Địa phương nọ, sau một đợt tuyển dụng giáo viên có vài người bị kỷ luật, khui ra mới biết người đỗ thành trượt, người trượt thành đỗ, điểm cao thành thấp, điểm thấp thành cao, biến không thành có biến có thành không. Ai cũng biết đó là do ma lực đồng tiền sai khiến.
Thỉnh thoảng vẫn nghe những câu chuyện trà dư tửu hậu kiểu con ông nọ "chạy" vào trường A hết "vài trăm", cháu bà kia "xin" vào trường B hết…nghìn đô…Nhiều người biết đó là sự thật 100%, nhưng dù sao cũng chỉ là tin đồn vô căn cứ.
Vấn nạn chạy việc hiện nay (Ảnh minh họa: KT). |
Câu chuyện hàng trăm giáo viên ở Đắk Lắk bị chấm dứt hợp đồng chắc chắn không hề đơn giản như mấy dòng ngắn ngủn mô tả về sự việc này.
Tự nhiên huyện "nhiệt tình" đến mức tuyển hàng trăm lao động mà chẳng quan tâm đến quy hoạch vị trí việc làm?
Chuyện gì đang xảy ra với nghề giáo?
Một giáo viên mới ra trường, chi 300 triệu đồng để được dạy hợp đồng, mỗi tháng nhận 1 triệu tiền lương! Vụ việc này vừa được tố cáo ở Đắc Lắc.
Chẳng nhẽ, có những giáo viên trẻ yêu nghề đến mức này hay sao? Hay họ cố sống cố chết miễn kiếm được công việc mong thoát cảnh ruộng nương?
Người nhận chạy việc này có nguy cơ thoát tội vì giấy "biên nhận" được ghi rõ là mượn rồi sẽ trả.
Trách ai bây giờ?
Tại anh tại ả hay tại cả đôi đường?
Sai lầm của lãnh đạo huyện, sao đổ lên đầu cả trăm giáo viên? |
Vừa thương cho thân phận nghề giáo trong thời buổi người khôn việc khó, nhưng cũng thật đáng trách, vì chính họ, hầu hết là những người chủ động vác tiền đến "cửa quan" để được việc.
Bản chất sự việc là đưa và nhận hối lộ, hai hành động này đều vi phạm pháp luật. Nguồn cơn sự việc ở rất xa nơi nó xảy ra.
Hay nói cách khác, đó chỉ là hệ lụy của một quá trình quản lý, định hướng giáo dục chưa thật đúng.
Cách đây hơn chục năm, đã có nhiều chuyên gia cảnh báo tình trạng thừa giáo viên trong nay mai, nhưng các trường sư phạm đang thời kỳ "ăn nên làm ra" nên không ai để ý.
Người ta nhìn vào những giảng đường sư phạm chật cứng sinh viên để minh chứng cho sự thành công của chính sách giáo dục!
Nhưng "ăn mặn" giờ mới thấy cảm giác "khát nước". Con số thất nghiệp đã được lượng hóa,con số không nhỏ đâu, 500 giáo viên ở Đắc Lắc chỉ là phần nhỏ!
Rất, rất nhiều nhà giáo chưa một ngày được đứng lớp còn bật bãi ở đâu đó, muốn được việc, phải chạy thôi!
Những người quản lý giáo dục tầm vĩ mô, không biết có động lòng? Vì không ai khác, 500 con người đó và nhiều người ngoài đường kia là "con đẻ" của nền giáo dục, sản phẩm của chính sách giáo dục thiếu điều tiết cách đây hơn một thập kỷ.
Giá như ngày đó người ta đặt niềm tin vào bản dự báo thị trường lao động nghề dạy học, nó còn khẩn thiết hơn mấy đề án "bạc núi".
Chúng ta không chủ động điều tiết, thị trường lao động sẽ làm thay điều đó, nhưng đến lúc đó thị trường sẽ bắn vào chúng ta bằng súng đại bác.
Và đây, những "cái chết" từ từ của nhiều trường sư phạm đang diễn ra ngày một nhanh hơn, thay vì nổi hồi còi kết thúc, tặng cho các trường sư phạm tràng pháo tay vì đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử thì người ta cứu nó bằng cách hạ dần đến mức chạm đáy tiêu chuẩn đầu vào.
Công an tỉnh Đắk Lắk vào cuộc làm rõ thông tin giáo viên “chạy” việc trăm triệu |
Rồi mười, hai mươi năm nữa chúng ta sẽ chứng kiến thêm cảnh đau lòng.
Giáo viên thi đầu vào 3 môn 9 điểm! Liệu có "nặn" ra được những tấm Huy chương vàng Olympic, những tân cử nhân 29, 30 điểm…?
Phải chăng “nghề cao quý” giờ không còn đẹp như cái tên người ta phong cho nó?
Hóa ra bây giờ ai kiếm được việc dạy học đều bị nghi ngờ “đi đêm đi ngày”, vì giáo viên đã quá ế ẩm, bị đối xử như mớ rau con cá phiên chợ chiều. Để được đứng trên bục làm phận cao quý, phải mua.
Nghề giáo cũng bỏ tiền mua việc và rồi đứng trên bục giảng làm sao để "thu hồi vốn" nhanh nhất.
Hệ quả của nó không thể đong đếm được bằng tiền, những vấn đề xã hội nhức nhối, bản thân nó có dáng dấp của nền giáo dục gặp phải những vấn đề vĩ mô.
Giáo viên bị bắt quỳ gối ở Long An, học sinh bóp cổ giáo viên ở Bến Tre, hàng trăm giáo viên bỗng nhiên mất việc ở Đắc Lắc…tất cả những điều đó buộc xã hội phải nhìn nhận lại nghề giáo.
Nó có vẻ liên quan đến cái ngó lơ của học sinh giỏi với ngành sư phạm, sự thừa mứa thầy cô và nhiều thứ khác nữa…
Bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn của riêng tác giả.