Thời gian qua, trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có hàng trăm bài viết phản ánh về tình trạng dạy thêm, học thêm ở rất nhiều góc cạnh, chiêu trò khác nhau. Đa phần các độc giả, các bậc phụ huynh đều không đồng tình việc việc dạy thêm tràn lan hiện nay của một bộ phận giáo viên.
Sự không đồng tình của phụ huynh cũng là một lẽ đương nhiên bởi từ chuyện dạy thêm, học thêm này mà dẫn đến nhiều hệ lụy cho ngành giáo dục, ảnh hưởng đến việc ứng xử hàng ngày của phụ huynh- giáo viên và học sinh ở các nhà trường.
Chuyện dạy thêm, học thêm chưa nhận được sự đồng thuận của phụ huynh (Ảnh minh họa: Vietnamnet) |
Thực tế, vẫn có một số ít phụ huynh ở khu vực đô thị muốn gửi con đi học thêm vì không có thời gian trông coi, kèm cặp những buổi con mình không học ở trường và nhất là khi con bước vào kỳ thi tuyển sinh 10 và thi Trung học phổ thông quốc gia.
Khi học sinh chuẩn bị thi vào lớp 10 ở khu vực đô thị và thi Trung học phổ thông quốc gia thì thường có những mục tiêu khác nhau. Có em thi vào lớp 10 trường chuyên, có em thi vào lớp10 trường điểm và những trường này đông thí sinh dự thi nên việc học thêm là điều không tránh khỏi.
Việc thi ở cuối lớp 12 cũng vậy, đây là lúc để các em bước vào đại học nên việc học thêm để nắm kỹ các kiến thức, các dạng đề thi khác nhau.
Muốn được điểm cao để vào những trường đại học lớn, uy tín thì bắt buộc các em phải đầu tư nhiều thời gian cho học tập, ôn luyện. Vì vậy, việc học thêm là giải pháp tốt nhất để các em đạt được nguyện vọng, mục đích của mình.
Thế nhưng, học thêm bây giờ không chỉ đối với học sinh lớp 9 và lớp 12 mà nó bắt đầu diễn ra từ khi các em chưa vào lớp 1. Nhiều học sinh Tiểu học học bán trú mà tối vẫn phải đến nhà thầy để học thêm thì nó không đơn thuần là kiểu học thêm tự nguyện nữa.
Cũng thầy cô ấy, cũng kiến thức ấy và thực ra thì cấp học này không hề có một kỳ thi nào. Mỗi năm chỉ có 2 lần kiểm tra học kỳ mà đề kiểm tra thường là trường ra. Vậy mà học sinh vẫn phải đi học thêm như thường!
|
Học sinh Trung học cơ sở ở khu vực đô thị và vùng có điều kiện thì khỏi phải nói. Cứ lên lớp 6 là các em sẽ được chỉ dẫn, đón chào vào các trung tâm học thêm mà các thầy cô giáo đang dạy khép kín với nhiều môn học.
Nếu dạy đơn lẻ thì học sinh cũng được mời chào một cách nhiệt tình của giáo viên. Nhiều giáo viên dùng những chiêu trò để phụ huynh phải đưa con đến học thêm với mình – đó là thực trạng chung của nhiều môn học được xem là môn chính.
Học thêm ở khu vực đô thị nhiều hơn và cũng sòng phẳng hơn
Một số người cứ lý thuyết viển vông rằng thầy cô dạy thêm không phải vì tiền. Nhưng, không vì tiền thì vì cái gì đây? Phải nói trắng ra rằng chẳng có giáo viên nào thuê phòng, thuê nhà để mở lớp dạy thêm mà nói không phải vì tiền, vì lợi nhuận.
Chẳng có giáo viên nào xây thêm phòng, đóng bàn ghế mở lớp dạy thêm mà không nghĩ đến thu nhập hàng tháng. Chẳng có giáo viên nào dạy đủ tiết quy định ở trên trường rồi mà kéo học sinh về dạy miễn phí.
Chuyện dạy miễn phí ngày trước có chứ bây giờ có lẽ những thầy cô như vậy khó tìm. Trong mỗi lớp dạy thêm cũng có trường hợp học sinh khó khăn được miễn học phí nhưng chắc chắn phải là những em…học sinh giỏi.
Và, tất nhiên số học sinh miễn phí này không ảnh hưởng đến thu nhập của thầy cô.
Bây giờ đi học thêm đa phần thầy cô thu tiền đầu tháng, đầu học kỳ hoặc thu từng buổi dạy. Không mấy ai dạy hết tháng rồi mới thu tiền. Đầu tháng mà phụ huynh chưa gửi tiền học thêm của con chắc chắn cô thầy của con sẽ nhắc nhở để thực hiện nghĩa vụ của mình.
Nhiều học sinh đóng tiền đầu học kỳ, sau này thấy học không hiệu quả nên tìm thầy cô khác thì đương nhiên số tiền ấy sẽ mất. Đóng tiền theo tháng nhưng không may phải nghỉ học nhiều ngày cũng đương nhiên sẽ thôi. Không mấy thầy cô có ý định trả tiền lại cho học trò.
Một số thầy cô giáo dạy thêm bây giờ sòng phẳng đến…sống sượng nên nhiều phụ huynh cũng xem chuyện dạy thêm, học thêm là việc thuận mua vừa bán với nhau. Quan hệ thầy trò vì thế mà cũng không có nhiều ràng buộc với nhau nữa.
Thầy cô trường quê thường được học trò nhớ đến nhiều hơn
Không dùng chiêu trò, nhiều giáo viên khó kéo được học sinh đến nhà học thêm |
Ngày Tết, ngày lễ ở quê đối với thầy cô giáo thường có nhiều học trò đến thăm. Nhiều lớp học trò xa trường lâu năm vẫn đến thăm thầy cô giáo cũ của mình.
Vì sao vậy? Bởi thầy cô ở trường quê thường chân chất và gần gũi hơn với học trò của mình nhiều hơn. Nhiều em bỏ học vì điều kiện kinh tế khó khăn, thầy cô phải đi vận động nhiều lần, nhiều gia đình, học trò “nể” thầy mà đi học lại rồi trưởng thành.
Học trò ở quê thường sống gần nhà thầy cô của mình, tình cảm gắn bó hơn, nhiều thầy cô có mở lớp dạy thêm nhưng cũng vì tình làng nghĩa xóm mà có những em học trò thầy cô không thu tiền. Vì thế, khi xa trường lớp, xa thầy cô giáo thì học trò vẫn nặng nghĩa với người dạy dỗ mình.
Học trò ở thành thị lại khác. Ngày lễ, ngày Tết thường tặng thầy cô những món quà đắt tiền nhưng thông thường học xong lớp học đó mà không học lại với thầy cô nữa là thường quên thầy luôn.
Chuyện học thêm cũng đơn giản vô cùng, có tiền thì đến học thêm, không có tiền thì thôi. Mọi thứ đều sòng phẳng với nhau nên sự ràng buộc về tình thầy trò gần như ít sâu nặng và cũng ít khi được học trò khắc ghi.
Nói gì thì nói, dạy thêm, học thêm dù được phép hay không phép thì nó cũng góp phần làm cho mối quan hệ thầy và trò thêm phần thực dụng và sòng phẳng với nhau. Một khi đồng tiền đã chi phối hoạt động dạy học cũng khiến cho tình thầy trò chuyển sang một hướng khác.
Nhiều phụ huynh vì chuyện học thêm của con em mình mà thêm vất vả. Mỗi tháng phải chi ra một vài triệu đồng cho con học thêm mà công việc của cha mẹ không ổn định thì đó cũng là cả một vấn đề rất lớn. Không cho con đi học thêm thì sợ con thua thiệt với bạn bè, nhiều lần được thầy cô lưu ý cũng cảm thấy phiền muộn.
Nhưng, cho con đi học thêm rồi đương nhiên là hàng tháng lại lo ngay ngáy chuyện kiếm tiền để đóng tiền học cho con. Chính vì thế, phụ huynh không mấy người đồng tình chuyện dạy thêm, học thêm cũng là một lẽ thường tình.