Ba nỗi lo lớn nhất về học sinh trong năm học mới của thầy Đỗ Tấn Ngọc

21/08/2017 06:34
ĐỖ TẤN NGỌC
(GDVN) - Cần xây dựng, hình thành ở mọi người, nhất là đối tượng thanh thiếu niên, học sinh, thói quen có ý thức văn hóa, lối sống văn minh và trách nhiệm.

LTS: Hiện nay tình trạng bạo lực học đường, học sinh vi phạm pháp luật... đang có chiều hướng gia tăng và diễn biến ngày một phức tạp.

Trước thềm năm học mới, thầy Đồ Tấn Ngọc – một cây bút quen thuộc của Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam có bài viết mới: 3 nỗi lo nhất về học sinh trong năm học mới. 

Tòa soạn trân trọng mời quý bạn đọc theo dõi bài viết.

1. Bạo lực học đường

Năm học 2016-2017, bạo lực học đường đã gây ra những nỗi bức xúc trong dư luận xã hội với hàng loạt vụ học sinh đánh nhau hội đồng rồi tung lên mạng. 

Điểm qua một số vụ tiêu biểu, sáng 5/10/2016, một video dài gần 1 phút 40 giây xuất hiện trên mạng xã hội, trong đó ghi lại cảnh hai nữ sinh bị đánh hội đồng bằng dép, còn đối phương dùng chân đạp liên tiếp vào người nạn nhân như phim hành động.

Theo kết quả xác minh, có 8 nữ sinh, trong đó 6 nữ sinh lớp 9 Trường trung học cơ sở Quỳnh Long đánh 2 nữ sinh Trường trung học cơ sở Quỳnh Thuận, Quỳnh Lưu, Nghệ An.

Sự việc cũng đã được báo cáo với chính quyền địa phương. Phụ huynh 6 nữ sinh Trường trung học cở sở Quỳnh Long đã đến thăm, động viên, xin lỗi và trấn an tâm lý 2 nữ sinh Trường trung học cơ sở Quỳnh Thuận.

Tại tỉnh Thanh Hóa, một đoạn clip được tung lên mạng xã hội ghi lại cảnh 1 nữ sinh bị 2 bạn nữ khác tát, đá vào mặt khiến cô gái bất tỉnh tại chỗ.

Các học sinh được xác định đang học tại Trường trung học phổ thông Cẩm Thủy 3 (huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa). Nguyên nhân ban đầu do nảy sinh mâu thuẫn giữa hai bên nên các em này liên tục tổ chức gây gổ đánh bạn. 

Tại thời điểm hai nữ sinh này đánh bạn như trong video, nhà trường cũng đang cho họp hội đồng để đưa ra hình thức kỷ luật 2 em học sinh này. Bởi, trước đó 2 em này cũng vừa có hành vi đánh nhau.

Chính vì chung hình thức kỷ luật kép nên nhà trường quyết định đình chỉ học 1 năm đối với hai học sinh này.

Ba nỗi lo lớn nhất về học sinh trong năm học mới của thầy Đỗ Tấn Ngọc ảnh 1

Khi trẻ gây mâu thuẫn ở trường, cha mẹ cần làm gì?

Vào ngày 24/10, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn video cho thấy nhóm học sinh gồm 5 em đánh đập một nam sinh rất dã man khiến em này phải khóc lóc van xin. 

Chưa hết, một trong số nam sinh kia còn tè bậy trước mặt nạn nhân khiến nhiều người phẫn nộ. 

Các học sinh tham gia đánh bạn đều là học sinh lớp 7A của trường trung học cở sở Minh Tân (Kinh Môn, Hải Dương). 

Trong đó, em L. bị đánh dưới sự chỉ đạo của 2 học sinh lớp 11 của hai trường trung học phổ thông khác trên địa bàn.

Theo bản tường trình, hàng ngày em P.V.L phải nộp 5 - 6 nghìn đồng để một nhóm học sinh khác ăn sáng. 

Ngày 10/10, do không có tiền đóng nên L. bị một nhóm học sinh cùng trường tổ chức đánh hội đồng dưới sự chỉ đạo của hai nam sinh ở trường trung học phổ thông trên địa bàn. 

Những mâu thuẫn, xích mích của các em học sinh ở lứa tuổi mới lớn đã dẫn đến việc đánh nhau là điều khó tránh khỏi. 

Vấn đề quan trọng ở chỗ, nhà trường - gia đình - chính quyền cần có trách nhiệm phối hợp, tuyên truyền, giáo dục, sớm ngăn chặn và xử lý kịp thời những sự việc xảy ra để giảm thiểu bạo lực học đường, giúp cho môi trường giáo dục an toàn, thân thiện hơn. 

Năm học mới, 2017-2018 đang đến rất gần, với trên 20 triệu học sinh phổ thông cả nước, chúng ta hy vọng rằng, vấn nạn bạo lực học đường sẽ bớt bức xúc, công tác phối hợp giữa gia đình - nhà trường - chính quyền sẽ có hiệu quả cao hơn, thực chất hơn.

2. Mất an toàn khi tham gia giao thông

Mấy năm gần đây, điều kiện kinh tế phát triển, số học sinh bậc Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông ở các tỉnh thành đi xe đạp điện, xe máy… đến trường gia tăng đáng kể. 

Số học sinh đi xe máy, xe máy điện không đúng độ tuổi, phân khối; thiếu đăng ký, bằng lái, mũ bảo hiểm, chở hai, chở ba người khiến các cơ quan chức năng địa phương phải đau đầu, chưa thể kiểm soát được. 

Ba nỗi lo lớn nhất về học sinh trong năm học mới của thầy Đỗ Tấn Ngọc ảnh 2

Quyết liệt đảm bảo trật tự an toàn giao thông

Thời điểm mất an toàn giao thông, nhiều người lớn tham gia giao thông lo sợ nhất là giờ tựu trường và tan trường.

Ở các cổng trường hoặc các chỗ gửi xe, dòng xe máy, xe đạp điện của học sinh nối đuôi nhau cùng với những hành động đùa giỡn, lạng lách, đi ẩu, phóng nhanh…

Số vụ tai nạn giao thông do thanh thiếu niên, học sinh đi xe máy, xe đạp điện gây ra ngày một gia tăng, và ở địa phương nào cũng có. 

Ý thức hạn chế, thói đua đòi, bắt chước, muốn thể hiện mình cùng với sự chiều chuộng con cái của các bậc phụ huynh là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng mất an toàn giao thông, vi phạm Luật đường bộ khi bước vào năm học. 

Năm học 2018-2019, được dự báo số lượng học sinh đi xe máy, xe đạp điện đến trường sẽ ngày càng nhiều và phổ biến hơn. 

Không có cách nào khác, công an địa phương, nhà trường cần phải tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phối hợp với gia đình để kiểm tra, nhắc nhở và kiên quyết xử lý, giam xe, phạt tiền, hạ bậc hạnh kiểm… đối với những em vi phạm Nội quy nhà trường, Luật giao thông đường bộ. 

3. Ý thức bảo vệ của công hạn chế

Tình trạng học sinh phổ thông lâu nay viết, khắc, vẽ những nội dung bậy bạ, thể hiện bạo lực, khiêu dâm, những chữ thô tục.... lên bàn, ghế, tường, cổng, ngõ, sách vở... dường như trường học nào cũng có, thậm chí nhiều vô kể. 

Bàn, ghế đóng mới chuyển vào lớp, chỉ sau một thời gian ngắn, đã mang trên mình đầy "thương tích", bầm đen chín đỏ, chỗ đục, chỗ khoét.... 

Trên tường vôi trắng, hoặc sơn màu đẹp đẽ, chẳng mấy chốc bị làm bẩn bằng các dòng chữ, hình vẽ mà những người lớn chợt đọc, chợt nhìn đã thấy xấu hổ và lạnh tóc gáy, huống chi là các em cùng trang lứa. 

Ảnh chân dung nhà bác học, nhà văn... được minh họa trong sách giáo khoa, nhưng nhiều em, nào có để cho yên.

Ba nỗi lo lớn nhất về học sinh trong năm học mới của thầy Đỗ Tấn Ngọc ảnh 3

Chương trình mới đã tính đến cơ sở vật chất, đãi ngộ nhà giáo chưa?

Người thì bôi bẩn. Người thì cào cấu, đến rách nát. Người thì thêm râu, thêm lông mày, từ hiền lành, nho nhã bỗng thành hung dữ...Các em thích là vẽ, là viết một cách vô ý thức. 

Vở ghi chép càng lên lớp lớn lại càng lôi thôi, cẩu thả, nhàu nát, một vở ghi năm, bảy môn, đằng sau, mặt trước đầy lời lẽ yêu đương đắm đuối... 

Các nhà trường phổ thông, lâu nay, rất "đau đầu" trước tình trạng học sinh không có ý thức bảo quản, giữ gìn tài sản, của công, cứ thay nhau "tàn phá" không thương tiếc cơ sở vật chất, bàn ghế, quạt điện, các thiết bị dạy và học... 

Nhà vệ sinh trường học nhanh xuống cấp, hư hỏng, các thiết bị trở nên hôi hám, bẩn thỉu… một phần là do ý thức sử dụng của nhiều học sinh chưa tốt. 

Nhà trường có thuê người quét dọn, lau chùi nhà vệ sinh hằng ngày nhưng không thể nào làm xuể, làm sạch trước việc nhiều em thiếu ý thức, xả bừa bãi….

Các nhà trường vẫn thường xuyên nhắc nhở, "đe" các em về những việc làm vô ý thức đó, nhưng chưa có chuyển biến bao nhiêu. 

Vì vậy, nhiều nhà trường hằng năm phải bỏ ra một khoản kinh phí không nhỏ để sửa chữa, thay thế, mua mới cơ sở vật chất, thiết bị dạy học do chính các em phá hỏng.

Xây dựng, hình thành ở mọi người, nhất là đối tượng thanh thiếu niên, học sinh, thói quen có ý thức văn hóa, lối sống văn minh mà trước hết là việc hình thành ý thức trách nhiệm, biết tự giác gìn giữ, bảo quản tài sản công cộng, trường học.

Đừng tưởng đây là chỉ những chuyện nhỏ. Nói thì dễ nhưng làm cho được thì không hề dễ. Cần có những biện pháp đồng bộ và thường xuyên.

ĐỖ TẤN NGỌC