Ngày 24/10, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tài bài viết “Từ 1/7/2020, giáo viên có thể sẽ không còn chế độ “biên chế suốt đời” trong đó đưa ra Điều 25 của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.
Theo đó, kể từ ngày 01/7/2020, tất cả các trường hợp chưa thực hiện hợp đồng làm việc không xác định thời hạn phải ký kết hợp đồng xác định thời hạn. Chỉ có viên chức đã thực hiện xong hợp đồng làm việc xác định thời hạn tại các đơn vị sự nghiệp công lập ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được chuyển sang hợp đồng làm việc không xác định thời hạn.
Sau khi nắm được thông tin này, chia sẻ với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Xuân Khang – Hiệu trưởng trường Marie Curie hoàn toàn đồng ý với Điều 25 (Các loại hợp đồng làm việc) của Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức.
Theo đó, nếu được kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XIV thông qua, thì từ 1/7/2020 sẽ “tiến tới bỏ chế độ biên chế suốt đời” ở các đơn vị sự nghiệp công lập.
Thầy Khang khuyến nghị, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức không những tiến tới “bỏ chế độ biên chế suốt đời” mà còn phải thay đổi cơ chế tuyển chọn lao động, đơn vị sử dụng lao động được quyền tuyển người, ký hợp đồng làm việc có thời hạn với người lao động.(Ảnh: Thùy Linh) |
Thầy Khang nhìn nhận, một trong những thế mạnh của kinh tế tư nhân là sử dụng lao động.
Từ việc tuyển chọn đến việc sử dụng lao động của các đơn vị kinh tế tư nhân rất khác với các đơn vị sự nghiệp công lập.
Người sử dụng lao động trực tiếp tuyển dụng người lao động. Cách tuyển đơn giản nhưng thiết thực, đáp ứng nhu cầu và làm được việc. Không bị chi phối bởi “5c” (con cháu các cụ cả - phóng viên), không thể bằng cách “chạy việc”...
“Người sử dụng lao động và người lao động ký kết hợp đồng làm việc xác định thời hạn, không có sự “ràng buộc suốt đời”.
Điều này tạo động lực làm việc của người lao động, người có ý chí vươn lên sẽ không ngừng phấn đấu để được trọng dụng, có vị trí việc làm cao hơn và thu nhập tốt hơn.
Người lười nhác, thiếu trách nhiệm, không làm được việc sẽ bị mất việc.
Mặt khác, muốn giữ được người tài giỏi, làm việc có hiệu quả thì người sử dụng lao động buộc phải có chế độ đãi ngộ thích hợp”, Hiệu trưởng trường Marie Curie nhấn mạnh.
Nếu tôi còn trẻ mà đi kiếm việc làm thì thích ký hợp đồng hơn biên chế |
Nhiều chục năm qua các đơn vị sự nghiệp công lập bộc lộ nhược điểm, thậm chí xuất hiện nhiều tệ nạn, bộ máy phình to, năng suất lao động rất thấp. Nguyên nhân cơ bản từ việc tuyển chọn và sử dụng người.
Đơn vị sử dụng lao động thì không được trực tiếp chọn người, thường do cấp trên hoặc ngành khác tuyển chọn (Ngành Nội vụ tuyển cho ngành Giáo dục) phân bổ về đơn vị. Vì thế dẫn đến việc thừa, thiếu cục bộ và nhiều người không làm được việc.
Thầy Khang cho rằng, tệ “5c” và nạn chạy việc từ đó mà ra. Hơn nữa, chạy được chân viên chức nhà nước là yên ổn suốt đời. Người làm được việc bị đánh đồng với kẻ không có năng lực, lười nhác. Cả hai đều không sống được bằng lương.
Ở vị trí có thể tham nhũng được thì tích cực vơ vét. Không tham nhũng được thì “chân ngoài dài hơn chân trong” hoặc cùng đường thì “sáng cắp ô đi chiều cắp về”, chấp nhận đồng lương không đủ sống.
“Cơ chế nhà nước trong việc tuyển và sử dụng người như thế thì lấy đâu ra động lực làm việc”?
Cuối cùng, thầy Khang khuyến nghị, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cán bộ, công chức và Luật Viên chức không những tiến tới “bỏ chế độ biên chế suốt đời” mà còn phải thay đổi cơ chế tuyển chọn lao động, đơn vị sử dụng lao động được quyền tuyển người, ký hợp đồng làm việc có thời hạn với người lao động.