Bỏ biên chế suốt đời, thầy cô năng lực kém sẽ phải tìm việc khác

31/10/2019 06:43
Thùy Linh
(GDVN) - Việc ký hợp đồng lao động có thời hạn sẽ tạo điều kiện cho người sử dụng lao động loại bỏ người năng lực yếu kém, không làm được việc, lười nhác...

Điều 25 của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức đang lấy ý kiến tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XIV thu hút sự quan tâm rất lớn từ xã hội. Đặc biệt là cộng đồng giáo viên, một trong những đối tượng có số lượng bị ảnh hưởng rất lớn từ chính sách này. 

Theo đó, kể từ ngày 01/7/2020, tất cả các trường hợp chưa thực hiện hợp đồng làm việc không xác định thời hạn phải ký kết hợp đồng xác định thời hạn. Chỉ có viên chức đã thực hiện xong hợp đồng làm việc xác định thời hạn tại các đơn vị sự nghiệp công lập ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được chuyển sang hợp đồng làm việc không xác định thời hạn.

Nhiều ý kiến băn khoăn, nếu như vậy thì đội ngũ giáo viên làm việc trong các nhà trường rất khó an tâm làm việc và tạo điều kiện cho hiệu trưởng sa thải giáo viên nếu họ làm mất lòng lãnh đạo.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam bày tỏ sự ủng hộ đối với đề xuất này. 

Theo Giáo sư Phạm Tất Dong, việc ký hợp đồng lao động có thời hạn sẽ tạo điều kiện cho người sử dụng lao động loại bỏ người năng lực yếu kém, không làm được việc, lười nhác...(Ảnh: Báo Vietnamnet)
Theo Giáo sư Phạm Tất Dong, việc ký hợp đồng lao động có thời hạn sẽ tạo điều kiện cho người sử dụng lao động loại bỏ người năng lực yếu kém, không làm được việc, lười nhác...(Ảnh: Báo Vietnamnet)

Theo thầy Dong, viên chức ký hợp đồng có thời hạn, điều này giúp người lao động thực hiện nghiêm túc công việc đồng thời luôn luôn trong quá trình vừa lao động vừa học tập.

Do đó, sử dụng lao động, kể cả là giáo viên thì theo hợp đồng có thời hạn là đúng đắn chứ không phải theo biên chế suốt đời. 

Vị này nhìn nhận, hiện nay có một đội ngũ giáo viên không nhỏ khi vào được biên chế thì chểnh mảng với công việc, dạy thêm thì nhiều mà dạy thực thì ít do đó với đề xuất ở dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức nếu giáo viên không nỗ lực, phát huy năng lực thì không bao giờ có thể tồn tại. 

“Đội ngũ nhà giáo phải hiểu rằng, đã là giáo viên phải làm tốt nhiệm vụ dạy học, nếu không thì sẽ bị sa thải.

Bỏ chế độ biên chế suốt đời sẽ loại được tệ “5c” và nạn chạy việc

Việc không có hình thức hợp đồng lao động không xác định thời hạn sẽ tạo điều kiện cho người sử dụng lao động loại bỏ người năng lực yếu kém, không làm được việc, lười nhác... 

Có như vậy chúng ta mới có được đội ngũ giáo viên thực sự có năng lực”, Phó Chủ tịch Hội khuyến học nhấn mạnh.

Ngoài ra, Giáo sư Phạm Tất Dong còn cho rằng, khi chuyển sang hợp đồng xác định thời hạn thì cần đến đâu chúng ta ký đến đó, như vậy sẽ tránh được tình trạng thừa thiếu giáo viên như hiện nay. 

“Khi cân đối được đội ngũ thì quỹ tiền lương sẽ ổn định hơn và thu nhập của giáo viên sẽ tốt hơn”, ông Dong nhận định. 

Đồng tình với quan điểm này Phó giáo sư Nguyễn Võ Kỳ Anh - Viện trưởng Viện nghiên cứu giáo dục phát triển tiềm năng con người đánh giá, hiện nay có tình trạng giáo viên khi vào biên chế thì yên vị. 

Từ 1/7/2020, giáo viên có thể sẽ không còn chế độ “biên chế suốt đời”

Chính tư tưởng an tâm đó đã nảy sinh tư tưởng an vị, mặc ai đổi thay, mình cứ vậy để chờ ngày nghỉ hưu. 

Bỏ chế độ viên chức suốt đời, giáo viên năng lực yếu, kém sẽ bị cắt hợp đồng; buộc giáo viên phải vận động, tự học, tự rèn, trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng đòi hỏi của nhà giáo thời đại 4.0. 

 “Vì vậy, nếu dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, Công chức và Luật Viên chức mà thông qua tức là kể từ ngày 01/7/2020 viên chức ký mới chỉ còn chế độ hợp đồng có thời hạn thì đây sẽ là giải pháp hữu hiệu để giảm bớt gánh nặng về biên chế và nâng cao chất lượng của ngành giáo dục”. 

Thùy Linh