LTS: Đưa ra góc nhìn của mình về việc bổ nhiệm cán bộ quản lý trường học hiện nay, tác giả Thạch Hoài Lam đã có bài viết chia sẻ.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Bổ nhiệm quản lý là công việc thường xuyên của cơ quan chức năng nhằm đảm bảo sự hoạt động của nhà trường luôn được trôi chảy, thông suốt.
Bổ nhiệm được một cán bộ quản lý vừa có “Tâm”, có “Tầm”, hội đủ mọi tiêu chuẩn thì đó là một thành công và ngược lại…
Nhưng, việc bổ nhiệm cán bộ quản lý trường học hiện nay bộc lộ nhiều bất cập mà chúng ta cần phân tích, lý giải để mọi người “tâm phục khẩu phục” khi bổ nhiệm.
Công tác bổ nhiệm cán bộ quản lý (Ảnh minh họa: tuyengiao.vn). |
Trước hết, nguồn cán bộ quản lý là những giáo viên tích cực, có năng lực về chuyên môn lẫn năng lực sư phạm; có thời gian công tác nhất định để có sự trải nghiệm, có kinh nghiệm (thường làm Tổ trưởng hoặc giáo viên giỏi).
Để chuẩn bị nguồn, những tổ trưởng, giáo viên này được cử đi học những lớp trung cấp chính trị, lớp quản lý để đảm bảo “đủ chuẩn” bổ nhiệm sau này.
Nhưng thực tế đã chứng minh, không phải ai cũng làm được công tác quản lý. Những giáo viên dạy giỏi, dạy có nhiều thành tích chưa hẳn đã là người quản lý giỏi.
Ngược lại, những giáo viên có chuyên môn “thường thường bậc trung” nhưng lại có năng khiếu về công tác quản lý, có năng lực quản lý.
Vì vậy, nhiều khi tôi tiếc cho một tổ trưởng bộ môn Văn, đang từng bước “lên” trong phong trào dạy học sinh giỏi, có nhiều học sinh đạt thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia bỗng một ngày đẹp trời, thầy được trên “lưu ý” và bổ nhiệm làm hiệu trưởng một trường vùng sâu.
Phong trào dạy học sinh giỏi của trường kia bỗng chững lại bởi không có người dẫn dắt, vì lớp giáo viên sau chưa kịp bắt nhịp với lớp giáo viên đi trước.
Ngược lại, thầy chỉ quen dạy học sinh trên lớp, chưa thuần thục với công tác quản lý vốn rất cần một tư duy khác nên phong trào của trường mình không đi lên được mấy.
Năng lực Ban giám hiệu quyết định đến chất lượng giáo dục mỗi nhà trường |
Như vậy trường A. (tạm gọi như vậy) thiếu mất một tổ trưởng tài năng mà trường B (nơi thầy làm hiệu trưởng) lại có một người làm cán bộ quản lý ở mức “tầm tầm”…
Người làm tốt công tác quản lý, trước hết thì không cần phải là giáo viên giỏi, tổ trưởng giỏi (mức khá là được) mà điều quan trọng là người nói đi đôi với làm; luôn xông xáo, đặt quyền lợi tập thể lên trên hết; không vụ lợi, vun vén cá nhân, có uy tín cao với tập thể và phải có tính quyết đoán và dân chủ trong công việc.
Cũng có người vừa dạy giỏi vừa làm công tác quản lý giỏi nhưng khá hiếm! Do đó, khi bổ nhiệm cán bộ quản lý, thông thường bước đầu tiên là lấy phiếu tín nhiệm của tập thể giáo viên, nhân viên.
Nhưng, việc lấy phiếu này chỉ mang tính chất tham khảo vì có khi người làm được việc nhưng thường nguyên tắc, luôn nghiêm khắc với khuyết điểm của giáo viên thì có tỷ lệ phiếu thấp. Người thường dễ dãi, luôn bỏ qua mọi lỗi lớn nhỏ của giáo viên thì có tỷ lệ phiếu đồng ý cao…
Bổ nhiệm cán bộ quản lý là một việc hệ trọng, liên quan nhiều mặt đến mọi hoạt động, mọi phong trào của nhà trường. Bổ nhiệm những người năng nổ, có tài có đức để gánh vác công việc chung.
Cũng cần đề phòng nạn “chạy ghế” bằng mọi hình thức, để sau này khi có “ghế”, họ sẽ tìm mọi cách để “thu hồi vốn” vì lúc này, hiệu trưởng là “chủ tài khoản” nên rất dễ xảy ra hiện tượng thiếu minh bạch trong việc thu chi…