Chuyện giáo án của giáo viên không phải là chuyện mới với nhà giáo, giáo án thật ra được xếp vào … “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”; hôm nay tôi lại tiếp tục nói về giáo án.
Giáo viên, phó hiệu trưởng, hiệu trưởng đi dạy có cần giáo án không?
Giáo án là kế hoạch làm việc, kế hoạch dạy học của giáo viên. Muốn làm việc có hiệu quả tốt thì phải có kế hoạch.
Giáo án giúp giáo viên lường trước được những vấn đề phát sinh, dự trù biện pháp, giải pháp giải quyết vấn đề đó.
Như vậy, giáo viên nói chung muốn dạy học tốt phải có chuẩn bị giáo án trước, không có trường hợp ngoại lệ nào dành riêng cho phó hiệu trưởng, hiệu trưởng.
Giáo án được quy định trong điều lệ trường học, là hồ sơ bắt buộc phải có của bất cứ giáo viên nào … dạy học.
Giáo viên muốn dạy học tốt phải có chuẩn bị giáo án trước. (Ảnh minh họa: VnDoc.com) |
Giáo án có quan trọng không?
Muốn làm bất cứ việc gì thành công đều phải có kế hoạch; kế hoạch càng cụ thể, chi tiết, rõ ràng càng dễ thành công hơn.
Với giáo viên, dạy học như đánh giặc dốt, vì vậy giáo án càng quan trọng. Không có giáo viên nào dạy giỏi, có uy tín với đồng nghiệp, học trò mà dạy học không cần giáo án.
Giáo viên dạy giỏi, chuẩn bị giáo án càng chu đáo, một câu không thừa, một từ không thiếu trong tiết dạy.
Giáo án có phải “vòng kim cô” với giáo viên không?
Chuyện Tôn Ngộ Không bị trừng phạt chỉ khi vi phạm Phật pháp, nếu không có vòng “kim cô” thì Tôn Ngộ Không không thể giác ngộ thành Phật, vòng kim cô sẽ biến mất khi Tôn Ngộ Không tu thành chánh quả, chấp hành Phật pháp.
Với giáo viên cũng vậy, muốn trưởng thành trong nghề phải chuẩn bị giáo án tốt trước khi dạy học, nếu không chuẩn bị giáo án trước sẽ bị trừng phạt.
Vì vậy chỉ giáo viên lười, thiếu trách nhiệm với nghề nghiệp, làm việc được chăng hay chớ, dạy học cốt cho hết tiết, đến tháng lĩnh lương, học sinh tiếp thu như thế nào không cần quan tâm mới coi giáo án là vòng kim cô mà thôi.
Chính vòng kim cô mới dành cho giáo viên không thực hiện đúng quy định, quy chế công việc.
Làm đúng lương tâm, trách nhiệm, quy chế chuyên môn, đã đi dạy là có giáo án rồi, giáo án không phải là vòng kim cô, giáo án chính là kế hoạch bài dạy, giúp mình hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Giáo án có lợi cho học trò không?
Giáo án soạn cũng chỉ để cho có nên nhiều thầy cô chọn... mua cho tiện |
Người hưởng lợi đầu tiên từ giáo án không ai khác chính là học trò!
Thầy cô có kế hoạch chu đáo dạy bài sẽ hay, đi từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp, từ hiện tượng đến bản chất, kiến thức học sinh có được từ biết đến hiểu, vận dụng và liên hệ trong cuộc sống; hình thành, phát hiện, bồi dưỡng kỹ năng, năng lực cho học trò; tạo hứng thú và hình thành ham muốn học tập, tự học, nghiên cứu cho học trò.
Nếu không chuẩn bị giáo án tốt, một giáo viên giỏi cũng may ra hoàn thành tiết dạy ở mức trung bình, giáo viên khác chắc chắn khó mà đạt yêu cầu.
Giáo án có cần in ra không?
Điều lệ trường Tiểu học (Điều 30), Trung học (Điều 27) quy định trước khi lên lớp giáo viên phải có giáo án nhưng không quy định là giáo án viết tay, hay đánh máy; hay giáo án điện tử.
Trong Hướng dẫn nhiệm vụ năm học 2019-2020 Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ thị “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức và quản lí các hoạt động chuyên môn,…” không có quy định cụ thể bắt buộc các cơ sở giáo dục quản lý giáo án bằng công nghệ thông tin.
Vì vậy, việc in giáo án hay không in giáo án hoàn toàn do quy định của mỗi trường, cho dù tốn kém hay không, giáo viên cũng phải thực hiện theo yêu cầu của lãnh đạo.
Nếu lãnh đạo nhà trường có năng lực về công nghệ thông tin, nên áp dụng quản lý, kiểm tra, giám sát giáo án điện tử của giáo viên.
Dù muốn hay không muốn, đã di dạy là phải chuẩn bị giáo án. Khẳng định 100% những giáo viên tự chuẩn bị giáo án tốt là giáo viên có trách nhiệm với nghề nghiệp mình đã chọn lựa, chất lượng tiết dạy sẽ tốt hơn.
Làm bất cứ việc gì cũng phải có kế hoạch, giáo viên ngại soạn giáo án, mua giáo án, chỉ chuẩn bị mang tính đối phó nên chuyển đổi nghề nghiệp vì trước hay sau rồi cũng bị đào thải.