Đánh giá giáo viên thế nào để trả lương theo vị trí việc làm?

23/02/2019 06:49
Việt Đăng
(GDVN) - Làm không tốt, việc tăng lương cũng sẽ chuyển sang dạng “cào bằng” hoặc yêu ai thì “ưu ái” xét cho, ghét ai “có tốt cũng cho là bùn” lại càng loạn hơn.

Theo đề xuất của Bộ Nội vụ, đến ngày 1/1/2020 sẽ thực hiện trả lương theo vị trí việc làm cho giáo viên.

Xung quanh vấn đề này, hiện đang có khá nhiều ý kiến tranh luận trái chiều. Thế nhưng, những ý kiến ủng hộ việc trả lương theo vị trí việc làm vẫn chiếm số đông.

Nhiều người ủng hộ vì đa phần cho rằng, trả lương theo vị trí việc làm sẽ tạo sự cạnh tranh công bằng cho giáo viên mà không phân biệt giáo viên trẻ với giáo viên lâu năm.

Giáo viên sẽ được xếp lương theo vị trí việc làm? ((Ảnh minh họa: Nguồn VTV)
Giáo viên sẽ được xếp lương theo vị trí việc làm? ((Ảnh minh họa: Nguồn VTV)

Giáo viên sẽ có động lực phấn đấu để nâng cao hiệu quả công việc của mình.

Sẽ bỏ được suy nghĩ “Sống lâu lên lão làng”, an phận thủ thường và không cần cố gắng, nỗ lực gì vì dù có làm từ từ tà tà, thì đến ngày, đến tháng cũng sẽ tăng lương chẳng việc gì phải vội (suy nghĩ của không ít thầy cô hiện nay).

 Những bất cập, khó khăn khi thực hiện

Nhiều ý kiến băn khoăn, lo lắng chưa đồng tình việc trả lương cho giáo viên theo vị trí việc làm chỉ vì rất khó khăn cho việc đánh giá hiệu quả công việc, nếu không làm khéo sẽ dẫn đến sự mất công bằng vốn có.

Bởi họ cho rằng, đặc thù công việc của ngành giáo dục khác hẳn so với nhiều ngành nghề khác.

Sản phẩm của giáo dục không hiện hữu để dễ dàng “cân, đong, đo đếm” ngay bằng mắt mà phải được theo dõi, thẩm định trong cả một quá trình dài.

Cùng vị trí việc làm rất khó để nhận xét người này dạy tốt hơn người khác.

Trong khi hiện nay, việc đánh giá giáo viên dạy tốt hay chưa tốt ở các trường vẫn mang đầy cảm tính.

Đánh giá giáo viên dạy tốt hay chưa cũng chỉ mới dừng lại ở việc dự giờ đánh giá bằng tiết dạy trên lớp.

Đã là đánh giá tiết dạy thì phần lớn là “diễn” nhiều hơn là dạy. Bên cạnh đó, yếu tố may, rủi chiếm khá nhiều.

May gặp bài dễ, lớp ngon, may gặp bài dạy hợp gu với giám khảo…rủi gặp phải bài khó, lớp dở, rủi vì trước đó đã không làm vừa lòng giám khảo…

Nâng lương cho giáo viên là cách đầu tư trực tiếp tốt nhất cho giáo dục

Ai dạy hơn ai đôi khi sự thật chính là “ai diễn giỏi hơn ai” chứ chẳng thể hiện thật sự năng lực vốn có của giáo viên.

Đã có không ít thầy cô vô cùng giỏi, có năng lực thật sự nhưng khi dự giờ chỉ luôn xếp loại khá.

Nguyên nhân do dạy cháy thời gian, do phân bố thời gian trong tiết dạy bất hợp lý, do không phải “tay chân” của người dự…

Ngược lại, có giáo viên năng lực thuộc dạng tàm tạm, cũng chẳng nhiệt tình, tận tụy với học sinh nhưng mỗi khi dự giờ lại luôn xếp loại giỏi.

Bởi, giỏi “diễn”, giỏi trong cách thuyết trình và lấy lòng giám khảo…

Hay, cùng đối tượng giáo dục (là học sinh), để đánh giá được ngay kết quả sự tiến bộ của các em cho từng giáo viên dạy cũng không hề đơn giản.

Rồi giáo viên chủ nhiệm có kết quả đánh giá vào chất lượng học sinh, giáo viên không chủ nhiệm sẽ đánh giá thế nào?

Giáo viên dạy những môn vẫn được gọi là môn phụ với giáo viên dạy những môn chính cũng hoàn toàn khác nhau…

Điều này làm không tốt, việc tăng lương cũng sẽ chuyển sang dạng “cào bằng” hoặc yêu ai thì “ưu ái” xét cho, ghét ai “có tốt cũng cho là bùn” lại càng loạn hơn.

Hệ thống các trường tư thục đã làm lâu rồi

Thầy Bùi Mạnh Dũng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Trưng Vương Quảng Trị cho biết “Hiện chúng tôi đã thực hiện việc trả lương cho giáo viên theo năng lực, hiệu quả công việc.

Làm được điều này, trước hết cán bộ quản lý phải là người có tâm, có tài để đánh giá giáo viên công bằng chứ không được cảm tính”.

Đó là việc đánh giá giáo viên phải dựa vào nhiều kênh thông tin thu nhận được như từ phụ huynh, từ học sinh, bằng việc quan sát, kiểm tra thường xuyên, đột xuất…

Quy định vị trí việc làm, định mức giáo viên của Bộ đã sát thực tế chưa?

Phải bí mật mức lương của từng người mới tránh khỏi rắc rối. Bởi, khi mức lương thua nhau con người dễ sinh ra sự đố kị, lòng ganh tị, kiện tụng.

Theo tâm lý, người lao động làm chưa tốt nhưng cứ nghĩ mình tốt.

Khi không được tăng lương thì cho rằng mình bị trù dập, đồng nghiệp được tăng lương dễ sinh sự ganh ghét, nói xấu nhau (đây cũng chính là mặt trái của thi đua).

Khi nói về thông tin “đến ngày 1/1/2020 sẽ thực hiện trả lương theo vị trí việc làm cho giáo viên” thầy Dũng khẳng định “Rất khó thực hiện được”.

Lý giải điều này, thầy Dũng cho biết “Hiện ở hệ thống các trường công lập chưa có công cụ đánh giá năng lực giáo viên một cách chính xác mà vẫn chủ yếu dựa vào việc đánh giá các tiết dạy mang nhiều cảm tính.

Thực hiện không tốt, dễ dẫn đến cảnh toàn “tay chân, ê kíp” của Ban giám hiệu nhà trường hưởng lợi.

Có thể nói, trả lương theo vị trí việc làm mặt tích cực sẽ tạo ra sự cạnh tranh giữa các nhà giáo để họ có động lực phấn đấu, cống hiến.

Với cách trả lương này, giáo viên luôn bị áp lực, buộc phải cố gắng nhưng qua đó sẽ phát huy hết khả năng của mình.

Mặt tích cực thấy rõ nhưng khó khăn, tồn tại vẫn còn nhiều. Để khắc phục những nhược điểm này, cần có những cách đo lường khác nhau để nhà trường, học sinh và phụ huynh đánh giá một cách chính xác nhất.

Bên cạnh đó, mỗi trường phải có được một Ban giám hiệu tốt, có tài và công tâm.

Việt Đăng