Chính sách an ninh mới Nhật Bản có thể lấy Biển Đông làm khâu đột phá

02/04/2016 13:00
Đông Bình
(GDVN) - Biển Đông có thể là khâu đột phá hàng đầu để Nhật Bản thực thi chính sách an ninh mới, ngoài ra, Nhật Bản-Philippines có thể ký kết Hiệp ước phòng thủ chung.

Khâu đột phá là Biển Đông

Luật An ninh mới của Nhật Bản bắt đầu được thực hiện từ ngày 29/3 đã mở đường cho Lực lượng Phòng vệ thực hiện quyền tự vệ tập thể, điều quân ra nước ngoài tham chiến. Theo luật mới, cho dù Nhật Bản không bị tấn công, nhưng nếu đồng minh và đối tác có quan hệ chặt chẽ với Nhật Bản bị kẻ thù tấn công, Nhật Bản sẽ tham chiến để bảo vệ.

Luật An ninh mới Nhật Bản chính thức thực hiện có thể giúp cho Nhật Bản chính thức tham gia các cuộc tập trận chung giữa Mỹ-Philippines.
Luật An ninh mới Nhật Bản chính thức thực hiện có thể giúp cho Nhật Bản chính thức tham gia các cuộc tập trận chung giữa Mỹ-Philippines.

Chiếu theo luật này, khu vực Tây Thái Bình Dương là nơi tập trung nhiều nhất lợi ích và an ninh quốc gia của Nhật Bản, nhất là trong các vấn đề như vấn đề đảo Senkaku, vấn đề hạt nhân và tên lửa Triều Tiên, vấn đề eo biển Đài Loan và vấn đề Biển Đông.

Theo Đa chiều, một tờ báo của người Hoa hải ngoại ngày 31/3, hiện nay, chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe đang thúc đẩy sửa đổi Hiến pháp để loại bỏ mọi trở ngại cho việc thực hiện Luật An ninh mới.

Họ đưa ra giải thích mới về việc sửa đổi này là, nếu xảy ra tình trạng sự sống còn của Nhật Bản bị đe dọa, sẽ cho phép thực hiện quyền tự vệ tập thể, điều này không bị hạn chế về địa lý, đối tượng chi viện sẽ mở rộng, không chỉ gồm Quân đội Mỹ, mà còn gồm cả quân đội các nước khác.

Trên thực tế, phần lớn nội dung của Luật An ninh mới Nhật Bản có liên quan đến hợp tác an ninh Mỹ-Nhật. Luật này chính thức được thực hiện sẽ tăng cường nhất thể hóa Nhật-Mỹ về quân sự, làm thay đổi hoàn toàn vai trò chi viện phía sau của Nhật Bản trong quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ.

Dư luận Trung Quốc cho rằng, Luật này cho phép Nhật Bản từ phía sau chuyển sang đi đầu, có thể làm “tiên phong” trong thúc đẩy chiến lược tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ.

Trong bối cảnh Mỹ cắt giảm toàn diện chi tiêu quốc phòng và tiến hành “co cụm chiến lược”, Luật An ninh mới được thực hiện làm cho Nhật Bản điều quân ra nước ngoài đã không còn “vùng cấm”, có lợi cho “lấp đi khoảng trống quyền lực” do Mỹ để lại ở một số khu vực, đặc biệt là ở Biển Đông và khu vực Tây Thái Bình Dương.

Lực lượng liên hợp Nhật Bản-Philippines tiến hành tập trận ở Biển Đông (nguồn mạng sina Trung Quốc)
Lực lượng liên hợp Nhật Bản-Philippines tiến hành tập trận ở Biển Đông (nguồn mạng sina Trung Quốc)

Do Trung Quốc trỗi dậy nhanh chóng và ngày càng thể hiện hung hăng, hăm dọa hơn ở Biển Đông cũng như CHDCND Triều Tiên đang phát triển vũ khí hạt nhân, Mỹ cần gấp sự phối hợp và hỗ trợ của Nhật Bản.

Đối với Mỹ, vai trò của Nhật Bản hiện nay đã hoàn toàn khác. Mỹ vẫn kiên trì nâng cấp quan hệ Nhật-Mỹ, tích cực ủng hộ Nhật Bản phát huy vai trò mới ở khu vực, ủng hộ Nhật Bản thực hiện quyền tự vệ tập thể.

Mỹ nới lỏng các ràng buộc đối với Nhật Bản sẽ có lợi hơn cho Mỹ. Việc thực hiện Luật An ninh mới được dư luận Trung Quốc cho là Nhật Bản đã “bước lên tàu chiến Mỹ”, Nhật Bản sẽ trở thành đồng minh quan trọng nhất của Mỹ trong việc kiềm chế các hành động bành trướng của Trung Quốc trong khu vực.

Trong vài tháng tới, khả năng Nhật Bản điều quân ra nước ngoài hoặc triển khai các hành động quân sự là không lớn, bởi vì chính quyền Shinzo Abe phải tính tới sự phản đối của một bộ phận dư luận Nhật Bản, hơn nữa để tránh ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc bầu cử Thượng viện sắp tới.

Lực lượng liên hợp Nhật Bản-Philippines tiến hành tập trận ở Biển Đông (nguồn mạng sina Trung Quốc)
Lực lượng liên hợp Nhật Bản-Philippines tiến hành tập trận ở Biển Đông (nguồn mạng sina Trung Quốc)

Nhưng sau đó một khi được Mỹ ủng hộ, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản có thể sẽ có “hành động lớn”, tìm ra “khâu đột phá”. Đặc biệt, nhìn vào tình hình chung hiện nay, Biển Đông rất có thể là khâu đột phá hàng đầu của Nhật Bản – Đa chiều nhận định.

Bởi vì, việc Trung Quốc thúc đẩy nhanh chóng quân sự hóa Biển Đông một cách bất hợp pháp đã gây nhiều lo ngại cho Mỹ, Nhật Bản và đồng minh.

Sau khi Luật An ninh mới của Nhật Bản chính thức có hiệu lực, Philippines đã lập tức lên tiếng bày tỏ ủng hộ và hy vọng tăng cường hợp tác quân sự với Nhật Bản ở Biển Đông.

Ngoài ra, Nhật Bản cũng đã lên tiếng ủng hộ hoạt động tuần tra của tàu chiến Mỹ ở Biển Đông, đồng thời có ý định phối hợp hành động với Mỹ. Luật An ninh mới được thực hiện đã tạo cơ sở pháp lý cho Nhật Bản điều quân đội đến Biển Đông.

Vì vậy, trong vài tháng tới, nhất là khi xung đột Trung-Mỹ ở Biển Đông trầm trọng hơn, không loại trừ Nhật Bản sẽ triển khai các hành động tự do hàng hải, điều tàu chiến hoặc máy bay đến Biển Đông, qua đó gia tăng can thiệp quân sự đối với Biển Đông.

Nhật Bản cho Philippines thuê 5 máy bay huấn luyện TC-90 để tiến hành cảnh giới, giám sát Biển Đông
Nhật Bản cho Philippines thuê 5 máy bay huấn luyện TC-90 để tiến hành cảnh giới, giám sát Biển Đông

Philippines-Nhật Bản có thể sớm ký Hiệp ước phòng thủ chung

Ngay sau khi Luật An ninh mới của Nhật Bản chính thức được thực hiện, ngày 30/3, người phát ngôn Quân đội Philippines Restituto Padilla đã lập tức lên tiếng bày tỏ hoan nghênh. Đồng thời ông cho biết, Philippines-Nhật Bản có thể nhanh chóng ký kết Hiệp ước phòng thủ chung tương tự như giữa Philippines-Mỹ. Bước tiếp theo là Manila và Tokyo ký kết Thỏa thuận thăm viếng quân sự.

Philippines còn xác nhận, họ đã bắt đầu cùng với Nhật Bản thảo luận về vấn đề địa vị pháp lý của Lực lượng Phòng vệ khi hoạt động ở Philippines. Tờ Sankei Shimbun Nhật Bản cũng xác nhận vấn đề này và cho biết hai bên sẽ thúc đẩy ký kết thỏa thuận có liên quan.

Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách các vấn đề Nam Á và Đông Nam Á, bà Amy Searight cũng xác nhận, Chính phủ hai nước Nhật Bản-Philippines đang triển khai đàm phán về ký kết Hiệp định xác định địa vị pháp lý của Lực lượng Phòng vệ hoạt động ở lãnh thổ Philippines.

Bà Amy Searight nhấn mạnh, nếu hiệp định được ký kết thành công, Lực lượng Phòng vệ sẽ chính thức và định kỳ tham gia các cuộc tập trận chung của quân đội Mỹ-Philippines ở lãnh thổ Philippines.

Những cuộc tập trận này sẽ bao gồm tập trận Balikatan diễn ra thường niên. Việc tham gia tập trận chung với Mỹ-Philippines sẽ giúp cho Nhật Bản tiếp tục can thiệp vào tranh chấp Biển Đông về mặt quân sự.

Trước đây, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản luôn đóng vai trò quan sát viên trong các cuộc tập trận chung giữa Mỹ-Philippines.

Tập trận chung Balikatan-2015 giữa Mỹ-Philippines
Tập trận chung Balikatan-2015 giữa Mỹ-Philippines

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhất quán coi trọng hợp tác quốc phòng với các nước ASEAN như Philippines, Việt Nam. Nhưng, theo bà Amy Searight, sau khi Luật An ninh mới của Nhật Bản được thực hiện, Chính phủ Nhật Bản sẽ không thay đổi chính sách phòng vệ quá sớm.

Hãng Kyodo Nhật Bản cho rằng, Trung Quốc đang đẩy nhanh quân sự hóa Biển Đông như triển khai tên lửa, radar… Sau khi chính thức thực hiện Luật An ninh mới, vai trò bảo đảm an ninh của Nhật Bản sẽ tiếp tục mở rộng, sẽ cùng Mỹ ngăn chặn Trung Quốc. 

Đông Bình