Chúng ta nên đọc sách vì nó mang lại nhiều giá trị tích cực cho cuộc sống. Đọc sách giúp phát triển cả kiến thức kỹ năng phổ thông và kiến thức kỹ năng chuyên môn. Giúp người đọc giàu từ ngữ hơn, giao tiếp sẽ tốt hơn trong cuộc sống và công việc. [1]
Và đọc sách để rèn luyện trí não như củng cố và rèn luyện khả năng tiếp nhận thông tin của não, đọc để cải thiện khả năng suy luận logic, để tưởng tượng tốt hơn và để rèn khả năng tập trung tinh thần.
Đọc sách để cảm nhận về con người, về thế giới, để rung cảm với nỗi đau của người khác trong xã hội và từ đó hiểu hơn về con người và chúng ta sẽ sống vị tha hơn và cảm thông cho nhau hơn.
Đọc sách giúp cho cuộc sống của chúng ta hạnh phúc hơn (Ảnh minh họa: vov.vn). |
Đọc sách để giải trí – để chìm trong các câu chuyện phiêu lưu kỳ thú, hấp dẫn, để quên đi các lo âu của cuộc sống. Đọc sách giúp cho cuộc sống của chúng ta trọn vẹn hơn và hạnh phúc hơn. [2–5]
Đọc là một quá trình tiếp nhận thông tin. Những thông tin này làm nguyên liệu cho suy nghĩ, giúp phát triển kiến thức và kỹ năng chuyên môn. Ngoài cách học truyền thống là nghe, thì đọc cũng là cách học hiệu quả. [6]
Ông Bill Gates – chủ hãng Microsoft nói rằng đọc là cách mà chính ông học các điều mới mẻ và cũng là cách ông kiểm tra sự hiểu biết của chính mình.
Thực vậy, sách là địa chỉ tổng kết các kiến thức chuyên môn một cách có hệ thống, dễ đọc và dễ hiểu. Do đó, đọc sách giúp người đọc ôn lại, tiếp cận và nâng cao kiến thức chuyên môn để phục vụ tốt hơn cho công việc.
Bất kể là ai đều có thể học từ đọc sách, nhưng tiếc là rất ít người làm điều đó – Warren Buffett đã nói vậy. [7]
Warren là nhà đầu tư tài chính thành công bậc nhất thế giới – ông đọc rất nhiều, khoảng 80% thời gian mỗi ngày của ông là để đọc.
Đọc sách có nhiều tiện lợi. Sách có thể đọc đi đọc lại nhiều lần. Hơn nữa, những người không có điều kiện (do thời gian, tài chính, địa chính trị) để theo học tại các trường, lớp mong muốn thì đọc sách sẽ là một lựa chọn tối ưu.
Đặt biệt, ta có thể đọc sách viết bởi những tác giả mà trong hoàn cảnh cuộc sống của mình không hay khó có cơ hội để học trực tiếp từ tác giả.
Ta có thể đọc để học khi nào ta có thời gian dù chỉ vài phút. Và ta có thể đọc ở những nơi thuận tiện.
Người đọc có thể chọn loại sách để đọc và có thể đọc một mình hay đọc cùng với người khác. Do đó, đọc sách là cách học tiện lợi và thoải mái.
Bên cạnh kiến thức chuyên môn, kiến thức và kỹ năng phổ thông phục vụ cho cuộc sống cũng được học thêm nhiều qua đọc sách.
Đọc sách giúp hiểu biết thêm về các khía cạnh khác nhau của xã hội, của con người và của thế giới.
Đọc sách giúp nâng cao kiến thức và kỹ năng giúp cho các sinh hoạt thường ngày thuận lợi hơn (như chăm sóc gia đình, dinh dưỡng, nấu ăn, chăm sóc vườn, sửa chữa các dụng cụ gia đình…).
Hiểu biết nhiều về văn hóa phổ thông cũng giúp cho các câu chuyện giao tiếp thường ngày giữa người với người đa dạng và màu sắc hơn, vui nhộn hơn. Những điều này làm cho cuộc sống của con người tốt hơn.
Đọc sách để vươn đến tự do trong tinh thần. Không phải ai cũng có điều kiện đi học ở các môi trường tốt vì rào cản bởi điều kiện tài chính, thời gian, hạn chế do vị trí địa lí, hay do lí do chính trị.
Nhờ đọc sách mà sự hiểu biết có thể vượt qua các rào cản đó và nhờ đó tầm hiểu biết vượt không gian và thời gian, tránh đi các định kiến, các thông tin một chiều, các thông tin tuyên truyền không đúng sự thật.
Đọc sách giúp cải thiện khả năng tư duy logic, óc phân tích tốt hơn và nhờ đó biết cách kiểm tra và đánh giá tính chính xác, độ tin cậy của các thông tin thường thấy trên báo, đài, hay ti vi và các trang mạng xã hội.
Đọc sách để rèn luyện trí não. Đọc là một quá trình tiếp nhận thông tin và xử lí thông tin. Quá trình này đòi hỏi não làm việc chăm chỉ để tiếp nhận thông tin một cách hiệu quả (như ghi vào bộ nhớ lâu) và làm nguyên liệu cho suy nghĩ để sản sinh ra các ý tưởng, cách làm mới, hiểu biết mới, khái niệm mới, giúp tư duy chính xác hơn. [8, 9]
Đọc sách giúp phát triển sự sáng tạo và cởi mở hơn với các ý tưởng, suy nghĩ, dễ tiếp cận với những cơ hội trong cuộc sống. Càng đọc nhiều thì kỹ năng đọc sẽ càng tốt hơn, tư duy sẽ tốt hơn.
Với người già, đọc sách còn giúp hạn chế sự phát triển của các bệnh liên quan đến tuổi già như Parkinson. [10]
Đọc sách giúp tinh thần tập trung hơn. Đọc sách giúp não hình thành thói quen tập trung để hiểu nội dung trong sách, qua đó hình thành thói quen tập trung làm việc. [11]
Đây là một khả năng quan trọng giúp não làm việc hiệu quả cho các hoạt động khác nhau trong cuộc sống, đặc biệt là trong công việc chuyên môn.
Đọc sách giúp tưởng tượng tốt hơn. Sách có nhiều loại, nhưng cả sách viễn tưởng, hay sách miêu tả thật thì đều giúp người đọc hình dung ra các ngữ cảnh diễn ra tùy theo nội dung sách. [12]
Người đọc buộc phải đi theo nội dung của câu chuyện, từ câu chữ trong sách mà hình dung ra các ngữ cảnh và nhờ đó khả năng tưởng tượng được phát triển hơn.
Albert Einstein từng nói rằng tưởng tượng thì quan trọng hơn kiến thức, vì khả năng tưởng tượng tốt có nghĩa là các cách làm, ý tưởng mới dễ hình thành hơn và kết quả là khả năng sáng tạo được phát triển thêm.
Đọc sách giúp cho con người kiên nhẫn hơn và cẩn thận hơn. Vì để hiểu hay để cảm thụ nội dung sách buộc người đọc phải đọc đi đọc lại nhiều lần (nếu nội dung khó), đọc chậm và suy nghĩ ý nghĩa của từng chữ, từng câu. [13]
Điều này làm cho người đọc kiên nhẫn hơn không những trong đọc sách mà trong các hoạt động sống khác.
Đọc để hiểu về con người, về cuộc sống và về thế giới để có thêm trải nghiệm sống, để sống nhân văn hơn. [14]
Thời gian sống của mỗi người là giới hạn, vì vậy ta không thể có thật nhiều trải nghiệm sống ở các nơi khác nhau, ở các hoàn cảnh khác nhau, trong các thời gian khác nhau do đó cần có người khác quan sát, trải nghiệm, suy nghĩ và họ miêu tả lại những điều đó trong sách mà ta đọc.
Như khi đọc sách được viết trong quá khứ - thời điểm mà ta không ở đó, ta có thể cảm nhận, quan sát gián tiếp hoàn cảnh xã hội, thế giới trong quá khứ.
Hơn nữa, cách quan sát của người khác có thể sâu sắc hơn của ta và có thể bổ sung các thiếu sót của ta giúp ta hiểu nhiều hơn về sự vật hiện tượng xã hội, tự nhiên.
Thông qua người viết chúng ta hiểu hơn về mối quan tâm của những cá nhân khác trong xã hội, hiểu được cảm nhận, hoàn cảnh của người khác giúp ta có thêm nhiều nguyên liệu làm cho ta hiểu hơn về cuộc sống, thế giới khác với bản thân mình.
Qua những câu chuyện, đặc biệt là các câu chuyện phản ánh những bất hạnh của con người làm ta rung cảm, xót xa cho thân phận con người. Nhờ đó, trái tim ta trở nên giàu tình yêu và sự cảm thông hơn.
Và ta sẽ dễ tha thứ hơn cho người khác và cho bản thân mình. Và cuộc sống sẽ nhẹ nhàng và dễ chịu hơn.
Đọc để giải trí. Cuộc sống không phải lúc nào cũng thuận lợi như ta mong muốn, do đó chúng ta cần các trải nghiệm vui vẻ. Và đọc sách là một trong những cách hiệu quả giúp chúng ta giải trí, làm cho tinh thần thoải mái hơn, cho cuộc sống màu sắc hơn, vui vẻ hơn. [15]
Đọc sách giúp ta chìm đắm trong các câu chuyện phiêu lưu kỳ thú, về những câu chuyện hay, về thế giới tự nhiên giúp cho chúng ta quên bớt đi các lo lắng, mối quan tâm của đời sống bận rộn đời thường.
Nói tóm lại, đọc sách sẽ làm cho cuộc đời con người thêm nhiều ý nghĩa, sống trọn vẹn hơn và hạnh phúc hơn.
Tài liệu tham khảo
[1] Dehaene S, Pegado F, Braga LW, Ventura P, Filho GN, Jobert A, et al. How Learning to Read Changes the cortical networks for vision and language. Science 2010;1359:1359–64. doi:10.1126/science.1194140.
[2] Allan DG. Reading is fundamental -- to the family’s happiness 2018. https://edition.cnn.com/2018/04/03/health/reading-aloud-to-kids-go-ask-your-dad/index.html (accessed December 10, 2018).
[3] Huffpost. Benefits Of Reading Include Happiness And Satisfaction In Life 2016. https://www.huffingtonpost.ca/2016/02/05/benefits-of-reading_n_9170908.html (accessed December 10, 2018).
[4] Dovey C. Can Reading Make You Happier? 2015. https://www.newyorker.com/culture/cultural-comment/can-reading-make-you-happier (accessed December 10, 2018).
[5] Agency T reading. New study reveals that reading for pleasure empowers us to make positive life changes 2016. https://readingagency.org.uk/news/media/new-study-reveals-that-reading-for-pleasure-empowers-us.html (accessed December 10, 2018).
[6] Kolata G. Scientists Track the Process of Reading Through the Brain. NYT n.d. https://www.nytimes.com/1998/03/03/science/scientists-track-the-process-of-reading-through-the-brain.html (accessed December 10, 2018).
[7] Saygin ZM, Osher DE, Norton ES, Youssoufian DA, Beach SD, Feather J, et al. Connectivity precedes function in the development of the visual word form area. Nat Neurosci 2016;19:1250–5. doi:10.1038/nn.4354.
[8] Battista M. Book Smarts: The Brain Benefits of Reading n.d. https://www.cambridgebrainsciences.com/more/articles/book-smarts-the-brain-benefits-of-reading (accessed December 10, 2018).
[9] Hurley D. Can reading make you smarter? Guardian 2014. https://www.theguardian.com/books/2014/jan/23/can-reading-make-you-smarter.
[10] Zou YM, Tan JP, Li N, Yang JS, Yu BC, Yu JM, et al. Do physical exercise and reading reduce the risk of parkinson’s disease? A cross-sectional study on factors associated with parkinson’s disease in elderly Chinese veterans. Neuropsychiatr Dis Treat 2015;11:695–700. doi:10.2147/NDT.S79707.
[11] Goldman C. This is your brain on Jane Austen, and Stanford researchers are taking notes 2012. https://news.stanford.edu/news/2012/september/austen-reading-fmri-090712.html (accessed December 10, 2018).
[12] Berns GS, Blaine K, Prietula MJ, Pye BE. Short- and Long-Term Effects of a Novel on Connectivity in the Brain. Brain Connect 2013;3:590–600. doi:10.1089/brain.2013.0166.
[13] Beres D. How reading makes you more intelligent and empathetic 2017. https://bigthink.com/21st-century-spirituality/reading-rewires-your-brain-for-more-intelligence-and-empathy (accessed December 10, 2018).
[14] Kidd DC, Castano E. Reading literary fiction improves theory of mind. Science (80- ) 2013;342:377–80. doi:10.1126/science.1239918.
[15] National Library Trust (UK). Reading for pleasure — a door to success n.d. https://natlib.govt.nz/schools/reading-engagement/understanding-reading-engagement/reading-for-pleasure-a-door-to-success (accessed December 10, 2018).