Giáo dục nghề nghiệp tuyển sinh còn chật vật, nói gì đến tự chủ

22/09/2019 06:49
Thùy Linh
(GDVN) - Theo Phó giáo sư Đỗ Văn Dũng, hiện giáo dục nghề nghiệp tuyển sinh khó, phải chạy vạy. Các trường phải đi đây đi đó tìm cách lôi kéo sinh viên nghề.

Nhiều vấn đề “nóng” về giáo dục nghề nghiệp đã được trao đổi sôi nổi tại Hội thảo Giáo dục Việt Nam 2019 trong bối cảnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng và hội nhập quốc tế. 

Theo đó, Phó giáo sư Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, giáo dục nghề nghiệp sẽ mãi khó khăn nếu vẫn giữ nguyên hệ thống như hiện nay.

Những bất cập về chính sách đầu tư, về tư duy quản lý khiến cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp rơi vào tình trạng phải tham gia một cuộc đua không công bằng.

Do đó, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng trong bài toán của hệ thống của giáo dục, giáo dục nghề nghiệp phải đặt trong khuôn khổ chung và là bài toán cần ưu tiên giải quyết đầu tiên.

Phó giáo sư Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, giáo dục nghề nghiệp sẽ mãi khó khăn nếu vẫn giữ nguyên hệ thống như hiện nay. (Ảnh: Thùy Linh)
Phó giáo sư Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, giáo dục nghề nghiệp sẽ mãi khó khăn nếu vẫn giữ nguyên hệ thống như hiện nay. (Ảnh: Thùy Linh)

"Hiện nay giáo dục nghề nghiệp đang bị tách rời ra khỏi hệ thống giáo dục chung. Ngay cả tuyển sinh, giáo dục nghề nghiệp tuyển sinh khó, phải chạy vạy. Các trường phải đi đây đi đó tìm cách lôi kéo sinh viên nghề. 

Ngay cả dữ liệu các em học sinh phổ thông tốt nghiệp đăng ký, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng làm riêng, hệ thống giáo dục nghề nghiệp làm riêng, không chia sẻ cơ sở dữ liệu. Chương trình đào tạo chạy riêng rẽ, như hai đường thẳng song song, làm sao chúng ta liên kết với nhau được?" - ông Dũng chia sẻ.

Về đào tạo giáo viên, theo ông Dũng, lại xảy ra tình trạng chia cắt theo từng hệ thống: có 6 trường đại học sư phạm kỹ thuật thì 3 trường trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, ba trường trực thuộc Bộ Lao động, Thương binh và xã hội.

"Hiện nay Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh không đào tạo giáo viên dạy nghề, giáo dục nghề nghiệp nữa. Vì các ngành nghề của trường không có trong danh mục trường sư phạm.

Ví dụ chúng tôi đào tạo giáo viên dạy nghề ô tô, cơ khí mà họ bảo không có, nên bắt buộc chúng tôi phải bỏ.

Trường đầu ngành, đầu tiên của đất nước đào tạo giáo viên dạy nghề mà phải từ bỏ đào tạo giáo viên dạy nghề, thử hỏi cách hiểu của các bộ, ban, ngành liên quan có cơ chế chính sách như vậy, hỏi đâu có sự phát triển của giáo dục nghề nghiệp được?"- ông Dũng nói. 

Cũng tại hội thảo, ông Bùi Trần Ngọc - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Phú Yên cho hay các trường cao đẳng dạy nghề đang đứng trước thách thức lớn từ chính chính sách, đặc biệt là nguy cơ bị tước quyền tự chủ tuyển sinh.

Ông Bùi Trần Ngọc - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Phú Yên cho hay các trường cao đẳng dạy nghề đang đứng trước thách thức lớn từ chính chính sách, đặc biệt là nguy cơ bị tước quyền tự chủ tuyển sinh. (Ảnh: Thùy Linh)
Ông Bùi Trần Ngọc - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Phú Yên cho hay các trường cao đẳng dạy nghề đang đứng trước thách thức lớn từ chính chính sách, đặc biệt là nguy cơ bị tước quyền tự chủ tuyển sinh. (Ảnh: Thùy Linh)

"Đại học được cho mở cửa quá rộng rãi, tuyển hết rồi thì cao đẳng lấy đâu học viên để tuyển. Không có học viên thì không có tiền, mà không có tiền thì khó nói đến tự chủ hay đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao”, ông Ngọc nói.

Trước những ý kiến thảo luận, ông Phan Thanh Bình - Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cho biết qua giám sát, Ủy ban nhận thấy có ba vấn đề mấu chốt trong giáo dục nghề nghiệp: Hệ thống cơ chế, chính sách; Chất lượng và điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo; Mối quan hệ giữa doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp. 

Ba vấn đề này giải quyết tốt mới tác động mạnh mẽ đến vấn đề thứ tư là tâm lý xã hội, thể hiện trong xu thế lựa chọn giáo dục nghề nghiệp.

Thùy Linh