Theo quy định tại Luật Giáo dục thì Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm trước Chính phủ về quản lý nhà nước về giáo dục, nên việc biên soạn, xuất bản, in và phát hành sách giáo khoa không nằm ngoài trách nhiệm này. Vậy giá sách giáo khoa mới tăng chóng mặt như hiện nay thì liệu Bộ Giáo dục và Đào tạo có vô can?
Cụ thể bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống gồm 10 cuốn có giá 179.000 đồng; bộ sách Chân trời sáng tạo gồm 9 cuốn có giá 186.000 đồng; bộ sách Cùng học để phát triển năng lực gồm 10 cuốn có giá 194.000 đồng; bộ sách Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục gồm 9 cuốn có giá 189.000 đồng.
Vậy việc tăng giá sách như hiện nay là nguyên nhân do đâu? Theo quy định thì mặt hàng sách giáo khoa không thuộc danh mục nhà nước định giá, nhưng lại thuộc danh mục kê khai giá tại Bộ Tài chính.
Theo Quy định tại Điều 4 Khoản 9 Luật giá thì việc kê khai giá là hình thức tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ gửi thông báo mức giá hàng hóa, dịch vụ cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi định giá, điều chỉnh giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc diện phải kê khai giá.
Sách giáo khoa là mặt hàng có tác động lớn đến đời sống xã hội, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, vùng sâu, vùng xa kinh tế còn nhiều khó khăn. Ảnh: Tùng Dương. |
Lý giải nguyên nhân sách giáo khoa tăng giá, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho biết giá của 4 bộ sách giáo khoa mới do đơn vị biên soạn được hình thành từ các yếu tố như chi phí tổ chức bản thảo, chi phí vật tư, công in, chi phí lưu thông, bán hàng, nguồn vốn biên soạn, chi phí nhuận bút cao hơn, sách in 4 mầu với khổ sách lớn.
Hơn nữa do có nhiều nhà xuất bản cùng tham gia xuất bản sách giáo khoa nên có sự cạnh tranh, sẽ kéo theo chi phí như tổ chức hội thảo giới thiệu sách tại các địa phương, tập huấn giáo viên, truyền thông, quảng cáo...
Tuy nhiên theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc triển khai thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội trong bối cảnh các nhà xuất bản kê khai giá với Bộ Tài chính như hiện nay sẽ dẫn đến hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh bằng hình thức giá.
Như vậy có thể nói Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa thực hiện đúng tinh thần của Nghị quyết 88 mà Quốc hội giao cho là phải xã hội hóa, vậy việc xã hội hóa mà Bộ thực hiện ở đây là chất lượng hay xã hội hóa về giá sách?
Nguyên nhân này có thể hiểu là do Thông tư 33 của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã gắn nhà xuất bản với việc biên soạn, biên tập mới đủ điều kiện được thẩm định? Và các nhà xuất bản để được xuất bản sách giáo khoa lại phải được Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp phép?
Vậy để xã hội hóa được sách giáo khoa thì cần phải xã hội hóa ở khâu nào? Nếu việc quy định như thế này thì khâu in ấn phát hành không thể xã hội hóa được, trong khi khâu này lại quyết định đến giá thành của sách giáo khoa? Như vậy là rõ ràng chưa có tính cạnh tranh lành mạnh theo tinh thần của Nghị quyết 88.
Giá sách giáo khoa lớp 1 năm học 2019 - 2020 theo chương trình giáo dục hiện hành chỉ 54.000 đồng/bộ, thì hiện nay giá sách giáo khoa mới tăng đến 267%. |
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Công văn số 721/BGDT - KHTC, gửi Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm và Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh về việc rà soát kê khai giá sách giáo khoa năm học 2020.
Bộ Giáo dục và Đào tạo có ý kiến như sau: Giá kê khai sách giáo khoa lớp 1 của các nhà xuất bản tăng cao so với giá bộ sách giáo khoa hiện hành đã được kê khai tăng trong năm 2019.
Căn cứ chỉ đạo về mục tiêu bình ổn giá, kiểm soát lạm phát của Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các nhà xuất bản: Thực hiện rà soát, xác định giá sách giáo khoa lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 trên cơ sở định mức biên soạn của bộ sách giáo khoa hiện hành đã bán ra thị trường cho năm học 2019 - 2020 (về đơn giá công in, vận chuyển, nhuận bút, biên tập, thiết kế, chế bản).
Bộ Tài chính cũng đã có văn bản gửi các nhà xuất bản tham gia công tác biên soạn, in ấn, phát hành sách giáo khoa mới phải kiểm soát chặt chẽ chi phí sản xuất kinh doanh.
Chủ động triển khai các biện pháp tiết kiệm chi phí, xác định giá sách giáo khoa đảm bảo nguyên tắc mục đích phục vụ xã hội.
Vụ Giáo dục Trung học, Tiểu học, dự án RGEP và chuyện giá sách giáo khoa mới |
Trong Văn bản này, Bộ Tài chính đề nghị các nhà xuất bản thực hiện kê khai giá sách giáo khoa mới theo đề nghị của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đó là bảo đảm không vượt quá giá sách giáo khoa hiện hành.
Trước thực tiễn như hiện nay, nhà nước cần phải có giải pháp cấp bách để điều tiết giá, đảm bảo công bằng giữa các nhà xuất bản và thực hiện mục tiêu về an sinh xã hội, đặc biệt là cho vùng sâu, vùng xa, vùng có kinh tế khó khăn.
Cần thực hiện điểm 2 Công văn số 768/VPCP - KTTK của Văn phòng Chính phủ về triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2014/ QH13 của Quốc hội : “ Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan liên quan nghiên cứu…khẩn trương tổng hợp, đề xuất và báo cáo Chính phủ xem xét, trình Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định việc bổ sung mặt hàng sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá”.
Được biết hiện nay Liên Bộ Tài chính - Bộ Giáo dục và Đào tạo đang phối hợp đánh giá để đề xuất, báo cáo Chính phủ phương án quản lý sách giáo khoa cho phù hợp với thực tiễn ở Việt Nam.