Ngày 27/8/2019 tại Trường đại học Sư phạm Hà Nội II, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam phối hợp với Trường đại học Sư phạm Hà Nội II tổ chức Hội thảo Khoa học cấp Quốc gia với chủ đề các giải pháp ổn định, phát triển và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng giáo viên hiện nay và trong thời gian tới.
Đây là hội thảo được Hiệp hội quyết định tổ chức đột xuất, nhằm hưởng ứng và triển khai ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp với Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 2 tháng 8/2019.
Giáo sư Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam (ảnh Trinh Phúc). |
Phát biểu tại Hội thảo, Giáo sư Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam phân tích việc triển khai Nghị quyết 19 của Trung ương Đảng về sắp xếp lại, giảm đầu mối cơ quan hành chính sự nghiệp, giảm biên chế, giảm gánh nặng của nhà nước, rất nhiều tỉnh thành đã bắt đầu sắp xếp lại hệ thống giáo dục địa phương.
Bộ Giáo dục và Đào tạo có dự thảo quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm. Về phía các trường sư phạm và các trường có ngành đào tạo giáo viên có nhiều suy nghĩ. Do đó, hội thảo là để tìm các giải pháp thực hiện Nghị quyết 19 và tham góp ý kiến về quy hoạch các trường sư phạm.
"Vấn đề quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm nói chính xác hơn là quy hoạch việc đào tạo giáo viên cho cả nước. Do đó, sản phẩm hội thảo lần này sẽ có kiến nghị giải pháp trước mắt đồng thời có kiến nghị lâu dài về đào tạo giáo viên" - Giáo sư Trần Hồng Quân nhấn mạnh.
Đào tạo theo đơn đặt hàng, hướng đi thiết thực cho các trường sư phạm |
Theo báo cáo của Hiệp hội, trong thời gian rất ngắn, với tinh thần chuẩn bị và triển khai rất khẩn trương, đến ngày 25/8/2019 Ban Tổ chức hội thảo đã nhận được hơn 20 báo cáo tham luận từ các nhà quản lý, nhà giáo và nhà khoa học từ khắp miền đất nước.
Điều này chứng tỏ đây là vấn đề được hầu hết các trường đào tạo giáo viên trong cả nước rất quan tâm.
Đây chắc chắn sẽ là hội thảo ghi dấu ấn quan trọng trong việc sắp xếp lại hệ thống, mạng lưới các cơ sở đào tạo giáo viên, nâng cao hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng giáo viên chất lượng cao đáp ứng yêu cầu giai đoạn trước mắt và lâu dài của ngành sư phạm nước nhà.
Các vấn đề được đặt ra tại Hội thảo lần này, đó là Luật Giáo dục sửa đổi (2019) có hiệu lực, theo đó cần nâng chuẩn giáo viên các cấp lên trình độ đại học, chỉ có giáo viên mầm non là ở trình độ cao đẳng.
Việc thay đổi chương trình, sách giáo khoa phổ thông đã khởi động. Thủ trướng Chính phủ chỉ đạo các nhà trường sư phạm phải đào tạo nhà giáo dục thay cho việc đào tạo “thợ dạy” như lâu nay.
Thêm vào đó các trường cao đẳng sư phạm đều là đối tượng giảm đầu mối, giảm nhân sự theo tinh thần Nghị quyết 19 của Ban chấp hành trung ương Đảng. Thực tiễn trên đang làm cho tình hình phức tạp thêm. Các địa phương không tránh khỏi lúng túng, có thể có quyết sách vội vàng, lợi ít mà hại nhiều.
Các báo và một số ý kiến thảo luận tại hội thảo đều trực tiếp, hoặc gián tiếp bày tỏ sự băn khoăn, thậm chí có cả những ý kiến bức xúc, lo lắng đối với công tác đào tạo giáo viên hiện nay.
Các đại biểu dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm, ảnh: Trinh Phúc. |
Trong khi ngành giáo dục chưa hoàn thiện Đề án sắp xếp, tổ chức lại các trường sư pham... để trình Thủ tưởng Chính phủ phê duyệt, thì nhiều địa phương đã “hăng hái, tích cực” sắp xếp lại các cơ sở đào tạo giáo viên theo Nghị quyết số 19-NQ/TW của Đảng về “tiếp tụcđổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”.
Điều này đang gây lo ngại cho nhiều cán bộ, giáo viên tâm huyết với nghề sư phạm…
Có báo cáo đã công phu tổng hợp và phân tích số liệu thống kê cho thấy: “Việc tổ chức đào tạo giáo viên trình độ đại học ở Việt Nam chủ yếu đang được thực hiện ở các trường đại học sư phạm và các trường đại học đa ngành.
Xét về tính bền vững và hiệu quả đầu tư thì tổ chức đào tạo giáo viên trình độ đại học ở các cơ sở giáo dục đại học đa ngành, đa lĩnh vực là hiệu quả hơn, với nhiều lợi thế hơn là đào tạo tại các trường chuyên ngành sư phạm”.
Đào tạo giáo viên, bức tranh tổng thể trước ngày...vẽ lại |
Đây cũng là vấn đề cần xem xét trong thiết kế xây dựng hệ thống các trường đại học sư phạm trọng điểm.
Các trường Cao đẳng sư phạm hiện cả nước có 30 trường. Đây là loại hình đào tạo lâu nhất, phổ biến nhất ở nước ta với chức năng đào tạo giáo viên các trình độ cung cấp cho các trường mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở và các trường dạy nghề.
Vị trí vai trò các trường cao đẳng sư phạm trong tương lai thế nào? Đây là vấn đề được quan tâm sâu sắc tại hội thảo này, và chắc chắn có những kiến nghị tích cực nhằm giữ vững và phát huy sức mạnh của khối trường cao đẳng sư phạm trong nhiệm vụ mới.
Các đại biểu mong muốn duy trì số các trường cao đẳng sư phạm hiện có, cho phép các trường này tổ chức chuỗi trường phổ thông liên cấp theo mô hình tự chủ (như đã có trường đã và đang triển khai thành công).
Cao đẳng sư phạm vừa làm nhiệm vụ đào tạo giáo viên bậc học mầm non, vừa làm nhiệm vụ bồi dưỡng giáo viên cho địa phương. Các trường phổ thông liên cấp trực thuộc trường cao đẳng sư phạm vừa là địa chỉ dạy học chất lượng cao, có thêm nguồn thu cho trường, vừa là nơi thực thập cho sinh viên ngành sư phạm.
Hội thảo đề xuất, trước mắt (cho tới năm 2025): Cơ bản giữ nguyên hệ thống các cơ sở sư phạm như hiện nay.
Thực hiện phân tầng hệ thống này thành các trường đại học sư phạm/ đại học giáo dục trọng điểm, các cơ sở sư phạm trung ương, các trường/khoa đại học sư phạm địa phương, các trường/khoa cao đẳng sư phạm địa phương.
Nhà nước có chính sách hỗ trợ sớm thành lập trường thực hành chất lượng cao trong các trường/khoa sư phạm.
Thực hiện đào tạo và bồi dưỡng giáo viên chủ yếu theo địa chỉ (không theo cơ chế thị trường). Xây dựng cơ chế “đặt hàng đào tạo giáo viên” từ các địa phương.
Sinh viên sư phạm phải được ưu tiên vay tín dụng nhà nước và được xóa nợ tín dụng nếu chấp nhận làm việc trong ngành sư phạm.
Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định các chuẩn của cơ sở sư phạm, chuẩn chương trình đào tạo giáo viên (nội dung cứng) và các chuẩn khác để tạo cơ chế liên thông, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống giáo dục.
Việc nâng chuẩn trình độ của giáo viên (như theo Luật Giáo dục sửa đổi 2019) phải gắn liền với quy hoạch nâng cấp đào tạo của các cơ sở sư phạm.
Về lâu dài (từ sau năm 2025), hiệp hội kiến nghị, các cơ sở sư phạm từng bước chuyển thành trường giáo dục trong các đại học đa lĩnh vực hoặc khoa sư phạm trong các trường đại học địa phương /cao đẳng cộng đồng để có sự ổn định trong hoạt động, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo và huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn cơ sở giáo dục đại học trong đào tạo giáo viên khi xuất hiện nhu cầu lớn. Chuyển nhiệm vụ khác cho các cơ sở sư phạm không đảm bảo chất lượng.
Về phân cấp quản lý, Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng chiến lược và quy hoạch phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục và quy định tiêu chuẩn chất lượng các loại giáo viên.
Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý hoạt động đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và giao chỉ tiêu đào tạo/bố trí việc làm của sinh viên tốt nghiệp cho các trường đại học sư phạm/đại học giáo dục trọng điểm/trung ương.
Các trường này được tự chủ trong đào tạo sau đại học và nghiên cứu khoa học,tập trung đào tạo sau đại học (đặc biệt đối với các trường trọng điểm), nghiên cứu khoa học giáo dục và bồi dưỡng giảng viên cho các trường sư phạm và trường trung học phổ thông trên phạm vi toàn quốc.
Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương quản lý trực tiếp và giao chỉ tiêu đào tạo giáo viên mầm non, tiểu học và trung hoc cơ sở cho các trường/khoa sư phạm địa phương.
Các trường/khoa sư phạm địa phương tập trung đào tạo và bồi dưỡng giáo viên cho các trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở trong địa phương.
Các cơ sở sư phạm không tranh giành nguồn tuyển hoặc đào tạo chồng chéo.
Các trường sư phạm trọng điểm/trung ương tập trung đào tạo sau đại học, nghiên cứu khoa học giáo dục và bồi dưỡng giảng viên cho các trường sư phạm và trường trung học phổ thông trong phạm vi toàn quốc.
Các trường/khoa sư phạm địa phương tập trung đào tạo và bồi dưỡng giáo viên cho các trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn của mình theo đặt hàng của ủy ban nhân dân địa phương.
Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam kính đề nghị Thủ tướng:
"Có văn bản gứi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố về việc sắp xếp, quy hoạch các trường cao đẳng sư phạm địa phương trong khi thực hiện các Nghị quyết 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của ban chấp hành Trung ương khóa XI về tinh giảm biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và Nghị quyết 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của ban chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản chỉ đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ cho các trường cao đẳng sư phạm tham gia bồi dưỡng giáo viên thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới;
Tham gia bồi dưỡng thường xuyên giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục; tổ chức các chuyên đề bồi dưỡng nghiệp vụ;
Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các đơn vị liên quan thuộc Bộ (VTEP, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Vụ Đại học,...) chọn cử giảng viên các trường cao đẳng sư phạm địa phương tham gia tập huấn bồi dưỡng đội ngũ cốt cán".