Để giao quyền tự chủ đại học, nhà trường phải đạt kiểm định chất lượng

13/09/2018 15:04
Đỗ Thơm
(GDVN) - Đây là quan điểm của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về việc tự chủ đại học.

Ngày 12/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến về Luật Giáo dục Đại học.

Dự án Luật Giáo dục Đại học được đa số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá là đã tiếp thu, chỉnh sửa rất nhiều.

Dự án Luật đảm bảo có thể thông qua tại kỳ họp thứ 6 của Quốc hội khóa XIV.

Về một số vấn đề cụ thể, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã có ý kiến đánh giá trong báo cáo thẩm tra.

Về tự chủ đại học, Chủ nhiệm Phan Thanh Bình nhấn mạnh, ý kiến đại biểu đề nghị quy định rõ nội dung, mức độ, lộ trình, điều kiện bảo đảm thực hiện quyền tự chủ trên tất cả các mặt về học thuật, tài chính, tổ chức và nhân sự gắn với trách nhiệm giải trình và đổi mới quản trị đại học phù hợp với điều kiện, năng lực của từng cơ sở giáo dục đại học; tăng cường kiểm định và công khai chất lượng đào tạo.

Sửa đổi các quy định pháp luật có liên quan để tạo thống nhất, đồng bộ trong triển khai tự chủ đại học một cách thực chất.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình. (Ảnh:TTXVN)
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình. (Ảnh:TTXVN)

Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng làm rõ khái niệm tự chủ là quyền được tự xác định mục tiêu và lựa chọn cách thức thực hiện mục tiêu; tự quyết định và có trách nhiệm giải trình về các hoạt động chuyên môn, tổ chức và nhân sự, tài chính, tài sản và các hoạt động khác trên cơ sở quy định của pháp luật và năng lực của cơ sở giáo dục đại học.

Đồng thời, chỉnh sửa nội dung Điều 32 về quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục đại học theo hướng nêu rõ các điều kiện để được tự chủ.

Cụ thể hóa các nội dung tự chủ về chuyên môn học thuật, tổ chức, nhân sự, tài chính và tài sản cũng như chi tiết hóa nội dung về trách nhiệm giải trình và yêu cầu đặt ra đối với cơ sở giáo dục đại học khi thực hiện tự chủ.

Liên quan đến trách nhiệm giải trình, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng quy định rõ khái niệm về trách nhiệm giải trình.

Quy định cụ thể các nội dung nhà trường phải công khai, minh bạch với người học, xã hội, cơ quan quản lý và các bên có lợi ích liên quan.

Đặc biệt là trách nhiệm thực hiện kiểm toán độc lập về tài chính, thực hiện công khai về chất lượng, công khai mức học phí, các khoản thu dịch vụ của nhà trường cũng như chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu không thực hiện các quy định, cam kết bảo đảm chất lượng đào tạo.

Để giao quyền tự chủ đại học, nhà trường phải đạt kiểm định chất lượng ảnh 2Tài chính đại học công lập trên thế giới và cơ chế tài chính tại Việt Nam

Dự thảo Luật quy định, để được giao quyền tự chủ nhà trường phải đạt kiểm định của một tổ chức kiểm định được nhà nước công nhận.

Các đại biểu đề nghị quy định rõ vị trí pháp lý của Hội đồng trường; làm rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và trách nhiệm và mối quan hệ giữa Hội đồng trường và các thiết chế khác.

Quy định cơ cấu thành viên Hội đồng, tiêu chuẩn của Chủ tịch Hội đồng trường và của Hiệu trưởng theo hướng mở, linh hoạt để có thể lựa chọn được nhiều ứng viên có đủ năng lực, uy tín.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật đã được chỉnh lý thống nhất về tên gọi Hội đồng trường ở cả trường công lập và tư thục; phân biệt Hội đồng trường với Hội đồng đại học.

Hội đồng trường thực hiện quản trị nhà trường thông qua các trách nhiệm, quyền hạn được quy định cụ thể.

Hiệu trưởng thực thi quyền quản lý, điều hành nhà trường trên cơ sở quy định pháp luật và theo các nghị quyết của Hội đồng trường, chịu sự giám sát của cơ quan này.

Các nội dung về nhiệm kỳ, nguyên tắc làm việc, cơ cấu và tỉ lệ thành viên Hội đồng trường; tiêu chuẩn, chức năng, nhiệm vụ của Chủ tịch Hội đồng trường cũng như yêu cầu về điều kiện bảo đảm hoạt động của Hội đồng trường, quyền hạn và trách nhiệm cụ thể của Hiệu trưởng,… đều đã được đề cập rất chi tiết, cụ thể và phù hợp với tính chất của từng loại hình trường như trình bày trong dự thảo Luật.

Để tạo điều kiện thu hút nhiều ứng viên có năng lực, tâm huyết tham gia quản trị, quản lý cơ sở giáo dục đại học, dự thảo Luật không quy định chi tiết về tiêu chuẩn, độ tuổi, số nhiệm kỳ liên tiếp của các chức danh Chủ tịch Hội đồng trường, Hiệu trưởng mà giao cho trường tự chủ quyết định theo quy chế tổ chức và hoạt động trên cơ sở phù hợp với quy định chung của pháp luật.

Hội đồng đại học chịu trách nhiệm về định hướng và phối hợp nhằm thực hiện sứ mệnh toàn hệ thống và tham gia vào quy trình nhân sự chủ chốt cấp đại học.

Cho ý kiến góp ý thêm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, dự thảo Luật Giáo dục Đại học đã tiếp thu, điều chỉnh ý kiến của các đại biểu.

Một số ý kiến vẫn còn lăn tăn về mô hình hệ thống cơ sở giáo dục đại học.

Ý kiến của cơ quan thẩm tra, quy định thống nhất, mạch lạc mô hình hệ thống cơ sở giáo dục đại học gồm: trường đại học, đại học.

Để giao quyền tự chủ đại học, nhà trường phải đạt kiểm định chất lượng ảnh 3Hiệu trưởng Kinh tế quốc dân nêu khó khăn khi thực hiện tự chủ đại học

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, đề xuất này nên cân nhắc thêm ở các khía cạnh sau đây.

Ý kiến này không thể hiện được thực tiễn, mô hình hệ thống cơ sở giáo dục đại học hiện nay.

Đại học hiện nay gồm: Đại học Quốc gia, đại học vùng, các trường đại học, các học viện.

Về Đại học Quốc gia, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định: “Quan điểm của tôi là làm cho vị thế, vai trò của 2 Đại học Quốc gia nâng lên trong luật này chứ không giảm đi.

Nhưng đề cập đại học vùng trong Luật này như thế nào, quy định ra sao để không xáo trộn lớn trong mô hình các cơ sở giáo dục hiện nay”.

Về tự chủ đại học, Chủ tịch Quốc hội đánh giá, dự thảo đã tập trung quy định rõ hơn về nội dung, mức độ, lộ trình cũng như các điều kiện đảm bảo để thực hiện quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học về: học thuật, tài chính, nhân sự.

Mô hình Đại học Quốc gia, đại học vùng tiếp tục được khẳng định trong dự thảo luật này, nhưng chưa có quy định về quyền tự chủ của các khoa, viện, trung tâm, thành viên của Đại học Quốc gia, đại học vùng.

“Vướng mắc lớn trong mô hình Đại học Quốc gia và đại học vùng là mối quan hệ pháp lý và quyền tự chủ của các trường đại học thành viên. Cần quy định rõ trong luật này”, Chủ tịch nói

Theo Chủ tịch, về tổ chức quản trị, hội đồng trường, việc luật quy định nhiều quyền cho hội đồng trường, vô hình chung biến cơ quan này thành cơ quan quyền lực – quá nhiều quyền.

Quy định như vậy biến hội đồng trường thành cơ quan quản lý, không làm rõ được vai trò, trách nhiệm của Hiệu trưởng.

“Do đó, để đảm bảo thực quyền của hội đồng trường nhưng cũng phải đảm bảo quyền, trách nhiệm của hiệu trưởng trong quản lý hoat động nhà trường thì cần quy định rõ hơn là thực quyền của hội đồng trường như thế nào, quyền của hiệu trưởng ra sao?”, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân phân tích.

Chủ tịch nói thêm, mô hình quản trị các trường đại học tư thục cần quy định rõ thêm sự khác nhau giữa mô hình quản trị đại học tư thục và trường đại học tư thục không vì lợi nhuận khác nhau ở chỗ nào?

Đỗ Thơm