Đến lúc này có thể nói Nghị định 100 của Chính phủ về xử phạt trong lĩnh vực giao thông trong đó có phạt nặng về vi phạm nồng độ cồn dù ban đầu cũng có nhiều băn khoăn, thắc mắc nhưng khi vận hành nghiêm được đa số nhân dân đồng tình, hoan nghênh.
Nghị định trên khi đi vào cuộc sống đã kéo giảm tai nạn do bia rượu, kéo giảm bất ổn xã hội, nhiều gia đình tìm lại niềm vui, nhiều cơ quan, đơn vị văn minh, tiên tiến,…
Mức phạt do vi phạm nồng độ cồn rất cao, nên mọi người dân, cán bộ công chức, viên chức hết sức thận trọng, cân nhắc khi uống rượu bia, và nếu uống thì không dám lái xe,… đó là điều vô cùng tích cực.
Sáng 10/2, tại phiên họp thứ 42 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, nhắc đến tác động của Nghị định 100, ông Phùng Quốc Hiển – Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết “thần lưu ly” mỗi khi định nâng ly lên đều nghĩ đến mức phạt 40 triệu và 23 tháng thu giấy phép lái xe mà tránh xa.
Có thể nói, việc ban hành Nghị định 100 đã đi vào cuộc sống một cách rất tích cực, thực chất, giúp ổn định xã hội,… được nhân dân đồng tình ủng hộ, đó là quyết định đúng đắn.
Quay trở lại vấn nạn dạy thêm trái phép hiện nay, việc vi phạm dạy thêm trái phép hiện nay diễn ra công khai, thách thức, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 17 về dạy thêm học thêm, Quyết định 2499 về bãi bỏ một số điều của Thông tư 17 về dạy thêm học thêm, phối hợp ban hành Nghị định về xử lý vi phạm trong lĩnh vực giáo dục, Luật Viên chức, Luật Giáo dục,…
Văn bản thì rất nhiều, công cụ cũng có,… nhưng việc xử lý dạy thêm trái phép chỉ dừng lại ở mức nhắc nhở rồi thôi, có thể nói việc xử lý chưa nghiêm.
Cần xử phạt nghiêm để dẹp nạn dạy thêm trái phép. (Ảnh minh họa: Báo Lao động) |
Hậu quả dạy thêm trái phép vô cùng lớn
Tôi tin rằng cũng có một số giáo viên dạy thêm rất tốt, giúp đỡ học sinh phát huy năng lực cá nhân, nhờ được học thêm các thầy giáo tốt trên mà có nhiều em đỗ đại học cao, nhiều em thành công trong cuộc sống,…
Nhưng theo tôi gần hết trong số đó là những giáo viên giỏi và không dạy thêm lớp mình đang giảng dạy hoặc giáo viên nghỉ hưu hay giáo viên giảng dạy tự do.
Còn tôi cho rằng, nếu giáo viên nào giảng dạy cho học sinh lớp mình đang dạy chính khóa thì gần như 100% đều có tiêu cực.
Giáo viên không phải là thần thánh nên không thể mới nhận tiền học sinh học thêm mà đối xử công bằng học sinh đó với học sinh khác.
Giáo viên không thể “thần thánh” khi cho điểm công bằng với học sinh học thêm, không thể nào mới nhận tiền dạy thêm mà điểm kiểm tra học sinh đó thấp, nếu điểm thấp thì có “ma” mà nó đăng ký học thêm.
Nói như tác giả Nhật Duy trong bài viết “Vì sao nhiều phụ huynh không đồng tình với việc dạy thêm, học thêm?":
“Một số người cứ lý thuyết viển vông rằng thầy cô dạy thêm không phải vì tiền. Nhưng, không vì tiền thì vì cái gì đây?
Phải nói trắng ra rằng chẳng có giáo viên nào thuê phòng, thuê nhà để mở lớp dạy thêm mà nói không phải vì tiền, vì lợi nhuận.
Chẳng có giáo viên nào xây thêm phòng, đóng bàn ghế mở lớp dạy thêm mà không nghĩ đến thu nhập hàng tháng. Chẳng có giáo viên nào dạy đủ tiết quy định ở trên trường rồi mà kéo học sinh về dạy miễn phí.”
Vì sao nhiều phụ huynh không đồng tình với việc dạy thêm, học thêm? |
Phụ huynh sao có thể yên tâm khi hàng ngày phải lao tâm, lao lực, tìm mọi cách để kiếm tiền cho con đi học thêm, cuối cùng kết quả nhận được chỉ là những kết quả “ảo”.
Yên tâm sao được khi từ lúc chưa vào lớp 1 đã tìm cách cho con học thêm, phải tốn thời gian phải đưa đón, tốn tiền khi học thì điểm trong lớp luôn đẹp nhưng khi thi thì có thể “rớt” khi đó không có bất kỳ giáo viên nào chịu trách nhiệm về việc phụ huynh đã tốn quá nhiều tiền để học thêm, cuối cùng kết quả lại là con số 0.
Việc dạy thêm giống như việc mua, bán nhưng chỉ có người mua là thiệt, đôi khi mua trúng hàng kém chất lượng, hàng giả nhưng không biết kêu ai, tôi chưa từng nghe giáo viên nào trả lại tiền cho học sinh học thêm nếu học sinh không tiến bộ.
Hệ lụy của học thêm trái phép không chỉ gây bất công, bất bình đẳng, mất đoàn kết nội bộ, rối loạn trật tự,… không chỉ trong giáo viên và học sinh mà còn gây bất bình trong phụ huynh vì các vụ “ép” học sinh học thêm, vì kiếm tiền cho học sinh học thêm nhiều phụ huynh đã vắt kiệt sức để có tiền cho con học thêm, tôi nói thẳng thầy, cô “ép” học sinh học thêm thu tiền thì trong đó có những đồng tiền do vi phạm pháp luật mà có.
Hãy nhìn lại trong các năm qua việc ngăn chặn dạy thêm trái phép đã làm được tới đâu? Bao nhiêu trường hợp vi phạm dạy thêm đã được ngăn ngừa và xử lý?
Bao nhiêu tiền phạt thu được từ việc xử lý giáo viên dạy thêm trái phép? Tiền thuế thu để nộp ngân sách là bao nhiêu?
Con số này tôi cho là rất nhỏ so với vụ việc vi phạm. Việc xử lý dạy thêm ở bậc tiểu học đã được xử lý như thế nào mà hầu như địa phương nào cũng vi phạm.
Thậm chí số tiền thu thuế để nộp ngân sách nhà nước do các cá nhân có thu nhập cao cũng chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, nhiều giáo viên thu nhập “khủng” từ dạy thêm nhưng bằng cách này hay cách khác khai báo gian dối số lượng học sinh học thêm, khai báo gian dối số tiền thu nhập từ dạy thêm để trốn thuế, trốn nghĩa vụ với nhà nước, trốn trách nhiệm với xã hội.
Như vậy ở 2 phương diện quản lý dạy thêm học thêm, xử phạt, thu thuế đều bị buông lỏng, trách nhiệm này không chỉ của Bộ Giáo dục và Đào tạo mà còn có trách nhiệm của chính quyền địa phương.
Những kiến nghị…
Ai làm trong giáo dục đều biết để trả lại môi trường giáo dục trong sạch, lành mạnh, đoàn kết, giáo viên hết lòng yêu thương học sinh thì giải pháp trước tiên là phải quản lý chặt chẽ việc dạy thêm, cấm dạy thêm học sinh chính khóa.
Đã làm trong ngành hơn 20 năm, tôi thấy tác dụng tiêu cực từ việc giáo viên dạy thêm học sinh chính khóa, giáo viên ép học sinh học thêm, giáo viên cạnh tranh nói xấu nhau để giành học sinh kiếm tiền, giáo viên thoái hóa, biến chất vì dạy thêm là con số khá lớn.
Cũng đừng viển vông cho rằng giáo viên dạy học sinh nhiều là giáo viên giỏi mới được phụ huynh tin tưởng, gửi gắm, điều đó là sai lầm một giáo viên được nhà nước giao nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục, các công việc giảng dạy và các công việc khác đã khá mệt, nếu dạy thêm thì chỉ tập trung vào dạy thêm để lấy tiền chắc chắn sẽ không còn đủ sức dạy trên lớp, không bao giờ chuyên tâm giảng dạy thật, yêu thương học sinh.
Còn việc có nhiều học sinh đang dạy chính khóa học thêm thu tiền thì giáo viên đó chuẩn bị cả tá biện pháp từ hù dọa, o ép, đến cho điểm xấu,… tôi khẳng định việc một giáo viên dạy thêm nhiều học sinh chính khóa thì đa số đã bán một phần linh hồn cho quỷ, khó lòng giữ mình.
Giáo viên dạy thêm nhiều thì làm gì còn thời gian nghiên cứu, tìm tòi phương pháp, phương tiện dạy học tích cực, hiệu quả để nâng cao chất lượng học sinh, nên nói giáo viên dạy thêm nhiều ngày càng tụt hậu cũng có lý do của nó.
Muốn giáo viên sợ không dám vi phạm dạy thêm trái phép, khi nghĩ đến việc phạt do vi phạm dạy thêm trái phép gây ra thì cũng như Nghị định 100 vừa qua, phải xử phạt thật nặng để giáo viên muốn dạy trái phép cũng không dám dạy.
Dựa vào tình hình hiện tại, nếu muốn giảm tiến tới chấm dứt dạy thêm trái phép tôi xin được phép nêu các kiến nghị như sau:
Thứ nhất, thực hiện nghiêm túc Quyết định 2499 BGDĐT, cấm giáo viên dạy thêm bên ngoài nhà trường đến khi hoàn thiện thủ tục pháp lý theo quy định của Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư công.
Việc dạy thêm trong nhà trường là dạy cho mọi học sinh nên sẽ không có chuyện o ép, “đì” học sinh,… đây cũng là cách tạo nên công bằng trong trường học.
Người trong cuộc nói thẳng, dạy thêm là nguyên nhân khiến đạo thầy - trò méo mó |
Thứ hai, xử phạt quy định dạy thêm học thêm như Nghị định 100 của Chính phủ cứ vi pham là phạt thật nặng vào, cứ dạy mỗi học sinh học thêm trái phép là phạt 1 triệu đồng (nếu dạy thêm 30 học sinh trái phép phạt 30 triệu đồng).
Mỗi học sinh khi đi học thêm được đăng ký được cấp thẩm quyền phê duyệt và cấp phép, nếu dạy học sinh không được cấp phép là trái phép thì xử lý thật nặng vào, nói như các đại biểu Quốc hội nếu không muốn bị phạt nặng, bị kỷ luật nặng thì đừng vi phạm.
Tôi nghĩ mức kỷ luật tiếp theo là cho thôi việc nếu cố tình vi phạm dạy thêm trái phép mới phát huy tác dụng.
Việc phát hiện, xử lý hiện nay chỉ như “gãi ngứa” nên việc dạy thêm trái phép còn tiếp diễn thách thức dư luận, thách thức pháp luật.
Thứ ba, ban đầu chính thức cấm việc dạy thêm cho học sinh học chính khóa để ổn định trật tự, nề nếp sau đó tìm nguồn, tìm cơ chế đặc thù cho nghề giáo chấm dứt việc giáo viên trong các cơ sở giáo dục công lập dạy thêm ngoài nhà trường.
Phải có quy định cấm hẳn hoi, phải có chế tài đừng mong việc tăng lương sẽ giảm dạy thêm vì con người có lòng tham vô đáy, nếu giàu sẽ muốn giàu thêm bằng mọi giá, nên không bao giờ có việc tăng lương sẽ hết dạy thêm chỉ có cấm và xử lý để giáo viên không dám vi phạm dạy thêm mới hy vọng chấm dứt.
Thứ tư, phải quy định trách nhiệm cụ thể từng cá nhân, đơn vị, có vi phạm thì cứ mạnh dạn xử lý Hiệu trưởng, chủ tịch xã, chủ tịch huyện,... thì sẽ chấm dứt dạy thêm trái phép, còn hiện nay thì vi phạm công khai, thách thức nhưng không biết trách nhiệm thuộc về ai.
Phải cách chức chủ tịch huyện nơi nào mà có nhiều dạy thêm trái phép gây bức xúc dư luận, từ đó chủ tịch huyện mới chỉ đạo các ngành liên quan như phòng giáo dục, công an làm việc nhiệt tình, có trách nhiệm.
Phải quy trách nhiệm cụ thể từng vị trí, mức xử phạt, kỷ luật cụ thể cho từng cá nhân quản lý để dẹp bỏ nạn dạy thêm trái phép.
Thứ năm, tôi cho rằng nếu cấp phép chỉ cấp cho giáo viên dạy thêm ở lớp 9 để thi tuyển vào lớp 10 và lớp 12 để thi trung học phổ thông quốc gia để vào đại học, việc học thêm ở các lớp còn lại là không cần thiết, hãy để học sinh có thời gian tư duy, vui chơi, học nhồi nhét không phải là giải pháp, khi hiện nay xã hội đã dần dần tìm người tích cực, tìm người làm việc hơn là tìm những “con mọt sách”.
Tôi nói thật có khi mất lòng, một giáo viên là một người đứng trên bục giảng được phụ huynh tin tưởng, được học sinh kính trọng, là người không chỉ dạy về kiến thức mà còn dạy về pháp luật, đạo đức mà vi phạm thì ngành giáo dục sẽ ra sao, có xứng đáng đứng trên bục giảng hay không.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nên nghiên cứu triển khai, xử lý như thế nào để dẹp nạn dạy thêm trái phép như hiện nay, Bộ cũng nên tham mưu, phối hợp với các Bộ, ban ngành để việc dạy thêm trái phép chính thức chấm dứt.
Cứ loay hoay ban hành văn bản này nọ trong khi việc dạy thêm trái phép tràn lan diễn ra mọi lúc mọi nơi, thách thức pháp luật cho thấy sự thất bại trong quản lý.
Vấn đề không phải là quản lý có được không mà là có muốn làm không? Làm có triệt để không?
Chỉ khi dẹp được nạn dạy thêm trái phép thì khi đó mới nghĩ đến các công việc tiếp theo, mới nghĩ đến việc giáo viên toàn tâm toàn ý lo cho học sinh, thì lúc đó mới nghĩ đến chất lượng giáo dục nâng lên một cách thực chất. Đây phải được coi là mục tiêu hàng đầu trong công cuộc đổi mới sắp tới.