt trội chỉ tiêu nhà trường đã đề ra. Không trung thực là nền giáo dục thất bại!

Thứ hai, tạo tâm lý bất an cho thầy cô giáo; giáo viên lại co vào cái kén mới còn nguy hiểm hơn cái kén “biên chế” đó là cái kén “không để bị đuổi việc”; đối tượng lao động của giáo viên là con người đầy cảm xúc, chứ không phải cái máy; muốn gần gũi học trò, giáo viên cũng cần bộc lộ cảm xúc, nay bị cái kén “không để bị đuổi việc” khống chế, giáo viên lên lớp đành phải “đeo mặt nạ”.

Thầy cô không hạnh phúc, làm sao có nhà trường hạnh phúc để học trò được hạnh phúc!

Bỏ biên chế suốt đời, thầy cô năng lực kém sẽ phải tìm việc khác
Bỏ biên chế suốt đời, thầy cô năng lực kém sẽ phải tìm việc khác

Thứ ba, tạo ra thế hệ “vua con” mới tàn phá giáo dục.

Với cơ chế hiện nay, hiệu trưởng đang như làm “vua” một cõi, lời của hiệu trưởng luôn luôn đúng; nay quyền sinh sát, quyền “đập vỡ hay bảo vệ nồi cơm” của giáo viên trong tay họ, chắc chắn kì vọng vào sự thay đổi chương trình nâng cao chất lượng giáo dục e rằng khó thực hiện được.

Thứ tư, học sinh giỏi “không ngu gì đi sư phạm”.

Đi nghề gì, đại đa số đều nhìn vào thực tế, tương lai của nghề đó có đảm bảo cuộc sống không; số ít đi vì yêu nghề.

Vì thế, giáo dục chỉ có thể chọn được giáo viên “có năng lực hơn” trong số những con “chuột chạy cùng sào” chứ không phải “có năng lực hơn” trong xã hội.

Thật ra học trò yêu nghề giáo vì yêu thầy cô chúng trước, vì thấy thầy cô hạnh phúc; nay trong ánh mắt thầy cô không hạnh phúc, làm sao nhen lên ngọn lửa yêu nghề giáo cho chúng!

Bỏ biên chế với giáo viên khi nào?

Bỏ biên chế chỉ có ý nghĩa thực sự khi giáo viên đã sống được bằng lương của mình. Một bộ phận không nhỏ giáo viên hện nay “có nghề phụ là nghề dạy học”; ở thành phố họ chạy xe ôm, bỏ mối hàng, nhân viên chuyển phát, bảo vệ đêm, bán hàng online v.v...; với giáo viên các môn dạy thêm được, thu nhập chủ yếu dựa vào dạy thêm; “dạy chính ở trường là nghỉ ngơi, tâm sức em để dạy thêm ở nhà” là chủ yếu; ở nông thôn họ là nông dân có nghề phụ là nghề dạy học; việc bỏ biên chế chỉ có ý nghĩa với giáo viên “dạy thêm học sinh chính khóa” mà thôi.

Bỏ biên chế chỉ có ý nghĩa khi có cơ chế nhốt được quyền lực của hiệu trưởng; còn sự tự tung tự tác, thiếu dân chủ trong trường học; xử lý kỉ luật hiệu trưởng kiểu "mát mặt người kỉ luật, rát mặt người tố cáo", giáo dục e khó là nền giáo dục trung thực được.

Bỏ biên chế chỉ có ý nghĩa khi không còn bệnh thành tích, nếu không dẹp bỏ được bệnh thành tích trước khi bỏ biên chế, thiệt hại nhiều nhất chính là học trò.

Vì thế, bỏ biên chế cần có sự thay đổi đồng bộ, chưa chuẩn bị điều kiện cần và đủ, bỏ biên chế giáo viên lợi bất cập hại.

Lê Mai