Chính thức mở chuyên mục “Vì khát vọng Việt”

04/04/2013 13:18
Ban biên tập GDVN
(GDVN) - Lá thư của một học sinh lớp 4 Việt Nam đường hoàng gửi các nhà lãnh đạo cao nhất Trung Quốc, đã thể hiện rõ khát vọng hòa bình, bảo vệ vẹn toàn chủ quyền và khát vọng làm chủ đất nước, của những công dân tương lai. Những công dân tương lai này sẽ tiếp bước những cái tên đã trở thành huyền thoại trong giới khoa học toàn cầu như Ngô Bảo Châu.
Tên của doanh nhân Phạm Nhật Vượng được xướng lên trong danh sách tỉ phú thế giới của Forbes, đã chứng minh khát vọng của nhiều doanh nhân thời đại mới muốn góp phần đưa nước Việt sánh vai các cường quốc 5 châu.
Ông Phạm Nhật Vượng - Tỷ phú Việt Nam đầu tiên trên thế giới
Ông Phạm Nhật Vượng - Tỷ phú Việt Nam đầu tiên trên thế giới
Đặng Lê Nguyên Vũ muốn Trung Nguyên vượt qua Starbucks ngay tại Hoa Kỳ trên con đường chinh phục vị trí lãnh đạo ngành cà phê thế giới; Hai yếu nhân của Vingroup và Viện nghiên cứu phát triển giáo dục Việt Nam là Lê Thị Thu Thủy và Giản Tư Trung lọt vào danh sách những nhà lãnh đạo trẻ toàn cầu; Hai nữ yếu nhân của Vinamilk và Dược Hậu Giang là Mai Kiều Liên và Phạm Thị Việt Nga lọt danh sách 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất Châu Á… tất cả đều là minh chứng hùng hồn của những khát vọng Việt đang trỗi dậy mạnh mẽ trên trường quốc tế. Nhưng như vậy đã đủ cho một nước Việt hùng cường? Để cổ vũ, phát hiện và tôn vinh cho khát vọng ấy, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam chính thức mở chuyên mục “Vì Khát vọng Việt” từ tháng 4/2013. Chuyên đề đầu tiên sẽ là: Người Việt trẻ “mạnh” hay “yếu”? Điều gì làm nên sức mạnh của người Việt trẻ? Mọi tin bài, đóng góp ý kiến, bình luận về Khát Vọng Việt của Quý độc giả xin gửi về địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn. Mong rằng hàng triệu người Việt sẽ đồng hành cùng Khát Vọng Việt, góp phần chấn hưng đất nước.
* Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi
Ban biên tập GDVN