LTS: Phản ánh thực tế vẫn còn có giáo viên dạy cho học trò theo kiểu "học vẹt", "học tủ", cô giáo Đỗ Quyên chỉ ra những hậu quả ảnh hưởng đến học sinh đằng sau việc này.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Sau mỗi môn thi, câu hỏi mà không ít học sinh dùng để hỏi nhau là “ôn có trúng tủ không?”.
Người mặt mày tươi rói vì nói mình trúng tủ, người méo xệch bởi “tủ đè”.
Điều đáng nói, không chỉ học sinh mới học tủ mà vẫn còn khá nhiều giáo viên chọn cách “dạy tủ” cho học sinh.
Học tủ học vẹt khiến người buồn kẻ vui. (Ảnh minh họa: Vtv.vn) |
Vậy học tủ là gì? Sao lại được áp dụng nhiều thế?
Học tủ là cách chọn lọc những kiến thức quan trọng, cần thiết mà mình tự phỏng đoán sẽ được ra trong đề thi để học.
Những kiến thức này, học thật kĩ và học đến thuộc lòng. Cách học này mang tính may rủi rất cao.
Nếu trúng tủ có thể sẽ được điểm cao chót vót nhưng lệch tủ (nói vui là tủ đè) có thể gây ra những hậu quả đáng buồn như không làm được bài, làm sai hoặc để nguyên giấy trắng.
Đây là cách học mang tính đối phó cao nhưng lại được khá nhiều học sinh và cả giáo viên áp dụng.
Học sinh vì lười học nên học tủ để nhờ may rủi còn giáo viên dạy tủ với mong muốn (nếu trúng tủ) học sinh đạt điểm cao hơn so với năng lực các em hiện có và điều đặc biệt để nâng cao uy tín, kéo nhiều học sinh về lớp học thêm của mình.
Những môn thường được chọn học tủ nhiều nhất là các môn học thuộc lòng như Lịch sử, Địa lý, Văn…
Có phụ huynh nào biết con em mình đang phải làm gì dưới mái trường không? |
Người viết bài đã gặp không ít giáo viên thường dạy tủ và một điều đáng ngạc nhiên rằng họ cũng đã rất thành công vì may mắn.
Cô H là giáo viên dạy văn một trường trung học cơ sở trong thị xã.
Lớp học thêm của cô bao giờ cũng đông bất thường mà đặc biệt là thời gian ôn thi tốt nghiệp lớp 9 (trước đây) và ôn thi vào 10.
Học trò kháo nhau rằng, cô có tài đoán đề, đoán đâu trúng đấy.
Thế nên dạy Văn, cô không dạy cho học sinh kĩ năng làm văn, kĩ năng phân tích đề, lập dàn bài sơ lược rồi dàn bài chi tiết, tìm dẫn chứng minh họa, cách chuyển câu, chuyển ý sao cho hay, hợp lý.
Học trò đến lớp học thêm của cô chỉ có mỗi một việc chép bài cô đã làm sẵn đến sái tay về học thuộc và hôm sau trả bài.
Một mùa ôn thi, cô cho chừng vài chục bài như thế. Phải nói, học sinh nào cũng kêu ca chép mệt, học mệt.
Thế nhưng sau khi thi về, em nào em nấy mặt mày đều rạng rỡ, hớn hở vì “trúng y đề cô dạy”.
Thế là điểm văn học trò học với cô đạt được luôn ở mức cao so với nhiều môn học khác.
Tiếng lành càng đồn xa, và lượng học sinh xin được học cô ôn thi ngày một đông.
Có đồng nghiệp hỏi cô “chị dạy tủ như thế không sợ trượt tủ thì sao?”.
Cô luôn tự tin mà rằng: “Trượt thế quái nào được. Mình phải tin vào năng lực của mình, tin vào sự phán đoán cách ra đề. Bằng chứng là, bao năm rồi có trượt gì đâu”.
…Ngã về không
Kì thi vào lớp 10 năm ấy, học sinh của trường học nơi cô giảng dạy bỗng “chấn động” khác thường vì lần đầu tiên học trò đi thi về không trúng tủ đề văn như cô giáo ôn.
Tiếng bàn ra, tán vào, tiết oán trách, xuýt xoa tiếc nuối, những tiếng thở dài nghe đến não ruột.
Có em nói mình viết nhăng viết cuội vì không hiểu đề.
Em nói rằng mình làm lạc đề, viết nguyên cái đề gần giống vào biết đâu người chấm thương công chép mà nương tay.
Em lại nói mình để giấy trắng vì đến viết lung tung cũng không có gì để viết.
Ngày nhận kết quả điểm Văn, điểm thấp đến bất thường so với nhiều năm trước đây.
Đã có những em lĩnh trọn điểm 0, em chỉ đạt 0.5, rồi 1, 1.5… họa hoằn lắm mới có em đạt được mức điểm khá.
Nhiều người tỏ ra bất ngờ vì chất lượng học sinh đạt được. Người ta lý giải nguyên nhân do học trò lười học nên chất lượng không cao.
Nói thế để lý giải trong các bản báo cáo gửi lên cấp trên chứ ai cũng biết đó chính là hậu quả của việc dạy tủ, dạy cho học sinh kiểu học vẹt, dạy kiểu “mớm cung” nhằm mang lại điều lợi trước mắt cho chính mình.