LTS: Trong không khí nhà nhà đang tưng bừng đón xuân, tác giả Trương Khắc Trà hồi tưởng lại những kí ức về một phong vị Tết xưa.
Qua từng câu chữ của tác giả, khung cảnh Tết hiện ra đầy sinh động với mùi lá dong, gạo nếp của bánh chưng, bánh tét...
Tác giả cũng mong muốn dịp Tết nay không còn phải thấy những “cuộc đua vật chất”, không còn phải thấy dân ta “đầu độc nhau” bằng thực phẩm bẩn, bằng rượu bia…
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!
Tháng 12 âm lịch, khi cơn gió chướng cuối cùng thổi qua nhường chỗ cho những tia nắng mặt trời chui ra từ bầu trời xám xịt, cây cối đâm chồi nảy lộc sau giấc ngủ đông dài, trên không trung từng đàn én chao lượn báo hiệu mùa xuân đã về.
Cái tất bật của vùng nông thôn Việt Nam dường như được bơm thêm sự hối hả, những mái nhà bắt đầu chộn rộn, đường làng ngõ xóm được dọn dẹp sạch sẽ, công việc đồng áng đã gác lại… Tết xưa đến thật hồn nhiên.
Những cái mẹt đựng đầy củ kiệu, đu đủ phơi nắng làm dưa món, ngày 30 Tết cả nhà quây quần quanh mâm cơm thịnh soạn chiều cuối năm, bên cạnh nồi bánh tét bốc mùi thơm ngạt từ lúa nếp, lá dong, đậu xanh.
Những mẻ lúa nếp cuối cùng dự trữ cho ngày giáp hạt đã được dốc bồ mang ra xay để gói bánh chưng, bánh tét, những tấm lá dong xanh giòn đã được chuẩn bị sẵn.
Nét đẹp trong Tết truyền thống. (Ảnh minh họa trên báo Vietnamnet.vn) |
Nào là dây buộc được chuốt cẩn thận từ cây tre mọc ngoài bờ ao, chú gà trống béo ngậy được chọn om từ mấy tháng trước để dành cúng giao thừa.
Con lợn ỉn béo đến quặn sống lưng được giết thịt chia đều cho cả xóm, vùng quê nghèo quanh năm suốt tháng ít thấy bóng dáng của miếng thịt, miếng cá, tất cả được dành chờ Tết đến, dẫu phải tốn kém nhưng ai cũng mong.
Nhưng có lẽ vui nhất vẫn là đám trẻ con chúng tôi, không những được thỏa thích ăn ngon mà còn được mặc áo quần mới, được lì xì mừng tuổi những tờ tiền mới cong keng.
Lòng vui lạ thường khi mẹ đã bắt đầu sắm những bịch mứt dừa, mứt gừng, hạt hướng dương có dòng chữ “chúc mừng năm mới” tươi roi rói.
Tết xưa, tuy thiếu thốn đạm bạc nhưng lại đượm tình thân, sáng mồng một người người gặp nhau mang theo không khí phấn khởi của ngày đầu năm mới, ai ai cũng áo quần chỉnh tề, ngay ngắn chào hỏi nhau tế nhị hơn ngày thường.
Tết dường như khiến lòng người bao dung hơn, dễ tha thứ cho nhau hơn. Ở quê tôi còn có phong tục hễ vay mượn ai cái gì phải trả trước khi qua năm mới, không là mang tiếng “nợ hai năm”.
Tết xưa, tuy nghèo khó nhưng cái tình cái nghĩa luôn đong đầy, cũng chẳng vì thiếu thốn mà phải “giật gấu vá vai”, chẳng vì cái sự ganh đua tị nạnh mà đánh mất lòng tự trọng.
Tết xưa, không có bia rượu, ăn uống thừa mứa đề huề nhưng vẫn thấy vui khôn tả.
3 miền Bắc – Trung - Nam kiêng kỵ gì trong ngày Tết? (GDVN) - Theo phong tục, mọi thành viên trong gia đình người Việt thường kiêng kị một số thứ, một số hoạt động trong mấy ngày Tết để gặp nhiều may mắn trong năm mới. |
Càng lớn lên, Tết dường như là gánh nặng vô hình đè lên đôi vai, khi mà đầu năm mới những câu chuyện về sức khỏe, ruộng nương nhường chỗ cho nhiều câu hỏi về mức lương, sự nghiệp rồi áp lực về sự thành công.
Rồi thì những cái trăn trở con nhà hàng xóm làm Giám đốc, Trưởng phòng, con nhà mình là công nhân, thợ hồ… cũng là không gian sống như xưa nhưng có vẻ người ta “khó” nói chuyện với nhau hơn.
Chẳng biết từ khi nào, Tết trở thành nỗi lo hơn là niềm vui, có gia đình thì lo cho bên nội, bên ngoại, đang thất nghiệp thì không dám bước chân ra đường vì sợ bị hỏi “nay cháu làm gì?”
Có công việc rồi thì Tết nhất là dịp phải vắt óc suy nghĩ về những món quà làm hài lòng “sếp”…
Lũ trẻ bây giờ không còn hứng thú mới bánh, mứt, quần áo mới, những phong bao lì xì bắt đầu được bóc ra tại chỗ mà sự hớn hở hay thất vọng phụ thuộc vào độ “dày” hay “mỏng”!
Để có Tết người ta sẵn sàng lừa nhau bằng mọi giá, nào là thực phẩm độc hại, cờ bạc, rượu chè, trộm cướp khắp nơi và một trong những điều đáng ngại nhất vào dịp Tết là an ninh trật tự và tai nạn giao thông.
Hễ vào dịp Tết là báo đài phản ánh tình trạng bệnh viện quá tải vì phải cấp cứu nhiều nạn nhân tai nạn giao thông, ngộ độc rượu, đâm chém nhau…
Tết ngày nay, nhiều người không còn màng đến phong tục lễ nghĩa, sự đủ đầy của vật chất đã biến Tết thành một phong trào đua đòi ăn chơi nghi ngút, Tết đồng nghĩa với sự thừa mứa, dôi dư, ê ẩm… rồi sau Tết là những hệ quả không thể khắc phục.
Ngày nay, Tết là cơ hội để người ta có lý do trao nhau những cái bắt tay sống sượng đầy ẩn ý.
Những món quà giá trị lớn núp bóng tri ân cứ chạy qua chạy lại giữa đôi bên, là dịp xúc tiến “ủ mưu” cho những sự việc sặc mùi lợi ích nhóm, chạy chức, chạy quyền, chạy tội, chạy dự án…
Tết nay, dường như chỉ là cuộc chơi của người giàu, ít ai để ý đến giờ phút thiêng liêng lúc giao thừa, người nghèo phải tất bật mưu sinh, người giàu càng bận rộn với công việc, tình làng nghĩa xóm cũng dần vơi vai.
Tết là lúc mà cái hố ngăn cách giàu nghèo được nới rộng, sự phân tầng xã hội ngày một rõ rệt hơn.
Tết nay là nỗi sợ với nhiều người, sợ không theo kịp với “cuộc đua” vật chất, sợ bị đầu độc bởi thực phẩm bẩn, sợ phải chi phí, tốn kém, sợ phải là nghĩa vụ với ông bà cha mẹ…
Càng ngày Tết dường như bị đẩy xa hơn với truyền thống, nhiều giá trị nhân văn bị méo mó.
Tết chẳng thiếu thứ gì, cũng chẳng phải mất công làm bánh tét, bánh chưng, chẳng phải dọn dẹp nhà cửa, không phải động tay động chân làm mâm cỗ… tất cả chỉ cần vài cú “click” sẽ có người làm thay!
Dĩ nhiên, chẳng ai có thể sống mãi với những cái “vang bóng một thời” mà cụ Nguyễn Tuân từng thảng thốt, nhưng bất kỳ sự phát triển nào cũng phải dựa trên nền tảng văn hóa cốt lõi, đánh mất văn hóa cốt lõi như kiểu con người không có quê hương.
Có bao giờ ai đó hình dung mình không có quê hương chưa?