Đường dây nóng Xã hội - Pháp luật 0917.84.9911

Bộ Công an: Không phạt lỗi không chính chủ với xe mượn, đủ giấy tờ

12/11/2012 06:42
Huệ Nguyễn
(GDVN) - Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt khẳng định, nếu xe tham gia giao thông là mượn của bố mẹ, anh chị em hoặc cho bạn bè mượn mà có đầy đủ giấy tờ hợp lệ thì không bị phạt.

Trước những băn khoăn của độc giả về trường hợp mượn xe có bị xử phạt hay không, Thượng tá Nguyễn Kim Hải, Phó trưởng phòng Hướng dẫn đăng ký, quản lý phương tiện cơ giới đường bộ - Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt (C67 - Bộ Công an) và Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng Phòng CSGT TP. Hà Nội đã có những chia sẻ cùng Báo Giáo dục Việt Nam.

Mượn xe có đầy đủ giấy tờ không bị xử phạt

Theo Thượng tá Nguyễn Kim Hải: Nghị định 71 là chỉ tăng thêm hình phạt còn những quy định về xử phạt hành chính đối với những xe mua bán nhưng không sang tên đổi chủ đã được quy định rất rõ trong Nghị định 34/2010/NĐ-CP.

Nếu xe tham gia giao thông là mượn của bố mẹ, anh chị em hoặc cho bạn bè mượn mà có đầy đủ giấy tờ hợp lệ thì không bị phạt. Việc mua, bán, cho tặng không sang tên đổi chủ theo đúng quy định thì mới tiến hành xử phạt theo Nghị định 34.

Không phải trường hợp nào công an cũng đi xác minh, làm rõ mà chỉ những trường hợp bị nghi vấn hoặc xe bị tạm giữ theo quy định của Nghị định 34. Trong quá trình đó mà giấy tờ chủ phương tiện xuất trình ra không phải chính chủ thì công an cần xác minh đối với người chủ cũ. Nếu chủ cũ trả lời đã bán rồi thì mình sẽ xử phạt với người không làm thủ tục sang tên đổi chủ. Nếu họ trả lời là cho mượn thì trường hợp này không xử phạt.

Để xác minh chủ phương tiện giao thông, kể cả với những xe đã mua từ lâu hoặc qua nhiều đời chủ, lực lượng chức năng có nghiệp vụ và phương pháp xác minh để “đúng người, đúng tội”.

Ảnh minh họa (Nguồn ảnh: internet)
Ảnh minh họa (Nguồn ảnh: internet)

Còn với xe taxi, xe công, người đăng kí là chủ hãng, dân lái xe chỉ là người làm thuê thì không thể có giấy đăng kí được nhưng họ lại có thẻ nhân viên và giấy tờ lưu thông hợp lệ. Đó chính là căn cứ chứng minh xe của họ đang điều khiển trên đường là hoàn toàn chính đáng. Chỉ những trường hợp ví dụ như xe đăng kí là ở Hà Nội nhưng một công dân ở Quảng Ninh dùng lâu ngày thì lực lượng chức năng mới kiểm tra và xác minh làm rõ.

Để giải thích rõ vấn đề này, Đại tá Đào Vịnh Thắng cũng đưa ra trường hợp cụ thể: Người tham gia giao thông mượn xe của bạn nhưng có đầy đủ giấy tờ hợp lệ bao gồm: giấy phép lái xe, bằng lái xe, bảo hiểm đối với xe máy và thêm sổ kiểm định chất lượng đối với xe ô tô, khi đi đường nếu vi phạm các lỗi như vượt đèn đỏ, dừng đỗ xe sai quy định, đi sai làn đường… CSGT kiểm tra đầy đủ giấy tờ thì cũng chỉ bị xử phạt các lỗi vi phạm chứ không xử phạt vì không có giấy tờ chính chủ nếu người vi phạm xác minh được xe đó là mượn của bạn bè mình.

Luật Giao thông đường bộ cũng quy định rất rõ, khi tham gia giao thông phải có đầy đủ giấy tờ. Là bạn bè hay người thân, phải thực sự tin tưởng thì mình mới cho mượn xe và khi cho mượn đương nhiên phải giao giấy tờ để làm căn cứ cho người đó lưu thông hợp lệ.

Đại tá cho biết thêm: Trong hai ngày 10 và 11/11, CSGT TP. Hà Nội cũng đã kiểm tra và nhắc nhở 175 trường hợp vi phạm giao thông nhưng chưa làm thủ tục sang tên đổi chủ.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân có cách hiểu đúng về Nghị định 71

Trước rất nhiều thắc mắc của người dân về việc Nghị định 71 áp dụng vào thực tế quá nhanh khiến người dân hoang mang và không có thời gian để tìm hiểu kĩ dễ gây ra những cách hiểu không đúng, Đại tá Đào Vịnh Thắng cho biết:

Nghị định số 71/2012/NĐ-CP của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 34/2010/NĐ-CP ngày 02/04/2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đã được ban hành từ ngày 19/9/2012 và được thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Ngay sau khi Nghị định 71/2012/NĐ-CP của Chính phủ được ban hành, Phòng CSGT Thành phố cũng tổ chức quán triệt cho 100% cán bộ giao thông thành phố; tuyên truyền cho các cơ quan, đoàn thể, học sinh, sinh viên các trường học về Nghị định 71 của Chính phủ, đặc biệt là 19 điều sửa đổi, bổ sung trong Nghị định 34.

Nhưng tới giờ người dân vẫn còn rất mơ hồ. Cũng có nhiều người biết tới quy định này, nên trong năm 2012, Phòng CSGT Thành phố cũng đã tiếp nhận nhiều trường hợp tới sang tên đổi chủ và cũng xử phạt những trường hợp sang tên đổi chủ chậm.

Tại cơ sở đăng kí xe ô tô, đã sang tên đổi chủ tới 2443 trường hợp; trong đó sang tên ngay trong khu vực Hà Nội là 1820 xe; làm thủ tục sang tên đổi chủ khi mua bán ở Hà Nội nhưng di chuyển sang tỉnh khác là 623 trường hợp. Phạt 650 trường hợp tới đăng kí chậm và vi phạm theo nghị định 34 đã được quy định.

Trước đây, việc xe máy không sang tên đổi chủ quy định chỉ phạt từ 100 – 200 nghìn đồng. Nhiều khi chế tài đưa ra như thế người dân thấy bình thường. Khi mức phạt tăng lên thì có nhiều người hiểu rõ nhưng cũng có nhiều người còn phân vân trong mức xử phạt cao như vậy. Nghị định đưa ra nhằm giúp Nhà nước quản lý tốt hơn các trường hợp vi phạm giao thông cũng như những vụ án hình sự.

Thượng tá Nguyễn Kim Hải cho biết thêm: Ngày 24/9/2011, Chính phủ đã có Công văn số 1702/TTg - KTN về việc tăng cường chỉ đạo thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm an toàn giao thông. Cơ chế của văn bản 1702 đã được Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu rất lâu và soạn thảo, sau đó nhiều lần lấy ý kiến của UBND các tỉnh và các thành viên chính phủ.

Nghị định 71 cũng đã từng lấy ý kiến các bộ, ban ngành sau đó mới trình lên Chính phủ và được đăng tải công khai trên mạng. Việc Nghị định chưa tới được với đông đảo người dân là do ở công tác tuyên truyền. Để đảm bảo quyền lợi cho mình, người dân phải làm công tác sang tên đổi chủ theo lộ trình: Trường hợp có giấy tờ hợp lệ tới công an làm thủ tục chỉ sau 3 ngày là hoàn tất. Đối với ô tô trong một tỉnh, chỉ cần mang giấy đăng kí và giấy bán, giấy đăng kí trước bạ tại huyện mình ở, không cần rút hồ sơ, cơ quan công an sẽ tự rút hồ sơ để làm. Thủ tục rất nhanh chóng.

Thượng tá cũng cho biết thêm: Hiện tại, phí đăng kí do Bộ Tài chính quy định còn ở mức cao so với thu nhập của người dân. Bộ Công an và Bộ Giao thông Vận tải cũng đang đề nghị hạ mức đó để khuyến khích người dân làm thủ tục sang tên đổi chủ.

Huệ Nguyễn