Phụ huynh phản ứng những khoản thu sai trong nhà trường là đúng.
Để những giờ học hiệu quả phụ huynh cần chung tay với thầy cô (Ảnh minh họa VTV) |
Nhưng ngay những khoản thu đúng, những khoản mà học sinh đi học phải có nghĩa vụ đóng theo quy định như:
Tiền học phí ở bậc trung học, tiền buổi 2 ở bậc tiểu học, tiền ấn phẩm, tiền bảo hiểm y tế…
Không ít phụ huynh hiện nay vẫn đóng dây dưa suốt cả năm học chưa xong.
Nhà trường phải nhắc nhở thầy cô. Thầy cô buộc phải đè nỗi bức xúc ấy lên học trò.
Dẫn đến tình cảm thầy trò cũng mất mát đi ít nhiều sau đó.
Thu đúng cũng “trầy da tróc vảy”
Địa phương tôi là nơi nhiều năm nay gần như chưa xảy ra chuyện lạm thu trong trường học ở 3 bậc học (mầm non, tiểu học và trung học cơ sở).
Số tiền học sinh phải nộp đầu năm chỉ hơn 1 triệu đồng/học sinh mà trong đó tiền 2 loại bảo hiểm đã chiếm hơn bảy trăm ngàn đồng.
Tất cả mọi khoản thu trong nhà trường hiệu trưởng không tự ý quy định mà đều được sự chỉ đạo thống nhất của phòng giáo dục, của chính quyền địa phương.
Bởi thế, mức thu của các trường trong toàn thị xã gần như giống nhau.
Dẫu vậy, công tác thu vẫn gặp không ít khó khăn vì một bộ phận phụ huynh bất hợp tác.
Người đóng dây dưa suốt năm.
Người cương quyết không đóng.
người phải để thầy cô dùng khá nhiều biện pháp với học sinh như gọi điện, tới nhà…rồi mới chịu đóng.
Chúng tôi từng gặp đủ những phụ huynh nhây nhưa về tiền bạc
Sau 1 tháng học, giáo viên chủ nhiệm nhiều trường học bắt đầu rà soát danh sách học sinh nộp tiền.
Khoản nào đóng đủ, khoản nào còn thiếu và bắt đầu lên kế hoạch đòi, nhắc nhở học sinh.
Trước cũng chỉ dặn nhỏ “Em về nói ba, mẹ đậu tiền…(tiền bảo hiểm, tiền buổi 2, tiền học phí…).
Có em hôm sau lên nộp, em vẫn chẳng thấy tăm hơi. Có thầy gọi điện trực tiếp phụ huynh.
Lần đầu còn thấy bốc máy hứa sẽ nộp sớm, những lần sau chuông đổ nhưng chẳng ai trả lời.
Giáo viên tự an ui, có lẽ người ta bận việc rồi sẽ gọi lại cho mình thôi.
Và, chờ không thấy, bấm nút gọi vẫn chỉ nghe tiếng chuông vang lên rồi tắt hẳn.
Có thầy giận quá nhắn tin nói dối rằng “Con em bị đau bụng, em đến trường ngay”.
Thế là chỉ mới mấy phút trước đó gọi điện không ai bắt máy, phụ huynh đã tất tả chạy ngay lên trường.
Có cô gọi cho phụ huynh lại luôn trong tình trạng “thuê bao của quý khách hiện không liên lạc được”.
Nhiều lần như thế mới hiểu rằng, có phụ huynh không muốn giáo viên làm phiền nên đã cho thầy cô một số điện thoại “ma” nào đó.
Nhắc học sinh không được, gọi điện cũng không xong, có thầy cô phải vào tận nhà để gặp phụ huynh trực tiếp.
Nộp tiền đúng thời gian quy định cũng gián tiếp cho con những giờ học tốt
Vài năm trở lại đây, nhiều trường học ở địa phương tôi không buộc giáo viên trực tiếp thu tiền nữa.
Thế nhưng, công việc đốc thúc học sinh nộp tiền đúng quy định, thầy cô cũng phải làm.
Thầy cô nào chẳng muốn đến trường với tâm thế vui tươi.
Bước vào lớp với ánh nhìn thân thiện, gần gũi với các em và vào giờ dạy với tâm thế thoải mái.
Thế nhưng những khoản tiền trò chưa nộp làm không ít thầy cô giáo chủ nhiệm không thể làm lơ.
Có thầy sau khi tế nhị nhắc nhỏ trò nhiều lần nhưng phụ huynh vẫn chưa chịu nộp, đã nêu tên trò trước lớp.
Trò bị nêu tên đương nhiên xấu hổ, bức xúc và mặc cảm. Có em tỏ ra ghét thầy cô ra mặt.
Có cô nhắc vào đầu tiết học, vào tiết sinh hoạt cuối tuần…đã làm nhiều hocj sinh khác (những em thực hiện tốt) bức xúc.
Chắc hẳn phụ huynh nào cũng muốn con mình sẽ không bị nêu tên trước lớp nhất là nêu tên chưa nộp tiền.
Phụ huynh nào chẳng muốn thầy cô đến lớp là dạy chứ không phải đòi tiền.
Phụ huynh nào chẳng mong con mình yêu thương và kính trọng thầy cô vì các em có tình cảm ấy sẽ nghe lời và học rất tốt.
Phụ huynh nào chẳng muốn thầy cô yêu quý con cái của mình.
Vì thế, chính phụ huynh hãy biết yêu thương, thông cảm cho giáo viên.
Phụ huynh hãy cố gắng giúp thầy cô hoàn thành nhiệm vụ (hay được gọi là công tác chủ nhiệm).
Có thế thầy cô mới không bị những chuyện chẳng đáng gì làm cản trở việc dạy và chăm sóc học sinh của mình.