Nếu nhìn vào cách đánh và điểm số của môn Đạo đức (cấp tiểu học) và môn Giáo dục công dân (cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông) thì chúng ta thấy rất đáng mừng.
Đặc biệt, kể từ năm 2017 đến nay, môn Giáo dục công dân được chọn làm môn thi ở kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia thì môn này luôn có điểm trung bình cao nhất.
Vậy vì sao mà đạo đức của một số học sinh lại đang để lại cho chúng ta những băn khoăn rất lớn? Phải chăng, giữa đánh giá chất lượng môn học và thực tế cuộc sống vẫn đang còn tồn tại những mâu thuẫn?
Điểm môn Giáo dục công dân luôn đứng đầu nhưng đạo đức truyền thống thì đang mai một (Ảnh minh họa: Cổng Thông tin Bộ Giáo dục và Đào tạo) |
Điểm kiểm tra, điểm thi môn Giáo dục công dân đang rất cao
Trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm nay, môn Giáo dục công dân có điểm trung bình là 7,73 điểm. Trong đó có tới 3258 thí sinh đạt mức điểm 9,75 và 784 thí sinh đạt điểm 10.
Nếu tính từ điểm 9,0 trở lên thì môn thi này có tới 49.810/ 494.086 thí sinh dự thi môn Giáo dục công dân. Điểm thí sinh đạt được nhiều nhất là 7,75, điểm dưới trung bình chỉ có 3,96 %.
Điểm tổng kết môn học này tại cấp tiểu học chủ yếu là “hoàn thành tốt”, ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông cũng chủ yếu là điểm giỏi, điểm khá rất hiếm và tất nhiên điểm trung bình thì càng cực kỳ hiếm.
Trong các môn học ở trường phổ thông thì môn học này được học xuyên suốt từ lớp 1 đến lớp 12. Điều đặc biệt là môn học này có chức năng là giáo dục đạo đức và hình thành nhân cách, giúp học sinh các thói quen, xử lý tốt các tình huống hàng ngày.
Nếu điểm kiểm tra, đánh giá trên lớp và điểm thi quốc gia tương đồng với đạo đức học trò, đạo đức của người học thì rõ ràng xã hội không phải chứng kiến những trái ngang, những muộn phiền như đã và đang diễn ra.
Tất nhiên, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, ngành Giáo dục, thầy cô giáo và phụ huynh cũng không phải loay hoay đi tìm giải pháp về tình trạng đạo đức của học trò.
Lãnh đạo chưa yên tâm về giáo dục đạo đức học sinh
Tại phiên họp ngày 26/7 của Ủy ban Quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016-2021 thì công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh phổ thông cũng đã được bàn luận, phân tích khá nhiều.
|
Chia sẻ về giáo dục đạo đức học sinh phổ thông, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã thẳng thắn thừa nhận những hạn chế, đó là:
"Nội dung giáo dục đạo đức chưa sâu, chưa tạo được nhiều xúc cảm thực sự chạm đến trái tim làm thay đổi thái độ người học, chưa chú trọng giáo dục thói quen, hành vi đạo đức, còn nặng về kiến thức hàn lâm.
Nhiều bài học khô khan, chưa gắn với đời sống tuổi trẻ. Nhiều nội dung còn khó, không phù hợp với độ tuổi của học sinh phổ thông, chưa sát với đối tượng, gây áp lực cho người dạy, người học.
Kiến thức lồng ghép trong chương trình các môn học còn ôm đồm, thiếu tính hệ thống và mới chỉ là kết hợp, chưa phải tích hợp kiến thức các môn học như giáo dục đạo đức, giáo dục pháp luật, giáo dục giới tính…".
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã nhấn mạnh: “Ngành giáo dục có rất nhiều khẩu hiệu, phong trào, đề án liên quan đến giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh như:
“Tiên học lễ, hậu học văn”; “Thi đua dạy tốt học tốt”; “Thực hiện năm điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng”; “Tất cả vì học sinh thân yêu”; “Dân chủ-Kỷ cương-Tình thương-Trách nhiệm”…
Nhưng, cứ soi vào những khẩu hiệu, phong trào đó thì thấy chúng ta làm chưa tốt.
Tại sao đạo đức học sinh ngày nay lại khiến nhiều người trăn trở?
Nhìn vào tình trạng nhiều học sinh vi phạm, mai một về đạo đức truyền thống trong thời gian qua khiến cho người lớn chúng ta không khỏi không chạnh buồn.
Nhiều clip đánh nhau của học sinh được tung lên mạng Internet, học sinh chửi thầy cô giáo, thậm chí là học sinh đánh cả thầy cô giáo đang dạy mình. Tình trạng lôi kéo, rủ rê bạn bè vào những thói hư tật xấu trong nhà trường bây giờ không hiếm.
Những khoảng trống về giáo dục đạo đức cho học sinh, một nguyên nhân của bạo lực |
Trong trường học có một bộ phận học sinh vô lễ với thầy cô, về nhà xấc xược với cha mẹ, người lớn nói không nghe, không có động lực phấn đấu để thay đổi.
Nhiều em ham chơi, ham đàn đúm hơn ham học. Một bộ phận học sinh đến trường nhưng thờ ơ với bài học, những lời động viên, góp ý, nhắc nhở của thầy cô nhưng vẫn có một số học trò không đoái hoài tới.
Hệ quả này có nhiều nguyên nhân, đó là nhà trường cứ mải mê với thành tích học tập, thi cử nên mải mê với những môn sẽ thi, những môn quan trọng để tạo thương hiệu giảng dạy.
Ngay từ cấp tiểu học- thời điểm quan trọng nhất hình thành nhân cách, thói quen cho học trò thì môn Đạo đức cũng tiết dạy tiết không vì thầy cô tập trung cho môn Toán và Tiếng Việt.
Lên các cấp học cao hơn cũng vậy, dù học sinh thờ ơ, hững hờ thì môn học này vẫn được cho điểm khá và giỏi.
Ở nhà thì nhiều bậc phụ huynh chưa chú trọng uốn nắn, giáo dục, nhiều người vẫn khoán trắng cho nhà trường bởi cha mẹ còn phải lo bươn chải cho cuộc sống hàng ngày.
Trong khi, xã hội bây giờ đầy rẫy những cạm bẫy. Chẳng cần học sinh phải đi đâu xa, chỉ cần ngồi ở nhà cắm cúi với màn hình điện thoại, phim ảnh mà không có sự quản lý nghiêm khắc của gia đình cũng khiến nhiều học sinh hư hỏng.
Nếu những người lớn còn hờ hững, thờ ơ, toan tính với việc giáo dục đạo đức học sinh phổ thông thì tương lai chắc chắn xã hội còn chứng kiến nhiều những chuyện đau lòng nữa. Những giá trị thật thì mai một, những giả dối, chộp giật thì lên ngôi.
Vì thế, gia đình phải quan tâm, sâu sát con em mình, nhà trường cần kết hợp dạy người nhiều hơn- nhất là ở môn Giáo dục công dân, các môn Xã hội và các hoạt động tập thể.
Các cơ quan chức năng cũng cần quản lý và triệt phá những tệ nạn xã hội thì mới mong những thói hư, tật xấu được đẩy lùi và việc giáo dục đạo đức cho học trò mới được khởi sắc.
Tài liệu tham khảo:
//tuoitre.vn/bo-truong-phung-xuan-nha-giao-duc-dao-duc-chua-cham-den-trai-tim-20190726170818889.htm