Trước vấn đề này, trao đổi với phóng viên Điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Phạm Thị Kiều Oanh - Giáo viên dạy môn Ngữ văn, hiệu Trưởng Trường Trung học sơ sở Hà Lộc, thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ, chia sẻ: “ Với kinh nghiệp giảng dạy trong nhiều năm thì tôi thấy các em phải xây dựng lộ trình ôn tập phù hợp, với môn Ngữ văn thì nên chia ra 3 giai đoạn.
Thứ nhất là trang bị kiến thức và kỹ năng cơ bản, đây là giai đoạn được thực hiện trong suốt năm học, có thể coi là cái gốc kiến thức.
Thứ hai là ôn luyện trong từng chuyên đề, khi học sinh đã có hệ thống kiến thức, kỹ năng cơ bản thì nên xây dựng chuyên đề theo các đơn vị kiến thức, ví dụ ôn luyện về phần Tiếng Việt, phần đọc hiểu văn bản và tập làm văn.
Cô Phạm Thị Kiều Oanh: "Kiến thức thi vào lớp 10 trung học phổ thông thì trọng tâm vẫn là chương trình Ngữ văn lớp 9, nội dung thi ở cả 3 phân môn là Văn, tiếng Việt và tập làm văn. Cũng có một chút của Ngữ văn lớp 8 nhưng không nhiều": Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
Trong từng phân môn đó lại có những chuyên đề nhỏ như đọc hiểu văn bản được chia thành những tác phẩm, đề tài, chủ đề, giai đoạn hoặc theo thời kỳ văn học.
Các em cần nắm chắc để củng cố nâng cao kiến thức, đặc biệt sẽ xâu chuỗi hệ thống kiến thức để khi viết văn mới có được cái nhìn toàn diện, kiến thức mở rộng thì bài làm mới đạt kết quả tốt.
Khi phân tích một tác phẩm thì không phân tích độc lập từng đơn vị kiến thức mà các em cần phải có một cái nhìn rộng hơn để thấy được sự phát triển, phong phú, đa dạng, sáng tạo của tác giả cũng như các tác giả khác trong cùng một giai đoạn, một thời kỳ.
Thứ ba là luyện đề, có thể gọi đây là giai đoạn nước rút, nhất là có sự thay đổi như năm nay, vậy nên các em tập trung vào luyện cấu trúc đề thi.
Các em cần tìm hiểu nguồn tư liệu từ giáo viên cung cấp cũng như các trang mạng về văn học, đọc và viết thật nhiều, việc này rất có ích khi viết văn nghị luận xã hội cũng như nghị luận văn học.
Cần hệ thống hóa kiến thức bằng cách vẽ sơ đồ tư duy, đối với môn Ngữ văn thì việc hệ thống hóa kiến thức theo 3 phân môn là Văn, Tiếng Việt và tập làm văn.
Với mỗi phân môn này các em nên dùng giấy nhớ, với mỗi một tác phẩm văn học nên ghi lại những kiến thức cơ bản về nội dung, nghệ thuật, hoàn cảnh sáng tác.
Khi đọc ở đâu có nguồn tư liệu hay, một câu nhận định tốt…thì các em lại viết tiếp vào giấy nhớ đó và có thể dùng giấy A4 làm giấy nhớ. Cứ tích cóp dần trong suốt một quá trình, có câu hay hoặc ý phân tích nào hay thì các em nên tô mầu cho dễ nhớ”.
Cần hệ thống hóa kiến thức bằng cách vẽ sơ đồ tư duy, đối với môn Ngữ văn thì việc hệ thống hóa kiến thức theo 3 phân môn là Văn, Tiếng Việt và tập làm văn. Ảnh minh họa: T.D. |
Lưu ý khi ôn tập
Cô Oanh cho biết: “Kiến thức thi vào lớp 10 trung học phổ thông thì trọng tâm vẫn là chương trình Ngữ văn lớp 9, nội dung thi ở cả 3 phân môn là Văn, tiếng Việt và tập làm văn. Cũng có một chút của Ngữ văn lớp 8 nhưng không nhiều.
Về phần văn thì trọng tâm ôn tập là các tác phẩm thơ và truyện trong Ngữ văn lớp 9, nhưng tập trung chủ yếu vào các tác phẩm thơ và Văn hiện tại Việt Nam, phần Văn học trung đại giờ đã xa nhiều nên có thi thì cũng không nhiều.
Chúng tôi theo dõi khoảng 10 năm trở lại đây thì hầu hết là thi các tác phẩm hiện tại, phần vì gần với tiếp cận của học sinh. Văn học nước ngoài cũng không thi nhiều.
Về phần thơ và truyện thì định hướng cụ thể hơn. Phần thơ các em bắt buộc phải học thuộc lòng các tác phẩm thơ, về truyện phải nắm thật chắc cốt truyện, đặc biệt phải nắm được các nhân vật chính trong truyện, hoàn cảnh ra đời của từng tác phẩm, đặc điểm, thể loại…
Phần Tiếng Việt thì rộng hơn, ngoài phần Tiếng Việt lớp 9 thì trong các cấu trúc đề thi vào lớp 10 có kiến thức Tiếng Việt xâu chuỗi từ lớp 6 đến lớp 9. Ví dụ rất hay thi vào các biện pháp tu từ Tiếng Việt, rồi các kiểu câu.
Phần tập làm văn các em tập trung ôn phần nghị luận xã hội và nghị luận văn học. Đối với nghị luận xã hội cần phải nắm chắc được cách làm của 2 dạng nghị luận xã hội trong chương trình lớp 9, đó là nghị luận về một sự việc hiện tượng đời sống, và nghị luận về một vấn đề tư tưởng đạo lý.
Riêng phần nghị luận xã hội thì các em nên nhớ trong đề thi thường có kiểu viết một đoạn văn hoặc viết một bài văn ngắn về nghị luận xã hội. Vậy nên phải nắm được viết một đoạn văn sẽ khác với một bài văn ngắn như thế nào về cấu trúc.
Phần nghị luận văn học các em cũng phải nắm được 2 dạng đề và hầu như chỉ thi vào 2 dạng này, thứ nhất là cách phân tích một bài thơ hoặc một đoạn thơ.
Phân tích một bài thơ là phân tích chỉnh thể hoàn chỉnh một tác phẩm, còn phân tích một đoạn là chỉ phân tích một phần và trình tự nó cũng sẽ khác. Cách phân tích một tác phẩm truyện hoặc một đoạn truyện, hầu như chủ yếu trọng tâm là cách phân tích nhân vật trong tác phẩm truyện.
Các em cần hệ thống ra tất cả các tác phẩm truyện trong chương trình lớp 9, ghi tên từng nhân vật chính trong tác phẩm, đồng thời xây dựng một hệ thống luận điểm phân tích các nhân vật để khi làm bài thi cứ nhớ các luận điểm đó thì sẽ không bị bỏ quên, bỏ sót.
Ví dụ phân tích nhân vật ông Hai trong tác phẩm Làng của Kim Lân, đã nói đến ông Hai thì có bao nhiêu luận điểm, đặc điểm nhân vật các em phải viết hết ra tờ giấy nhớ, có như vậy khi ôn tập thì mới không bị thiếu ý.
Trong những tác phẩm văn học nó chứa đựng những vấn đề về nghị luận xã hội, những vấn đề về đạo lý, nhân sinh rất quan trọng. Vậy nên muốn có kiến thức phông nền để làm tốt phần nghị luận xã hội thì các em phải đọc thật nhiều”.
Các em học sinh Trường Trung học cơ sở Hà Lộc, Thị xã Phú Thọ trong năm học 2019. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
Kỹ năng làm bài thi
Cũng theo cô Oanh: “Học sinh hầu hết đã được giáo viên hướng dẫn cách nắm bắt cấu trúc đề thi môn Ngữ văn, cấu trúc hiện nay gồm 2 phần.
Thứ nhất là đọc hiểu và phần này chiếm từ 2 đến 3 điểm. Phần đọc hiểu này đề bài sẽ cho ngữ liệu một đoạn văn hoặc là một văn bản, kèm theo là từ 3 đến 4 câu hỏi kiểm tra kỹ năng đọc hiểu văn bản.
Vận dụng các kiến thức đã học về Tiếng Việt, văn học và làm văn, các câu hỏi này được tổ chức theo mức độ tư duy từ dễ đến khó, từ nhận biết thông hiểu đến vận dụng.
Với câu này thì gần như để học sinh không bị điểm liệt, vậy nên các em cứ làm tuần tự từ các ý nhỏ, cố gắng không để bị mất điểm ở câu đọc hiểu này, không cần phải viết quá dài dòng mà cần rõ ràng, rành mạch đủ ý.
Phần thứ 2 trong cấu trúc là làm văn, phần này thường chiếm từ 7 đến 8 điểm và gồm 2 câu. Câu thứ nhất của phần làm văn là câu nghị luận xã hội và câu thứ 2 là nghị luận văn học.
Rất dễ bị lạc đề, vậy kinh nghiệm là các em cần gạch dưới các từ khóa trong đề bài ở từng câu, việc này giúp xác định được giới hạn của vấn đề khi triển khai làm bài, nhiều khi đề hỏi ý này nhưng các em lại làm sang ý khác, hỏi đoạn văn lại viết sang bài văn.
Nếu đề hỏi giai đoạn văn học này, thời kỳ này thì chỉ được làm bài ở trong phạm vi đó thôi, còn làm lạc đề là mất điểm.
Đề yêu cầu viết đoạn văn 10 câu, nhưng nếu viết quá thì từ câu thứ 11 đã bị trừ điểm, bởi các em không xác định được giới hạn. Nếu đề nói viết 10 câu thì hãy viết đúng 10 câu. Nói viết theo cấu trúc diễn dịch là viết diễn dịch, chứ không phải nhầm sang cấu trúc khác.
Bài văn giới hạn bao nhiêu từ thì hãy viết đúng trong tầm đó, vì khi ra đề họ đã nghiên cứu và ấn định chỉ viết như vậy thì mới đủ thời gian làm bài, vậy nên viết quá nhiều hoặc quá ít thì cũng bị trừ điểm.
Môn Ngữ văn cần đọc và hiểu kỹ đề, tìm hiểu đề tránh làm thừa hoặc thiếu giới hạn của vấn đề. Việc này nếu luyện đề thi mẫu nhiều thì học sinh sẽ khắc phục được thiếu sót.
Khi thi phải phân chia thời gian làm bài hợp lý đối với từng câu, đề thi văn vào lớp 10 có thang điểm 10, nếu chia 120 phút đồng hồ cho 10 điểm rồi nhân với số điểm của từng câu thì sẽ tính ra thời gian làm từng câu, hết thời gian là phải cân đối để chuyển ngay sang câu khác.
Ví dụ câu 1 là 2 điểm, lấy 120 phút chia cho 10 điểm, tức là mỗi điểm sẽ là 12 phút, vậy câu 2 điểm chỉ được làm trong 24 phút, xê dịch một chút.
Các em nên bấm giờ để chủ động, vì nếu có làm hết thời gian thì cũng không ai cho điểm tối đa ở câu đó, không thể nào viết tuyệt đối đúng như đáp án được.
Ví dụ câu 60 phút được 3 điểm, các em có viết tốt lắm thì giám khảo cũng chỉ cho đến 2,5 điểm, có viết thêm nữa thì cũng không vượt qua thang điểm tối đa là 3 điểm.
Vậy nên cần phải chuyển sang câu tiếp theo để ít nhiều có thêm được điểm ở câu sau, đó cũng là kỹ năng quan trọng”.
Cô Oanh lưu ý: “Trước khi làm bài các em dành khoảng 3 phút để đọc kỹ đề và đánh dấu từ khóa, ghi nhanh ra nháp những ý cơ bản cần phải làm và không ghi quá chi tiết vì việc này rất mất thời gian, văn mà cứ làm nháp thật kỹ rồi mới chép vào thì không thể kịp được.
Cần tập trung làm hết những phần đọc hiểu để tránh bị điểm liệt, đây là những câu dễ và rất dễ đạt được điểm tuyệt đối. Tiếp đó làm câu nghị luận xã hội.
Rất nhiều học sinh khá, giỏi nhưng vì chủ quan những câu dễ này nên đã làm sai, bị trừ mất điểm. Vậy nên các em hết sức lưu ý cần trân trọng những câu hỏi này để tổng thể bài làm đạt điểm cao”.