Cao học cũng…khoái văn mẫu!

26/06/2019 06:40
HOÀNG SA VIỆT
(GDVN) - Có lẽ ít người biết (hoặc biết mà chưa ai dám nói, dám lên tiếng), ở bậc cao học (sau đại học) cũng khoái văn mẫu để bài luôn đạt điểm cao.

LTS: Trước về thực trạng sử dụng văn mẫu, copy trên mạng…trong đào tạo thạc sĩ, tác giả Hoàng Sa Việt đã có bài viết chia sẻ cùng độc giả Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Bấy lâu nay, chúng ta thường trách móc, thậm chí lên án, phê phán kiểu học văn mẫu, chép theo văn mẫu ở bậc tiểu học, trung học…

Nào là làm thui chột, triệt tiêu khả năng sáng tạo, trí tưởng tượng của người học, nào là tạo sự gian dối, không tự mình làm bài mà đi chép bài người khác…

Mọi người còn lên tiếng chỉ trích các nhà xuất bản, mải chạy theo lợi nhuận để xuất bản những cuốn sách văn mẫu bán tràn lan, gây hại nhiều mặt cho học sinh.

Nhưng, có lẽ ít người biết (hoặc biết mà chưa ai dám nói, dám lên tiếng), ở bậc cao học (sau đại học) cũng khoái văn mẫu để bài luôn đạt điểm cao.

Đó là những điều bản thân tôi và đồng nghiệp chứng kiến, nếm mùi “trải nghiệm” khi theo học lớp Cao học Văn học Việt Nam tại một trường đại học đồng bằng sông Cửu Long.

(Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa: caohockinhte.edu.vn)
(Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa: caohockinhte.edu.vn)

Thông thường, sau một học phần, người học sẽ phải làm một bài tiểu luận về học phần đó. Mục đích là kiểm tra mức độ hiểu bài, mức “thẩm thấu” của người học như thế nào để các giáo sư, tiến sĩ đánh giá…

Trung tâm học liệu dành hẳn một phòng lớn, có máy lạnh cho học viên cao học nghiên cứu (ra vào bằng thẻ từ được cấp).

Tài liệu tham khảo thì tha hồ, không thiếu một thứ gì, miễn là học viên chịu khó, chịu khổ, có tinh thần, ý chí, nghị lực để tự học, tự nâng cao tầm hiểu biết của mình…

Nhưng buồn thay, rất ít người có khả năng tự học nên học viên vào đây không nhiều. Nếu có vào thì họ cũng sử dụng máy, tải bài về và lưu vào USB mang theo.

Đó những bài tiểu luận trên mạng, được học viên mang về, sửa đổi đôi chút cho có vẻ “khách quan” rồi “xào nấu” theo quy trình “cắt dán” kiểu “liên khúc” (mỗi bài gồm nhiều đoạn của nhiều tác giả). Xong đến ngày quy định là nộp lại cho thầy…

Điều tôi và một vài học viên khác bất bình là những bài “cắt dán” lại luôn có điểm cao hơn những bài chúng tôi tự lực làm.

Dạy văn mẫu, thầy cô đang ươm mầm dối trá

Bài của chúng tôi luôn có những ý phản biện, những nhận định có thể chưa sâu sắc nhưng là ý kiến của giáo viên từ cơ sở, từ thực tế trải nghiệm giảng dạy.

Nói xin lỗi, có khi công việc của các thầy nhiều nên không có thời gian đọc hoặc so sánh những bài trên mạng internet nên không phát hiện sự “xào nấu” này.

Thành ra, người tự lực làm bài, chịu khó sưu tập, xử lý tài liệu để làm bài lại thiệt thòi hơn những người giỏi về “cắt dán”.

Nhằm đào tạo thật nhiều thạc sĩ và đảm bảo sự tồn tại, nhiều trường đại học đã liên kết đến tận từng địa phương… Có khi chưa đủ số lượng, họ cho học viên “nợ” đầu vào, cứ vô học rồi thi “trả nợ” sau.

Chúng tôi thường nói đùa đó là những “Thạc sĩ không đầu” (không có thi đầu vào).       

HOÀNG SA VIỆT