Văn mẫu, đạo văn, đạo đề kiểm tra đang biến Văn thành môn "nhai lại"

19/05/2019 06:16
THANH AN
(GDVN) - Giờ đây, những giờ trả bài kiểm tra Văn trong trường phổ thông vẫn còn nhưng gần như chẳng có mấy giáo viên dám đọc những bài văn điểm cao trước lớp.

Thời chúng tôi còn học phổ thông, mỗi khi đến giờ trả bài kiểm tra môn Ngữ văn là thầy, cô thường đọc những bài văn hay, được điểm cao trong lớp cho học trò nghe.

Những bạn được thầy cô đọc bài của mình trước lớp luôn lấy làm tự hào bởi cứ nhìn đám bạn bè nhìn mình bằng đôi mắt khâm phục cũng đủ…sướng rơn cả người.

Giờ đây, những giờ trả bài kiểm tra Văn trong trường phổ thông vẫn còn nhưng gần như chẳng có mấy giáo viên dám đọc những bài văn điểm cao trước lớp.

Bởi một lẽ rất giản đơn là dù được điểm cao nhưng chất văn trong bài văn của học trò đã không còn. Hơn nữa, đa phần các bài văn cứ na ná như nhau thì đọc làm gì cho mất thì giờ.

Ảnh có tính chất minh họa, nguồn: Youtube.
Ảnh có tính chất minh họa, nguồn: Youtube.

Trong thời buổi mà những cuốn văn mẫu được bán tràn lan ở các hiệu sách với giá rẻ chỉ vài chục nghìn đồng là có đủ các dạng bài trong một năm học đã khiến cho số đông học trò ngại tìm tòi, suy nghĩ.

Nhiều em không mua văn mẫu thì trước khi kiểm tra, học sinh chỉ cần lên mạng Internet tìm một bài văn ưng ý rồi tải về học thuộc hoặc in lại đem vào lớp.

Giờ kiểm tra, nếu giáo viên khó thì nhớ được ý nào thì trình bày ý đó, giáo viên mà dễ dãi, bận làm việc riêng thì học trò để vào hộc bàn nhìn chép dần thành bài văn của mình.

Chính vì thế, những bài văn dù chỉnh bày rất chỉn chu, có ý nhưng chai lỳ về cảm xúc hoặc cảm xúc giả dối. Bởi những bài văn mẫu thường được biên tập kỹ lưỡng, lời văn bao giờ cũng già dặn, sâu sắc hơn rất nhiều những suy nghĩ của học trò.

Khi giáo viên chấm một vài bài đầu còn có một chút hứng thú nhưng càng chấm về sau lại càng mất hứng bởi bài nào cũng giống và na ná như nhau.

Vì thế, có những thầy cô chấm Văn bây giờ nhìn chữ em nào đẹp thì cho điểm cao, em nào chữ xấu thì cho thấp hơn một chút bởi vì nội dung giống nhau đến từng câu, từng chữ.

Nhiều lúc giáo viên chỉ đọc được vài dòng là thấy đã chán ngán chẳng muốn chấm bài nữa.

Văn mẫu, đạo văn, đạo đề kiểm tra đang biến Văn thành môn "nhai lại" ảnh 2Vì sao dạy, học văn không ai dám sáng tạo?

Sự xuống dốc của môn Văn bây giờ có lẽ nhiều nguyên nhân. Một bộ phận học trò không chịu đọc, chịu học cũng có.

Nhiều học sinh thậm chí còn không đọc cả văn bản trong sách giáo khoa, không nhớ được nhân vật trong tác phẩm văn học thì nói gì đến cảm nhận văn học.

Một số thầy cô cũng vì thành tích mà lờ đi những bài văn của học trò được chép từ một tài liệu nào đó.

Những hạn chế, yếu kém của học trò không được sửa, những bài văn học sinh tự làm thì điểm thấp. Những bài văn học trò ăn cắp thì được điểm cao. Lâu dần, học trò thấy bạn mình chép văn mẫu thì được điểm cao nên cũng bắt chước làm theo.

Lối học giả dối được manh nha, hình thành trong cách học của học trò mà không có sự can ngăn từ một số thầy, cô giáo dạy Văn.

Thực tế, thầy cô giáo dạy Văn bây giờ cũng có một số người chưa làm tốt vai trò truyền lửa đam mê cho học trò. Dạy Văn mà cứ quẩn quanh nội dung trong sách giáo khoa, không có sự liên hệ, đối chiếu với các văn bản khác, không hướng cho học trò có sự liên tưởng đến một giai đoạn văn học.

Những bài giảng xơ cứng, nguội lạnh cảm xúc khiến cho những tiết dạy nhạt nhòa mất đi cái hồn của văn chương.

Một số thầy cô có khả năng thì viết văn mẫu để bán. Những cuốn sách văn mẫu cứ được tái bản đi, tái bản lại. Ngay cả một số thầy cô biên soạn sách giáo khoa cũng viết để xuất bản những cuốn sách văn mẫu ra thị trường!

Trong khi đó, cách kiểm tra, cách hướng dẫn ra đề kiểm tra, đề thi môn Văn hiện nay cũng chưa có nhiều sáng tạo. Thậm chí người ra đề Văn nhưng cũng chắp nhặt chỗ này một câu, chỗ khác một câu để thành một đề văn cho học trò.

Văn mẫu, đạo văn, đạo đề kiểm tra đang biến Văn thành môn "nhai lại" ảnh 3Những bí mật ít người biết trong chấm bài Ngữ văn thi quốc gia

Ngay cả những đề thi học sinh giỏi môn Văn cũng có hiện tượng ăn cắp đề của các địa phương khác hoặc lấy một đề bất kỳ trong một tuyển tập hướng dẫn giải đề Văn nào đó để làm đề thi cho mình.

Nhiều năm ôn học sinh giỏi và theo dõi các đề Văn dành cho của học trò, chúng tôi cảm thấy buồn vô cùng.

Nhất là sau mỗi kỳ thi như vậy thì Sở thường gửi cả đề và đáp án qua email nhà trường đến các tổ Ngữ văn.

Đọc đề bài, hướng dẫn chấm của chuyên viên Sở mà đôi khi cũng thất vọng bởi có những năm chỉ cần đánh lại cái đề và một đoạn hướng dẫn chấm là đã có sẵn trên mạng Internet…

Nỗi buồn văn chương, nỗi buồn về thực trạng dạy và học Văn ở các trường phổ thông có lẽ chúng ta đã nghe nhiều và chứng kiến nhiều.

Muốn môn học này nâng cao được chất lượng giảng dạy và học tập thì điều quan trọng nhất là cách định hướng dạy Văn của lãnh đạo ngành giáo dục cần thay đổi.

Văn chương phải là văn chương, chứ văn chương không thể là một sự tích hợp hời hợt, kiểm tra nửa vời như hiện nay.

Tiếp đến là sự chủ động truyền lửa đam mê của người thầy cho học trò. Người thầy dạy Văn cũng luôn cần ngọn lửa đam mê để "cháy hết mình" trước học trò.

Học sinh chỉ thích học Văn, yêu môn Văn khi gặp được thầy cô biết thổi hồn vào những tác phẩm văn học, biết khích lệ học trò đi tìm cái hay, cái đẹp của tác phẩm văn học.

Và, một điều quan trọng cũng không kém là mỗi khi chấm bài thì giáo viên cũng cần cẩn thận sửa chữa, uốn nắn học trò từng câu chữ, biết phát hiện những bài văn sáng tạo, giàu cảm xúc thật của học trò.

Tránh tình trạng đếm ý theo hướng dẫn chấm để cho điểm, học trò làm không giống đáp án chấm là cho điểm thấp thì sẽ làm thui chột sự yêu thích học Văn của một số em yêu thích môn học này.

THANH AN