Vào năm học mới, nhà trường, phụ huynh và người đi đường lại lo sợ, hãi hùng về “đội quân” học sinh phổ thông thường gây tai nạn, mất an toàn giao thông bằng phương tiện xe máy, xe đạp điện.
Mấy năm nay, điều kiện kinh tế phát triển, số học sinh bậc Trung học cơ sở, Trung học phổ thông từ thành thị đến nông thôn ở các địa phương đi xe đạp điện, xe máy điện, xe mô-tô, xe máy đến trường gia tăng đáng kể.
Số học sinh đi xe máy, xe máy điện không đúng độ tuổi, không đúng phân khối, không đăng ký, không bằng lái, không đội mũ bảo hiểm theo quy định của Luật Giao thông đường bộ khá nhiều, các cơ quan chức năng chẳng thể nào kiểm soát nổi.
Nhà cách trường có nửa cây số cũng đòi cha mẹ mua xe máy. Xe máy cũ nát được gia cố, độ chế tận dụng tối đa.
Tình trạng học sinh đi xe máy, vi phạm luật giao thông đang diễn ra ngày càng nhiều. Ảnh minh họa: VTV |
Đến giờ tan trường, các cổng trường hoặc các dịch vụ gửi xe đạp, xe máy gần trường, dòng xe máy, xe đạp điện của học sinh ùn ùn đổ ra gây ách tắc, nối đuôi nhau, tranh đua nhau chạy, những người lớn tham gia giao thông nhiều khi phải thót tim, kinh hồn và tìm cách dạt vào trong sát vỉa hè vừa để bảo đảm an toàn cho mình vừa để nhường đường các cô cậu học sinh…
Số vụ tai nạn giao thông do thanh thiếu niên, học sinh đi xe máy, xe mô tô gây ra ngày càng nhiều.
Thói đua đòi, bắt chước, muốn thể hiện, khoe mẽ của con trẻ cộng với sự dễ dãi, chiều chuộng con của phụ huynh là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thanh thiếu niên, học sinh lạm dụng đi xe máy, gây mất an toàn giao thông trên phạm vi cả nước hiện nay.
Trong vai trò, trách nhiệm của mình, ngành giáo dục, các đơn vị trường học, nhiều năm qua đã làm khá tốt công tác giáo dục, tuyên truyền về ý thức và văn hóa giao thông cho học sinh khi tham gia giao thông.
Đầu năm, mời công an giao thông về báo cáo, cho học sinh và phụ huynh ký cam kết về thực hiện an toàn giao thông.
Hằng tuần, nhà trường, thầy cô giáo trong tiết chào cờ, tiết sinh hoạt lớp cuối tuần, hoạt động ngoài giờ lên lớp… cũng dành thời gian nhắc nhở các em về vấn đề trên. Nhưng kết quả đạt được vẫn còn khiêm tốn lắm.
Khi bước ra đường, các em lại hành động hoàn toàn khác, bất chấp tất cả, đi xe máy không phép, không đội mũ bảo hiểm, lạng lách, đánh võng, phóng nhanh vượt ẩu…kể cả khi gặp thầy cô giáo trên đường.
Mỗi năm học, có nhiều em vi phạm giao thông nhưng nhà trường lại hiếm hoi nhận được thông báo xử lý của công an.
Có thể nói, nhà trường, giáo viên hiện nay thật sự đau đầu, nhức nhối, bất lực trước vấn nạn học sinh ý thức, văn hóa giao thông sa sút, yếu kém.
Nhiều ông bố, bà mẹ đang dạy con coi thường pháp luật |
Để con đường giáo dục tuyên truyền, tác động đến nhận thức, chuyển hóa thành hành động, thói quen ở giới trẻ, học sinh hiện nay có hiệu quả lâu dài là cả một vấn đề nan giải.
Ở nhà thì cha mẹ dễ dãi, muốn gì được nấy. Bước ra đường, tham gia giao thông, các em chứng kiến vô vàn những điều lệch lạc, tiêu cực của xã hội, công cụ pháp luật bị khinh nhờn.
Người lớn thiếu gương mẫu chấp hành, khi sai phạm thì giở thói xin xỏ, chạy chọt…
Lực lượng cảnh sát, thanh tra giao thông, đại diện cho công lý, pháp luật, khi thực hiện nhiệm vụ, nhiều nơi lại hời hợi, dễ dãi, xử lý không nghiêm….
Chúng tôi cho rằng công tác tuyên truyền giáo dục an toàn giao thông tại các nhà trường cần tiếp tục được tăng cường, đẩy mạnh hơn nữa bằng nhiều hình thức phong phú, trực quan.
Bên cạnh đó, là sự quan tâm sâu sát của các bậc phụ huynh đến việc đi lại của con em mình, không nên mua hoặc giao xe máy cho con em khi các em chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe.
Điều quan trọng hơn, có tác dụng lớn hơn là công tác tuần tra, xử lý vi phạm an toàn giao thông của lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông cần phải thường xuyên, đồng bộ, đúng quy định pháp luật và kịp thời gửi thông báo về nhà trường để thầy cô giáo có biện pháp giáo dục, xử lý tiếp theo đối với những học sinh vi phạm giao thông theo Điều lệ trường phổ thông.
Mọi cảnh sát, thanh tra giao thông đều nói không với tiêu cực, xử phạt nghiêm minh tất cả đối tượng, không “du di” bất kỳ ai thì ai dám (trong đó có học sinh) khinh nhờn pháp luật?
Thực tế cho thấy, nơi nào có cảnh sát thường xuyên tuần tra, xử lý sai phạm đúng luật thì nơi ấy công tác an toàn giao thông được bảo đảm.
Đến giờ tan trường, có vài công an giao thông làm nhiệm vụ đứng trước hoặc gần cổng trường, em nào đi xe máy, em nào không đội mũ bảo hiểm… đều xử lý nghiêm, tôi tin rằng chỉ sau một tuần chuyện học sinh vi phạm sẽ chuyển biến tốt.
Giới trẻ - học sinh bây giờ thường nhìn vào thực tế để suy nghĩ và hành động.