Giáo viên không chịu lớn là do “chuột chạy cùng sào”?

26/04/2020 06:36
Cao Nguyên
0:00 / 0:00
0:00
(GDVN) - Xem câu nói “Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm” là chân lí thì quá khiên cưỡng!

Tranh cãi về giáo viên… không chịu lớn

Vừa qua hai bài viết Vẫn còn đó một bộ phận giáo viên không… chịu lớn (Lê Mai)và Có những giáo viên muốn… lớn cũng không được (Đăng Bình) thu hút sự quan tâm của bạn đọc trên Giáo dục Việt Nam.

Một số bạn đọc đồng tình với quan điểm của hai tác giả, bởi sự thực vẫn còn đó một bộ phận giáo viên… không chịu lớn – đó là những thầy cô gặp khó khăn, lúng túng, thậm chí là bảo thủ khi phải dạy học online.

PHAN LONG: “Lâu rồi mới thấy bạn viết, sự thật là vậy, nhưng đọc bài của bạn thấy thật quá, vạch áo cho người xem lưng, xót xa quá. 

Trường phổ thông chỗ tôi có nhiều giáo viên còn không biết tải bài nữa nói gì đến dạy trực tuyến. Buồn.”

LƯƠNG HOÀI MY:Tôi là cán bộ quản lý một trường tại thành phố, được mệnh danh là đất học. Qua mùa dịch này mới trình độ IT cũng như sức ỳ của giáo viên trường công quá lớn. Đã đến lúc giáo viên cần xem lại chính mình.”

Giáo viên cần phải tìm tòi, học hỏi khi dạy trực tuyến. (Ảnh minh hoạ: KT/VOV)
Giáo viên cần phải tìm tòi, học hỏi khi dạy trực tuyến. (Ảnh minh hoạ: KT/VOV)

Bên cạnh đó, nhiều bạn đọc cho rằng, ý kiến của các tác giả đưa ra là phiến diện, thiếu tổng hợp và phân tích xử lí số liệu dẫn đến kết luận quy chụp thiếu thuyết phục – có thể làm tổn thương đến nhiều giáo viên vốn dĩ đã chịu nhiều vất vả trong kì nghỉ phòng dịch Covid-19.

WINDY: “Bạn nên tìm hiểu sâu hơn vấn đề, nhất là nguyên nhân tại sao giáo viên không thể lớn để giúp đỡ, gỡ những vướng mắc mà thầy trò đang gặp phải, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa. 

Tôi cũng từng cố gắng học hỏi để thiết kế bài giảng, dạy trực tuyến nhưng kết quả không ra sao, chưa thể kiểm nghiệm việc dạy và học của học sinh như thế nào.

Vậy, khi viết báo nên đứng ở nhiều góc độ mà viết cho công bằng, có tính động viên, khích lệ.”

TRẦN THỊ THANH TÚ: “Tác giả bài viết đã thấy một minh chứng chân thật nào chưa mà có thể đưa ra một kết luận xem thường đồng nghiệp mình như vậy.

Tôi thấy đã là một giáo viên thì ai cũng có lòng tự trọng và không muốn người khác coi thường mình.

Ở trường tôi ai cũng rất cố gắng, nỗ lực học hỏi tiếp cận tất cả các phương thức dạy học để truyền đạt đến học sinh một cách nhanh nhất, thuận tiện nhất, hiệu quả nhất dù là giáo viên trẻ tuổi hay lớn tuổi.”

ĐÀM TRIỀU: Bài báo mang tính phiến diện, thiếu sự nhìn nhận tổng thể. 

Thứ nhất, điều kiện cơ sở vật chất của tất cả các trường đã đáp ứng việc dạy và học online chưa?

Thứ hai, giáo viên đã được đào tạo cơ bản công nghệ thông tin ứng dụng chưa? 

Thứ ba, tình hình dịch bệnh xuất hiện không đoán được, vậy đã “buộc họ phải làm chưa”?

Thứ tư, tác giả đã thực tế được bao nhiêu trường để lấy tư liệu mà chủ quan ý kiến?”

“Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm” là chân lí?

Trước hết, từ điển tiếng Việt định nghĩa “chân lí”: “sự phản ánh của sự vật hiệntượng của hiện thực vào nhận thức con người đúng như chúng tồn tại trong thực tế khách quan.” Ví dụ, tìm ra chân lí, bảo vệ chân lí…

Câu nói “Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm” có phải là “chân lí” theo nghĩa từ điển hay không?

Phát huy nội lực để thích ứng linh hoạt với công tác dạy học “thời Covid-19”
Phát huy nội lực để thích ứng linh hoạt với công tác dạy học “thời Covid-19”

Tôi là đời đầu của thế hệ 8X. Tốt nghiệp trung học phổ thông năm 1999, tôi làm hồ sơ thi vào các trường cao đẳng, đại học sư phạm (những năm này học sinh chỉ được phép thi 1 trường cao đẳng và 2 trường đại học) ở miền Trung và miền Nam.

Theo tìm hiểu của tôi, trước và sau thời điểm này, trường cao đẳng sư phạm trực thuộc tỉnh và trường đại học trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo đều lấy điểm sàn khoảng từ 24 điểm trở lên, trong đó một số trường nhân hệ số 2 đối với môn chính.

Năm 2004 tôi tốt nghiệp đại học và đi dạy cũng được nghe nhiều giáo viên thế hệ 7X nói rằng, thời thầy cô đi thi đại học sư phạm điểm chuẩn cũng cao như thế, có trường khoảng 7 điểm/môn mới đỗ.

Nhiều học sinh ở những thời điểm đó chen chân vào sư phạm bởi học ra trường được Nhà nước phân việc, còn về sau này thì sinh viên sư phạm được miễn học phí hoàn toàn nên tỉ lệ “chọi” rất cao.

Tiếp đến, học sinh thế hệ 9X và học sinh thi vào sư phạm trước năm 2016 thì điểm “sàn” cũng thường trên 24 (một số trường có nhân hệ số).

Tuy nhiên, đến năm 2017 có thí sinh thi chỉ đạt 9 điểm/3 môn nhưng vẫn đỗ cao đẳng sư phạm rải rác ở một số địa phương.

Cụ thể, điểm trúng tuyển của Trường Cao đẳng Sư phạm Lào Cai là 9,5; Cao đẳng Sư phạm Thái Bình, Cao đẳng Sư phạm Hà Nam đều lấy 10 điểm; Cao đẳng Sư phạm Nghệ An, Cao đẳng Sư phạm Bà Rịa - Vũng Tàu, nhiều ngành lấy điểm trúng tuyển là 10,5-10,75; Cao đẳng Sư phạm Bắc Ninh; Cao đẳng Sư phạm Gia Lai đều lấy 9 điểm. [1]

Nhưng đến năm 2018, 2019 tình trạng này tuyển sinh “vơ bèo vạt tép” này đã chấm dứt vì Bộ có quy định điểm “sàn” riêng cho ngành sư phạm.

Như thế, khẳng định câu nói “Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm” từ nhiều năm qua vẫn luôn là chân lí thì quá khiên cưỡng!

Vì sao có câu “Chuột chạy cùng sao mới vào sư phạm”?

Trước thời kì đất nước đổi mới (trước 1986), học sinh thi đỗ đại học là rất khó, trong đó có ngành sư phạm.

Và ngành sư phạm cũng chỉ xếp sau 3 ngành nên mới có câu “Nhất Y, nhì Dược, tạm được Bách khoa, qua loa Sư phạm”.

Câu nói “Chuột chạy cùng sao mới vào sư phạm” ra đời từ thời đó nhưng không có nghĩa là, không thi được ngành gì thì mới thi vào sư phạm hoặc học dốt nên mới làm thầy.

“Chuột chạy cùng sào” cũng như người thầy lương dạy học ba cọc ba đồng, cơm không đủ ăn áo không đủ mặc, nên phải làm nghề tay trái như làm nông, chăn nuôi, buôn bán nhỏ… để kiếm kế sinh nhai – tức là cùng đường.

Về sau này, khi ai cũng có thể vào đại học, cái danh sinh viên có khi rẻ như bèo thì câu “Chuột chạy cùng sao mới vào sư phạm” mới mang nghĩa hàm ẩn chỉ những kẻ học dốt, không biết học ngành gì thì mới thi vào sư phạm (tuy nhiên như đã nói, chỉ có năm 2017 ngành sư phạm mới tuyển 9 điểm/3 môn cho hệ cao đẳng).

Ngoài ra, tác giả bài viết viện dẫn, “có cô bỏ công hết ngày này đến ngày khác soạn bài, học thuộc để chuẩn bị quay video. Do năng lực có hạn nên bài soạn không đạt yêu cầu, thức cả đêm để học nhưng khi giảng vẫn nói vấp và run bần bật vì không thật sự tự tin”, cũng khiến nhiều bạn đọc không đồng tình vì nghe có vẻ thành kiến với giáo viên hơn là góp ý, để rồi đưa ra những giải pháp xây dựng.

TRẦN DŨNG PHƯƠNG: Nói thì dễ mà làm thì khó! Ngoài kiến thức, năng lực, giáo viên cần có trang thiết bị dạy học đầy đủ, liệu nhà trường đã đáp ứng tốt cho việc dạy online hay chưa? 

Ví dụ đơn giản việc thu âm thôi, sao cho to rõ, không lẫn tạp âm thì là cả vấn đề rồi... thử hỏi trường có phòng thu chưa? 

Nói thế để các bạn thấy việc đào tạo năng lực công nghệ cho giáo viên và cung cấp trang thiết bị phải có chiến lược lâu dài và bài bản! Đừng vội trách giáo viên “chưa lớn, không muốn lớn”, bởi vì rất nhiều thầy cô tâm huyết muốn “lớn” mà chưa được!

QUANG THIỆP: “Thời buổi Covid-19 này chúng ta nên chia sẻ những mối lo âu cho nhau thay vì đi soi xét nọ kia. Tại sao chúng ta không làm vậy? 

Tôi nghĩ là những người nào có tâm yêu học sinh thì mới chọn nghề giáo chứ không phải như câu nói “Chuột chạy cùng sao mới vào sư phạm” thời bao cấp đâu. 

Việc giảng dạy của giáo viên đứng lớp khác hoàn toàn so với đứng trước camera, vì ngoài kiến thức còn kỹ năng, bối cảnh, tương tác học sinh... [3]

Thay lời kết

Việc học online chỉ là giải pháp tạm thời trước mắt khi học sinh phải nghỉ học dài ngày để phòng dịch Covid-19.

Ngay cả ở Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều trường phổ thông hiện vẫn phải vừa dạy vừa chờ chỉ đạo thống nhất từ cấp trên.

Nhiều giáo viên cho biết, dạy học online chỉ mới mang lại hiệu quả khoảng 50-60% so với lớp học trực tiếp về cả lượng kiến thức và khả năng tương tác thầy - trò.

Mới đây, một tờ báo điện tử đã khảo sát “Bạn chấm điểm dạy học online thế nào? (thang điểm 10), thì cho ra kết quả: 9-10 điểm (7%); 7-8 điểm (14%); 6-7 điểm (27%) và dưới 5 điểm (52%). [4]

Cho nên, sau khi học sinh đi học trở lại, chắc chắn giáo viên sẽ dạy lại từ đầu, ngoại trừ phần kiến thức tinh giản của Bộ thì học sinh mới nắm bài toàn diện, hệ thống.

Ngoài ra, cũng qua kì nghỉ phòng dịch, thầy cô mới thấy rõ hơn vai trò của Tin học, tiếng Anh trong thời kì Công nghệ 4.0. Từ đó, người thầy phải cố gắng, bổ túc những kiến thức còn khiếm khuyết để không bị lạc hậu so với… học trò của chính mình.

“Thầy không chịu học thì lấy gì dạy học trò. Thầy thụt lùi làm sao trò tiến lên”, bạn đọc NITI bình luận.

Tài liệu tham khảo:

[1] //vtc.vn/giao-duc/9-diem-3-mon-do-su-pham-nghe-giao-chua-bao-gio-re-rung-the-ar341490.html

[2] //giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/van-con-do-mot-bo-phan-giao-vien-khong-chiu-lon-post208365.gd

[3] //giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/co-nhung-giao-vien-muonlon-cung-khong-duoc-post208641.gd

[4] //vnexpress.net/cham-diem-hieu-qua-hoc-online-4087374.html

Cao Nguyên