Giáo viên và gánh nặng đóng góp, ủng hộ

14/04/2017 05:30
Lê Xuân Chiến
(GDVN) - Đâu phải chỉ phụ huynh học sinh, giáo viên phổ thông cũng oằn lưng đóng góp, ủng hộ nhiều khoản theo kiểu tình nguyện... bắt buộc.

LTS: Hiện nay, với đồng lương giáo vốn đã thấp, các thầy cô giáo còn buộc phải đóng vô vàn các khoản ủng hộ, đóng góp mang danh là "tự nguyện".

Qua bài viết này, thầy giáo Lê Xuân Chiến phản ánh nỗi khổ tâm khó nói của các thầy cô và kiến nghị các cấp lãnh đạo lưu tâm để hạn chế tình trạng đóng góp "tự nguyện" một cách "bắt buộc".

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Đồng lương giáo viên vốn eo hẹp, lại ngày càng teo tóp bởi các khoản trừ trong bảng lương hằng tháng. 

Ngoài các khoản đóng theo quy định của nhà nước như Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, công đoàn phí, giáo viên còn phải đóng rất nhiều khoản khác theo kiểu “tự nguyện”... bắt buộc, “tự nguyện”... 100% tham gia. 

Giáo viên buộc phải đóng góp rất nhiều khoản tự nguyện. (Ảnh minh họa trên Vietnamnet.vn)
Giáo viên buộc phải đóng góp rất nhiều khoản tự nguyện. (Ảnh minh họa trên Vietnamnet.vn)

Có thể kể ra hàng loạt các khoản đóng góp, ủng hộ như: quỹ vì đồng nghiệp, quỹ cựu giáo chức (mặc dù còn lâu nữa mới về hưu), quỹ mái ấm công đoàn, quỹ trợ tang, quỹ ủng hộ nạn nhân chất độc da cam, quỹ ủng hộ bão lụt, quỹ bảo trợ trẻ em, quỹ ủng hộ gia đình chính sách, quỹ giao thông nông thôn, quỹ “thắp sáng vùng quê”, quỹ “ngân hàng bò”, quỹ ủng hộ xã kết nghĩa, quỹ hội chữ thập đỏ, quỹ khuyến học...

Rất nhiều khoản đóng góp, ủng hộ đến nỗi giáo viên không thể nhớ hết, tháng nào cũng phải đóng góp 1-3 khoản. 

Trong khi đó, ngoài lương, phụ cấp đứng lớp và phụ cấp thâm niên, giáo viên hoàn toàn không có khoản thu chính thức nào phát sinh trong bảng lương. 

Một số giáo viên dạy thêm do nhà trường tổ chức hoặc dạy thêm ở nhà (dạy chui) để cải thiện thu nhập. 

Sao nói "tự nguyện" mà dân cứ phàn nàn?

(GDVN) - Có một thực tế là, rất nhiều người cảm thấy thực sự bị ép buộc khi phải đóng những khoản "đóng góp tự nguyện".

Nhưng không phải giáo viên nào cũng thế, địa phương nào cũng thế. giáo viên dạỵ các môn khoa học xã hội, môn “phụ” không thể dạy thêm. 

Một số địa phương khó khăn, học sinh không có điều kiện đi học thêm (thậm chí còn đi vận động học sinh ra lớp).

Lương tháng của giáo viên bị trừ một cách vô tội vạ. Cứ cấp trên “phản xuống” là trường trừ lương giáo viên. Phần thì ngành giáo dục, công đoàn “vận động”, phần thì địa phương các cấp tỉnh, huyện, xã “vận động”. 

Gọi là “vận động”, “tự nguyện đóng góp” nhưng theo kiểu bắt buộc, “không ai được thoát”. 

Cứ cấp trên gửi công văn xuống hoặc Ban giám hiệu, Ban chấp hành công đoàn đi họp về, sau khi “tiếp thu chỉ đạo” là trừ lương của anh chị em giáo viên một cách... “tỉnh bơ”.

Có những khoản thông báo trước, trừ sau; có những khoản chưa kịp thông báo đã trừ. 

Thấy lương tháng này ít đi nhiều, đến văn phòng xem bảng lương thì giáo viên mới thấy những “xuất hiện” một vài khoản ủng hộ, đóng góp mới. 

Lẽ ra các khoản vận động ủng hộ, đóng góp ấy phải thông qua cuộc họp hội đồng sư phạm, lấy ý kiến của anh chị em giáo viên, phải được biểu quyết, nhất trí trong tập thể hội đồng. 

Lẽ ra mức đóng góp, ủng hộ phải tùy theo điều kiện, hoàn cảnh, mức thu nhập của từng người, trên tinh thần tự nguyện, chứ không phải “cào bằng” như nhau theo kiểu “trừ mỗi người 1 ngày lương”. 

Giáo viên và gánh nặng đóng góp, ủng hộ ảnh 2

Tự nguyện – Chiếc bánh có độc dành cho cha mẹ học sinh

Lương tăng nhỏ giọt, giá cả thì leo thang, hầu bao đã nhẹ lại bị teo tóp thêm vì các khoản “đóng góp”, “ủng hộ” la liệt, trùng điệp kia. 

Thật tội nghiệp cho những giáo viên trẻ, có mức lương thấp; giáo viên công tác xa nhà, phải thuê nhà trọ; giáo viên mà 2 vợ chồng công tác cùng trường. 

Trong đời sống, giáo viên cũng như bao người khác, cũng cơm áo gạo tiền với hàng trăm khoản chi cho “đối nội” (gia đình), “đối ngoại” (xã hội), cũng phải lo việc hiếu hỉ và nuôi con ăn học. 

Giáo viên có gia đình còn phải “đóng vai” phụ huynh, cũng phải đóng góp biết bao nhiêu khoản cho trường con mình học, trong khi đó lương tháng không tăng mà giảm, các khoản trừ trên bảng lương hàng tháng có xu hướng “phình ra”, dài thêm. 

Biết rằng con đường xã hội hóa các quỹ để phục vụ công ích, xã hội, dân sinh là cần thiết và viên chức phải có nghĩa vụ “gánh vác” một phần cùng xã hội. 

Nhưng thiết nghĩ, các khoản đóng góp, ủng hộ phải được bàn bạc thống nhất, dân chủ, hợp lý và có mức độ, tránh “tận thu” tùy tiện và lạm dụng như hiện nay. 
 
Cứ theo chỉ đạo của cấp trên mà “mặc định” trừ lương giáo viên để “hoàn thành” các quỹ, cứ dùng quyền nắm giữ “cái cán” tài chính để trừ “thẳng tay”, trừ “không cần hỏi”, đó là biểu hiện của thói quan liêu và sự vi phạm dân chủ trong nhà trường

Đã đến lúc chính quyền địa phương, lãnh đạo Sở, Phòng Giáo dục và Đào tạo cũng như nhà trường cần phải lưu tâm chấn chỉnh nghiêm túc vấn đề này.

Lê Xuân Chiến