Bài viết: “Muốn dẹp nạn dạy thêm trái phép, phải xử phạt nghiêm như Nghị định 100” của tác giả Nhật Khoa đăng trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 13/2 đã đưa ra khá nhiều giải pháp hay để dẹp nạn dạy thêm học thêm đang tràn lan hiện nay.
Xử phạt nghiêm liệu có dẹp được nạn dạy thêm trái phép? (Ảnh minh họa: Báo Lao động) |
Thế nhưng, dù hay thì những giải pháp ấy cũng sẽ không hiệu quả, bởi phạt thầy cô dạy thêm mới chỉ giải quyết được phần ngọn còn phần gốc “vì sao học sinh phải đi học thêm” vẫn còn tồn tại thì không bao giờ chuyện dạy thêm chấm dứt được.
Phải khẳng định một điều học sinh hiện nay đi học thêm vì khá nhiều nguyên nhân:
Có em đi học vì lực học quá yếu không thể theo kịp chương trình. Em chỉ muốn được lòng thầy cô.
Em thích được điểm cao nhưng không phải bỏ sức ra nhiều để học. Em bị ép buộc đi học vì bản thân không muốn bị thầy cô làm khó.
Em lại muốn có kiến thức thật sự để học tốt hơn. Em dù không muốn nhưng vẫn phải học vì những kiến thức chuyên sâu, nâng cao không thể tự mình học được…
Với hàng chục lý do như thế thì liệu cấm giáo viên dạy thêm một cách quyết liệt như Nghị định 100 liệu có được không?
|
Bằng kinh nghiệm của mình, chúng tôi vẫn khẳng định phạt nặng như thế chắc chắn sẽ cấm được giáo viên dạy thêm nhưng không bao giờ có thể cấm học sinh đi học thêm được
Việc cấm dạy thêm chỉ hạn chế học sinh đi học vì bị làm khó, bị thúc ép còn những học sinh đi học thêm vì nhu cầu các em thật sự muốn thế sao có thể cấm được?
Trước đây, địa phương nơi tôi giảng dạy làm rất gay gắt việc giáo viên dạy thêm ở nhà.
Xã có thể tổ chức kiểm tra bất ngờ từng nhà thầy cô và phạt hành chính khá nặng.
Bên cạnh đó, biên bản lập sẽ được gửi về trường đề nghị xử lý. Thế là, chẳng thầy cô giáo nào dám dạy dù chỉ dăm ba em con cháu trong nhà.
Thế nhưng việc đi học thêm của học sinh thì sao? Vẫn diễn ra bình thường chỉ có khác là người dạy không phải là thầy cô mà đủ các thành phần.
Người may mắn tìm được thầy cô giáo về hưu nhưng phần đông là những “thầy cô” tay ngang, bất đắc dĩ.
Nào là mấy cô bé học sinh lớp 9, 10 đang nghỉ hè ở nhà (nhận dạy học sinh tiểu học), là anh sinh viên thất nghiệp mấy năm đang lông bông ở nhà, là chị công chức ủy ban ngày đi làm đêm về tranh thủ dạy…
Khi được hỏi, một số “thầy cô” ấy nói rằng nhiều học sinh tìm nơi dạy thêm không có nên tha thiết được học. Thấy mình cũng có kiến thức nên mở lớp dạy thêm.
Dạy thêm học thêm đâu có thể muốn cấm là cấm được?
Nếu vì sợ cô thầy, nếu vì muốn được điểm cao mà phải đi học thêm thì chỉ cần phạt giáo viên là có thể dẹp được.
Nhưng, vì lực học quá yếu muốn cải thiện trong khi trên lớp thầy cô không thể phụ đạo riêng hoặc muốn có kiến thức cao để thi vào những trường đại học tốp đầu…dù có cấm cỡ nào học thêm vẫn cứ tồn tại.
|
Thế nên đưa ra biện pháp phạt nặng giáo viên dạy thêm liệu có thể chấm dứt dạy thêm hay không?
Chắc chắn là hoàn toàn không thể được.
Phạt dạy thêm chỉ giải quyết được phần ngọn trong khi muốn chấm dứt học thêm phải được giải quyết tận gốc.
Bởi học thêm đã trở thành nhu cầu cấp bách của nhiều học sinh. Điều cần là làm sao chính học sinh sẽ không có nhu cầu đi học thêm như vài chục năm về trước?
Giảm áp lực học hành và gánh nặng thi cử
Đây mới là điều then chốt, hiện áp lực học hành và gánh nặng thi cử đang đè nặng lên vai học sinh quá lớn nên nhiều em khẳng định không đi học thêm sẽ không thể được.
Ở trường mỗi em phải học hàng chục môn, môn học nào cũng được xem là quan trọng.
Học kiến thức trong sách giáo khoa một đằng thì khi kiểm tra hoặc thi lại ra một nẻo. Nhiều kiến thức trong đề thi đến giáo sư trả lời còn lúng túng nói gì học sinh? Nếu không đi học thêm sao các em có thể làm được?
Sĩ số lớp học đông, học sinh yếu khó theo kịp, học sinh giỏi cũng khó được bồi dưỡng nâng cao ngay trong các tiết học chính khóa. Thế nên chỉ có đi học thêm mới được học kiểu phân hóa theo từng đối tượng.
Vì những lý do trên, muốn dạy thêm học thêm không tồn tại hãy giảm nhẹ ngay việc học và đổi mới cách kiểm tra đánh giá cho học sinh sẽ hơn nhiều việc ngồi nghĩ cách để cấm thầy cô dạy thêm như hiện nay.