Tới dự buổi tọa đàm có Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng ban Ban Dân nguyện của Quốc hội; Giáo sư Nguyễn Lân Dũng - nguyên Đại biểu Quốc hội.
Nhà giáo ưu tú Nguyễn Phú Cường, Chủ tịch hội đồng Hệ thống giáo dục Lômônôxôp Hà Nội.
Tiến sĩ, Nhà giáo Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm - Cầu Giấy - Hà Nội.
Nhà giáo Hoàng Xuân Khóa - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Marie Curie - Hải Phòng.
Mời quý bạn đọc theo dõi video Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng chia sẻ quan điểm xung quanh vấn đề này tại buổi tọa đàm.
Video: Trường Đại học mở phổ thông gây bất bình đẳng ghê gớm. |
Phát biểu mở đầu buổi tọa đàm, ông Đào Ngọc Tước, Phó Tổng Biên tập báo Điện tử Giáo dục Việt Nam cho rằng, Luật Giáo dục hiện hành cũng như Luật Giáo dục sửa đổi sẽ có hiệu lực từ 1/7/2020 đều quy định rõ: “Giáo dục đại học đào tạo trình độ đại học, trình độ thạc sĩ và trình độ tiến sĩ”.
Tuy nhiên, nhiều năm nay vẫn tồn tại mô hình trường phổ thông, thậm chí mầm non trong trường đại học và cao đẳng ở các địa phương và đang có xu hướng nảy nở tại các đô thị lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh.
Các trường phổ thông trong cao đẳng, đại học được xác định loại hình là trường công lập nhưng lại được tuyển sinh và thu học phí như trường tư thục.
Điều này sẽ có tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến chính sách Xã hội hóa giáo dục, thu hút đầu tư của xã hội vào giáo dục bởi sự bất bình đẳng từ cơ chế, đồng thời làm mất đi tính nghiêm minh của pháp luật và có thể tạo ra những kẽ hở chính sách để biến tài sản công thành công cụ thu lời cho một nhóm người.