Câu chuyện về phong trào “Kế hoạch nhỏ” học sinh phải nộp vỏ lon bia, giấy vụn đang thu hút sự quan tâm của dư luận.
Người ủng hộ thì cho rằng việc làm này rèn cho học sinh tính tiết kiệm, biết giữ gìn vệ sinh môi trường.
Bên cạnh đó, tổ chức đội trong trường học cũng có một khoản tiền giúp bạn nghèo, Hội đồng đội cấp trên có thêm khoản kinh phí để hỗ trợ cho các công trình măng non…
Lớp học thành vựa đồng nát, giáo viên thành chủ ve chai |
Người không ủng hộ vì cho rằng, việc thu nộp vỏ lon sẽ dẫn đến nhiều hình ảnh không đẹp thậm chí xảy ra những tiêu cực không đáng có.
Điển hình như trẻ không có vỏ lon đi ăn cắp, đi xin, đứng canh, chờ ở một số quán nhậu để giành giật nhau. Thậm chí về nhà bắt ba mẹ uống bia để có đủ số vỏ lon để nộp.
Câu chuyện từ phụ huynh
Một cô bé hàng xóm học lớp 1 buổi sáng khóc ngặt nghẽo không chịu đến lớp.
Tiếng ba mẹ nạt nộ, cáu gắt càng làm cô bé khóc lớn hơn.
Hỏi ra mới biết “Cô giáo nói nộp 30 vỏ lon nhưng tìm cả nhà chỉ được 15 vỏ”. Cuối cùng, mẹ cô bé phải chạy qua hàng xóm xin cho đủ, lúc này bé mới chịu đi học.
Các em đội viên nộp giấy vụn, vỏ lon bia...(Ảnh có tính chất minh họa huyện đoàn Bình Sơn) |
Một phụ huynh khác kể “Cả nhà đi chơi Tết, ai cũng mặc quần áo đẹp nhưng cậu bé lớp 2 bắt dừng xe để nhặt vỏ lon về nộp.
Vì muốn nộp nhiều nhất lớp, con thủ tiêu tiền mừng tuổi, ra vựa ve chai mua rồi mang đến lớp nộp để được cô giáo khen”.
Cũng phụ huynh này kể tiếp “Có một năm, cô con gái nhỏ gom nhặt được vỏ lon khá nhiều.
Cu em (ít hơn chị 9 tuổi), lấy ra chơi, đổ hết cả bia, nước ngọt dư vào quần áo vào cả nhà hôi chua kinh khủng. Bà nội thì không biết cháu phải nộp vỏ lon, thấy bề bộn nên mang ra bán ve chai.
Ui chao ơi! Một già, một trẻ... tui ở giữa đến khổ. Trong khi đó, bố cháu thì không uống bia. Vậy là mới năm mới, tui phải điện thoại bạn khẩn để xin kẻo họ cũng hết thì không lấy đâu mà đền cho con được.
Có người kể, con gom hết cả giấy tờ, sổ ghi chép mua bán của mẹ đi nộp, trong đó có kẹp cả mấy triệu đồng, rồi cả sổ đỏ may được cô giáo phát hiện gọi phụ huynh đến xin lại.
Có em về suốt ngày hối thúc ba uống bia để có vỏ lon, em lại lén lút mang bia ra đổ vì chưa đủ số lượng lon theo quy định.
Một số em khác lấy tiền của ba mẹ ra hàng đồng nát mua. Tiền bỏ ra mua 7 ngàn đồng/kí giấy nhưng nhà trường chỉ bán được có 2 ngàn đồng.
Có phụ huynh bức xúc nói rằng “Có ai thấy cảnh nộp giấy với lon chưa? Em thấy tận mắt rồi không khác gi cảnh vựa ve chai.
Thầy ngồi cầm sổ xem kí, cô giáo sợ dơ quần áo không dám ôm.
Học sinh ôm vác như phu bốc vác, rớt đổ tùm lum. Cân xong, nhìn lại học sinh y chang tụi nhỏ móc bọc người nhem nhuốc, lấm lem”.
Chỉ tiêu Kế hoạch nhỏ đang biến nhiều học sinh thành đồng nát, ve chai |
Phần lớn phụ huynh đều bất bình với kiểu quy định nộp vỏ lon như thế. Còn giáo viên thì sao?
Câu chuyện từ giáo viên
Với những trường, không đưa ra chỉ tiêu bắt buộc số lượng vỏ lon hoặc giấy vụn, giáo viên sẽ không bị áp lực nhiều.
Cái khổ nhất là ngày nào thầy cô cũng phải thu, đếm, cất giữ vì đa phần các em nộp rải rác trong tuần.
Với trường, áp chỉ tiêu vỏ lon từng học sinh phải nói là “cực hình” với giáo viên.
Bởi, phần lớn thầy cô sợ lớp chủ nhiệm tụt hạng bản thân mình cũng bị đánh giá thi đua.
Thế nên, thầy cô phải áp chỉ tiêu (thường cao hơn bình thường để em nhiều bù em ít).
Giáo viên phải liên tục nhắc nhở học sinh chưa nộp, thậm chí còn gây áp lực với chính học sinh.
Có cô dọa rằng “Nếu ngày mai ai không nộp vỏ lon thì hôm sau phải nộp gấp đôi số lượng quy định”.
Có cô lại gom hết sách vở, giấy báo cũ ở nhà, có thầy không ép buộc học sinh nộp mà lấy tiền túi hoặc quỹ lớp ra ngoài vựa ve mua và nộp cho trường để lấy chỉ tiêu cho lớp.
Trăm phương ngàn kế để đạt chỉ tiêu theo yêu cầu. Với những việc làm ấy, ý nghĩa tốt đẹp của phong trào “Kế hoạch nhỏ” có còn không?