Bộ Giáo dục đã ra đề mở, đổi mới dạy và học Văn sẽ phụ thuộc giám khảo, thí sinh

19/06/2019 06:11
Nguyễn Văn Lự
(GDVN) - Đề Ngữ văn theo hướng tự do và sáng tạo của kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia 2019, thí sinh viết mở và người chấm thi rất cần chấm mở.

LTS: Liên quan đến môn thi Ngữ văn trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia 2019, thầy giáo Nguyễn Văn Lự (giáo viên Trường Trung học phổ thông Vĩnh Yên) chia sẻ những điểm mới trong kỳ thi năm nay.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết. 

Đề Ngữ văn Trung học phổ thông quốc gia đổi mới theo hướng đánh giá năng lực thí sinh. Hướng dẫn chấm thi năm 2018 ngắn gọn và chấp nhận quan điểm trái chiều của thí sinh.

Đề Ngữ văn theo hướng tự do và sáng tạo của kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia 2019, thí sinh viết mở và người chấm thi rất cần chấm mở.

Cơ hội của thí sinh

Theo đề thi minh họa Ngữ văn 2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đề thi sẽ có Câu 3, Câu 4 (phần Đọc hiểu) và Câu 1 viết đoạn văn 200 chữ, và Câu 2 nghị luận văn học (phần Tự luận), tạo cơ hội cho thí trình bày ý hiểu của mình tự do, không nhất thiết phải theo đáp án.

Từ mùa thi Trung học phổ thông quốc gia 2017, thí sinh đã được phép bày tỏ chính kiến của mình, được thoát ly mặc định cách hiểu của thầy cô hoặc tài liệu khi bàn về vấn đề cuộc sống và văn học.

Phần nhiều các học trò vẫn ngại hoặc sợ không dám nêu ý kiến của riêng mình chọn viết theo chính thống cho an toàn, dù thấy bức xúc và gò bó.

Thầy cô dạy cũng khuyên trò như thế, làm cho hàng ngàn bài thi na ná, khen cũng như chê sáo rỗng và hời hợt, nông cạn theo văn mẫu thuộc lòng.

Vấn đề mở trong đề bài thường gợi dẫn bởi câu lệnh: “đồng ý hay không đồng ý, ý kiến của anh chị thế nào…” với giới hạn một vấn đề cụ thể.

Thí sinh nếu không đọc thật kỹ đề bài rất khó xác định được trọng tâm và phạm vi vấn đề cần bàn luận từ đó, xác định góc nhìn và quan điểm, nêu hiểu biết và diễn đạt ý hiểu theo cách riêng của mình.

Góc nhìn cá nhân không đồng ý mới lạ, rất riêng và đôi khi rất dễ viết lại ít thí sinh chọn. Phản biện, bác bỏ để rồi nêu chính kiến của mình, cảm xúc của mình sẽ tự nhiên và sâu sắc.

Điều gì ta suy nghĩ chín chắn sẽ tìm được ngôn từ diễn đạt lưu loát. Mặc dù đề thi luôn khuyến khích và trân trọng sự sáng tạo của thí sinh nhưng rất hiếm có bài dám theo cách này.

Khi bàn luận vấn đề theo hướng mở, thí sinh thận trọng và chọn lựa ngôn từ phù hợp, tránh thô thiển hoặc gay gắt hoặc theo cảm xúc; chọn ví dụ minh họa khái quát, không phân tích và chi tiết hóa để đảm bảo dung lượng của bài văn.

Cố gắng bàn luận với góc nhìn khách quan và dựa theo số đông của chân lý cuộc sống.

Góc nhìn của người làm bài nhìn nhận vấn đề trong đề thi là đặt mình trong cảnh huống của một người đủ 18 tuổi, một công dân, một con người trưởng thành, có đủ năng lực suy nghĩ và hành động một cách độc lập và tự tin.

Đề minh họa 2019. Ảnh do tác giả cung cấp
Đề minh họa 2019. Ảnh do tác giả cung cấp

Đề Ngữ văn mở chấp nhận mọi cách hiểu và phạm vi bàn luận nhưng không phải bàn luận, lý giải thế nào cũng được.

Đề Ngữ văn Trung học phổ thông quốc gia 2019 vẫn có những gợi ý định hướng và giới hạn điểm nhìn và phạm vi bàn luận, cho nên, các thí sinh cần thận trọng và tỉnh táo chọn luận điểm và góc nhìn phù hợp với hiểu biết và năng lực, trình độ.

Vấn đề mình hiểu như thế nào, diễn đạt và dùng từ ra sao để thuyết phục giám khảo cùng hiểu và tin như thế là điều cần lưu tâm nhất khi làm đề văn mở.

Trong câu nghị luận văn học, đề thường yêu cầu nêu cảm nhận, suy nghĩ… từ đó, nêu nhận xét về điều A nào đó là muốn thí sinh tự do và sáng tạo bày tỏ hiểu biết và thái độ, quan điểm của mình về chi tiết, hình ảnh, nhân vật…

Tất nhiên, đề thi Ngữ văn 2019 vẫn trong hơn chục tác phẩm/đoạn trích được ôn luyện kỹ lưỡng.

Dành cho nhiều nhóm trình độ thí sinh, đề thi theo hướng mở tạo điều kiện cho thí sinh học Văn trổ tài luận bàn một cách tự do và sáng tạo.

Ví như, cảm nhận về đoạn thơ, không nhất thiết thí sinh giảng giải từ câu đầu đến câu cuối hoặc cảm nhận về nhân vật tự sự, không nhất thiết theo trình tự suy nghĩ, hành động rồi nêu phẩm chất tâm hồn…

Có thể bắt đầu bằng ấn tượng gì sâu sắc nhất khi đọc, câu chữ hay chi tiết nào làm mình nhớ nhất để kiến giải vấn đề.

Vấn đề thí sinh cần nhớ là viết cách nào, xuất phát từ điểm nhìn nào cũng phải nêu được các ý cơ bản (theo cách truyền thống như đáp án) và theo các khác lạ trái ngược đáp án.

Diễn đạt, thuyết phục theo cách cảm nhận của mình quan trọng hơn số ý số câu của bài thi!

Thái độ của người chấm

Quy trình và kỹ thuật chấm Ngữ văn 2019 thay đổi nhưng cơ bản vẫn là thầy cô địa phương bám lớp hiểu trò đánh giá.

Hướng dẫn chấm vẫn nhấn mạnh trân trọng bài thi có ý tưởng và cách làm bài mới sáng tạo, nhất là ý kiến khác lạ hoặc trái chiều.

Đề thi quốc gia 2019 nằm trong chương trình trung học phổ thông, chủ yếu lớp 12
Đề thi quốc gia 2019 nằm trong chương trình trung học phổ thông, chủ yếu lớp 12

Phần lớn giám khảo đọc bài thi khác thường đều trân quý và đồng tình, khuyến khích thừa nhận và cho điểm hào phóng, nhất là những bài chữ viết và dùng từ, diễn đạt trôi chảy và khác giọng điệu văn mẫu.

Những bài thí sinh viết bừa phứa, dông dài hoặc phóng bút viết loạn, không hiểu viết cái gì sẽ nhận thái độ nghiêm khắc và điểm xấu.

Những bài không thuộc 2 loại trên rất cần giám khảo đọc kỹ và đánh giá công tâm.

Thí sinh mạo hiểm chọn hướng bàn luận riêng, khác biệt đáp án đã thoát khỏi văn mẫu cũ rích nhưng đôi khi chưa hiểu thấu đáo, chưa biết cách diễn đạt mạch lạc lại khó lôi cuốn thầy cô đọc kỹ hết bài viết.

Thời tiết và áp lực chấm cũng tác động tạo nên mặc cảm cho những thầy cô chưa nhiều kinh nghiệm và thạo chuyên môn.

Thái độ khắt khe, một chiều hoặc quan trọng hóa vấn đề khi đọc bài thí sinh bàn luận khác đáp án đã dẫn tới cho điểm thiếu công tâm. Ý kiến trái chiều của thí sinh còn gặp trở ngại khi thống nhất điểm giữa hai giám khảo.

Khác nhau ở góc nhìn nhận và năng lực tri thức xã hội giữa hai giám khảo đôi khi cần ý kiến của Tổ trưởng là điều vẫn xảy ra trong mỗi kỳ chấm Ngữ văn.

Khi giám khảo đặt mình vào vị trí và tâm sinh lý của thí sinh khi làm bài thi, họ sẽ dễ dàng nhận ra sự sáng tạo và năng lực ngôn ngữ, năng lực hiểu biết và tư duy của thí sinh là sự nỗ lực đáng quý.

Xử lý những bài văn khác lạ và quan điểm trái chiều đòi hỏi người chấm tỉnh táo và độ lượng. Những kiến giải tuy còn vụng về câu chữ, dùng từ chưa sắc nhưng có ý mới, cách hiểu mới rất nên được xem kỹ.

Thí sinh mạnh dạn trình bày cách hiểu của riêng mình, có thể khác tài liệu đã học, và giám khảo cân nhắc, thẩm định thận trọng để không bỏ qua những ý tốt mới mẻ và hợp lý.

Đề thi Ngữ văn Trung học phổ thông quốc gia quan trọng thứ 2 sau đề thi vào lớp 10 luôn tạo cơ hội sáng tạo cho thí sinh nhưng việc giám khảo chưa linh hoạt đánh giá năng lực học trò vẫn còn khá nặng nề trong một số giám khảo tuổi nghề và tuổi đời còn trẻ.

Đề thi mở, cách làm bài sáng tạo và chấm thi linh hoạt thực sự cần thiết trước thềm đổi mới toàn diện thi cử theo hướng đánh giá năng lực người học.

Thái độ của các thầy cô giám khảo dành cho những bài thi sáng tạo của kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia 2019 sẽ cổ vũ cho cách học và làm bài Ngữ văn sáng tạo hay ngăn cản sự đổi mới học văn, dạy văn hiện nay!   

Nguyễn Văn Lự