Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, đề thi trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020 sẽ được điều chỉnh theo hướng nhẹ hơn so với năm 2019 và không ra vào nội dung đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo tinh giản.
Cụ thể, với mục đích chính của kỳ thi là xét tốt nghiệp trung học phổ thông, đề thi cũng bám sát kiến thức cơ bản của chương trình trung học phổ thông chủ yếu là lớp 12.
Tuy nhiên, đề thi vẫn phải tính toán để có độ phân hóa ở mức độ phù hợp, giúp phân tách các nhóm thí sinh có năng lực khác nhau.
Do đó các trường đại học, cao đẳng vẫn có thể sử dụng làm một trong các căn cứ để sàng lọc, tuyển sinh.
Nhiều chuyên gia cho rằng, đề thi tốt nghiệp chỉ nên ra ở 3 mức: nhận biết, thông hiểu và vận dụng chứ không cần vận dụng cao.
Bởi căn cứ vào mục đích của kỳ thi tốt nghiệp là xác định chuẩn đầu ra và đánh giá quá trình dạy và học 12 năm phổ thông, không đặt nặng yêu cầu “phân hoá mạnh” như tuyển sinh, nên ra đề thi tốt nghiệp chỉ cần 3 mức như vậy là đủ.
Trước vấn đề này, trao đổi với phóng viên Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, một đề thi dù chỉ là lấy kết quả xét tốt nghiệp thì vẫn có sự phân hóa.
Theo Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, đối với các trường top trên, trường năng khiếu thì độ phân hóa ở kỳ thi tốt nghiệp không đáp ứng được do đó các trường cần phải có bài thi trung khảo riêng. (Ảnh minh họa: VTV) |
Thầy Khuyến lý giải, ví dụ mức điểm tối đa của một bài thi là 10 điểm (tính theo thang điểm 10) thì yêu cầu đặt ra là thí sinh chỉ cần 5 điểm/ bài thi là đủ điểm tối thiểu đỗ, như vậy điểm từ 5-10 chính là sự phân hóa, đánh giá được thí sinh nào đạt yêu cầu, thí sinh nào đạt xuất sắc.
“Nếu không có phân hóa thì chỉ có mức đánh giá là Đạt hay Không đạt chứ có thang điểm là có phân hóa”, vị này giải thích thêm.
Tuy nhiên, thầy Khuyến cũng cho rằng, ở kỳ thi tốt nghiệp thì độ phân hóa cũng chỉ ở một mức nhất định. Nếu kỳ thi nhằm mục đích chọn lọc thí sinh để xét tuyển cho tất cả các cơ sở giáo dục đại học thì đòi hỏi mức phân hóa rộng hơn.
Bộ Giáo dục khẳng định sẽ không có việc thí sinh đổ xô vào thành phố luyện thi |
“Do đó độ phân hóa ở kỳ thì tốt nghiệp thì chỉ đáp ứng đối với các trường top dưới, top giữa còn đối với các trường top trên, trường năng khiếu thì độ phân hóa này không đáp ứng được”, thầy Khuyến nhận định.
Ví dụ thí sinh xét tuyển vào ngành bác sĩ đa khoa của Đại học Y Hà Nội đòi hỏi điểm đầu vào ở mức 29,30 điểm thì điểm trong kỳ thi tốt nghiệp này sẽ không phản ánh chưa đúng, thay vào đó, nhà trường có thể mở rộng diện xét tuyển thí sinh từ 26 điểm trở lên nhưng các em muốn đỗ vào trường thì phải trải qua một bài thi trung khảo ở đó tính phân hóa cao.
Thầy Khuyến cho biết, kinh nghiệm ở các nước cho thấy, trường đẳng cấp luôn nhận hồ sơ ở mức cao. Đơn cử hệ thống giáo dục tiểu bang California (Mỹ), từ nhiều năm nay có 3 nhóm trường.
Nhóm trường đẳng cấp hệ đại học có 9 trường đào tạo trình độ tiến sĩ. Nhóm thứ 2 gồm có 23 trường chỉ đào tạo đến trình độ thạc sĩ. Nhóm cao đẳng cộng đồng có 105 trường.
Chính quyền bang California quy định, trường top đầu chỉ được xét tuyển điểm cao ở top 1/8 thí sinh tốt nghiệp trung học phổ thông.
Trường nhóm hai được lấy thí sinh ở top 1/3. Còn các trường top cuối được phép xét tuyển những thí sinh còn lại điểm thấp hơn.
Đồng tình với ý kiến này, thầy Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội đồng giáo dục trường trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho rằng, kỳ thi tốt nghiệp nhưng đề thi vẫn cẫn có độ phân hóa chứ không phải cào bằng tất cả, không có chuyện em nào thi môn nào cũng đều đạt 10 điểm. Và đó cũng là căn cứ để các trường đại học yên tâm dùng kết quả để xét tuyển.