Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trình Chính phủ về đề xuất phương án thi sau năm 2020 và phương án này cũng được đưa ra bàn luận tại cuộc họp của Hội đồng quốc gia giáo dục về kỳ thi trung học phổ thông quốc gia vào ngày 25/9 tại Văn phòng Chính phủ.
Cụ thể, từ năm 2021 - 2025, học sinh hoàn thành chương trình lớp 12 nếu đáp ứng các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì được Hiệu trưởng trường trung học phổ thông (hoặc Giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên) cấp Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình nghiệp trung học phổ thông; nếu có nhu cầu dự thi để được cấp Bằng tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ được tham gia Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia.
Thi trung học phổ thông sau năm 2020: Căn cơ, chắc chắn nhưng rất khẩn trương |
Về phương án thi, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất, tổ chức thi trên giấy như hiện nay và đồng thời chuẩn bị các điều kiện để tổ chức thi trên máy tính theo lộ trình đảm bảo tính khả thi.
Đối với phương thức tổ chức thi trên máy tính, thí sinh có thể tham gia dự thi một số đợt trong năm tại các địa điểm của các tổ chức khảo thí độc lập đáp ứng theo qui định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Kết quả của đợt thi nào cao nhất sẽ được lựa chọn sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông và có thể được các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp tham khảo, sử dụng trong tuyển sinh (nếu có nhu cầu).
Trong các năm từ 2021-2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất cơ bản giữ ổn định như kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2019, thực hiện một số điều chỉnh cho phù hợp với thực tế phương thức tổ chức thi. Đặc biệt sẽ thí điểm tổ chức thi trên máy tính.
Tìm hiểu về phương án đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trao đổi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư Bùi Thị An - đại biểu Quốc hội khóa 13 ủng hộ việc trong giai đoạn tới sẽ cơ bản giữ ổn định kỳ thi trung học phổ thông quốc gia như năm 2019. Bởi theo vị này đánh giá kỳ thi quốc gia năm vừa qua đã cơ bản thực hiện được tinh thần Nghị quyết 29.
Phó giáo sư Bùi Thị An nhấn mạnh: “Giao kỳ thi về cho địa phương nhưng không khoán trắng mà Bộ phải giám sát chặt chẽ”. (Ảnh: Lại Cường) |
Với việc thi trên máy tính, Phó giáo sư Bùi Thị An hoàn toàn đồng ý với ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam rằng cần phải có lộ trình để thực hiện, làm thận trọng trên quy mô nhỏ để đánh giá và có lộ trình mở rộng dần.
Tinh thần là tạo điều kiện tối đa cho các cháu không có chuyện các cháu chưa quen với máy tính lại phải thi máy tính hoặc hay dùng loại máy tính này nhưng thi trên loại máy tính khác.
Tuy nhiên, bà An cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có phương thức để quản chặt thi cử nhằm đảm bảo kỳ thi được diễn ra nghiêm túc, an toàn, khách quan. Bà An nhấn mạnh: “Giao kỳ thi về cho địa phương nhưng không khoán trắng mà Bộ phải giám sát chặt chẽ”.
Cũng đồng tình với việc phân cấp mạnh hơn cho địa phương tổ chức thi trên cơ sở có một ngân hàng đề thi chuẩn hoá đủ lớn.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo) nhấn mạnh: “Địa phương sẽ phải chịu trách nhiệm về chất lượng kỳ thi (tính nghiêm túc, trung thực, an toàn,...) nói riêng và chất lượng nguồn nhân lực của địa phương.
Khi cơ quan Trung ương can thiệp vào nhiều thường thì địa phương ít chịu trách nhiệm và dễ đổ lỗi lại thiếu giải trình”.
Vị này cũng thừa nhận rằng, kỳ thi 2019 vừa qua xã hội tạm yên tâm trước cố gắng của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các địa phương và các trường tuy nhiên ông Vinh cho rằng, khâu xét tuyển đại học đang còn chưa thật sự hoàn thiện do một số trường xét tuyển các tổ hợp môn thi khá tuỳ tiện không phù hợp với ngành hay lĩnh vực đào tạo nhằm giành lợi thế cạnh tranh đầu vào...
“Vấn đề này chắc sẽ phải có bàn tay quản lý của nhà nước phối hợp cùng các nhóm trường để tránh mạnh ai người đó chọn tổ hợp các môn xét tuyển rồi lại phải can thiệp muộn”, ông Vinh khuyến cáo.