Từ năm 1986, Việt Nam bước vào thời kỳ đổi mới, phát triển kinh tế, xã hội theo quy luật kinh tế thị trường. Đến nay kinh tế, xã hội Việt Nam đã có bước phát triển nhanh chóng.
Song nền kinh tế thị trường càng phát triển, sự phân hóa giàu nghèo trong cộng đồng dân cư ngày một khắc nghiệt; Số trẻ em, thanh thiếu niên bị tiêm nhiễm tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật, bỏ học lang thang ngày một nhiều hơn.
Số trẻ em có hoàn cảnh khó khăn này đã có nhiều mô hình giáo dục của nhà nước và các tổ chức phi chính phủ cố gắng chăm lo và đạt nhiều kết quả tốt. Song “ai cũng được học hành” cũng còn là một vấn đề không phải nơi nào cũng thực hiện được.
Số trẻ em đang theo học ở các nhà trường phổ thông bị tiêm nhiễm tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật hoặc gặp nhiều khó khăn về phát triển bản thân, khó khăn về gia đình, lại chưa được quan tâm giúp đỡ một cách đầy đủ.
Nhìn nhận được thực tế này, tháng 10/1989, Trường Trung học phổ thông dân lập Đinh Tiên Hoàng được thành lập nhằm thu nhận những học sinh không được vào quốc lập hoặc đang học các trường quốc lập xếp loại yếu kém văn hóa, đạo đức, vi phạm kỷ luật bị các nhà trường từ chối không cho học, có thể được tiếp tục học ở trường Đinh Tiên Hoàng.
Những nhà giáo tâm huyết, sáng tạo nên mô hình giáo dục Đinh Tiên Hoàng lúc đó có mục tiêu nhân văn, đi tìm một giải pháp mới bằng một cơ chế quản lý tự chủ để giúp đỡ những học sinh gặp khó khăn của Hà Nội.
Từ năm 2005, sau 15 năm thành lập, có kinh nghiệm hơn trong công tác giáo dục và để làm rõ hơn triết lý giáo dục của Đinh Tiên Hoàng, nhà trường đã chuyển từ mô hình “giáo dục đặc biệt” sang mô hình “giáo dục không chọn lọc đầu vào”.
Khi tôi hỏi nhà giáo ưu tú, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội đồng giáo dục nhà trường, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục học Hà Nội: “Với đối tượng “không chọn lọc đầu vào”, trường đã gặp những khó khăn như thế nào?"
Thầy Lâm nhẹ nhàng chia sẻ: "Không chọn lọc đầu vào có nghĩa là chúng tôi chỉ nhận được những học sinh có điểm thi vào trung học phổ thông thấp.
Những học sinh này không những rơi vãi kiến thức cơ bản, nền tảng, mà các em còn mất thói quen tự học, khả năng độc lập suy nghĩ yếu, lại là những học sinh có cá tính mạnh, thích gì làm nấy, sống không có nền nếp, kỷ luật, ở cả gia đình và nhà trường.
Tóm lại, đến trường chúng tôi phải làm lại từ đầu tất cả bởi thống kê cho thấy học sinh Đinh Tiên Hoàng có tới 20% yếu kém rèn luyện đạo đức; 60% yếu kém khả năng học tập văn hóa và số đông các em gặp hoàn cảnh khó khăn về hoàn cảnh gia đình (gia đình ly tán, kinh tế sa sút) ".
Học sinh Đinh Tiên Hoàng được tham gia nhiều hoạt động tập thể để vừa đáp ứng nhu cầu phát triển tâm lý lứa tuổi, vừa tạo môi trường học sinh trải nghiệm những giá trị sống, kỹ năng sống được học. (Ảnh nhà trường cung cấp) |
Mục tiêu của trường Đinh Tiên Hoàng không phải bắt học sinh trở thành những học sinh khá, giỏi để chen chân vào các trường đại học, mà mục tiêu trên hết của giáo dục ở Đinh Tiên Hoàng phải cho học sinh “nên người” trở thành những người tử tế.
Vì thế trường Đinh Tiên Hoàng, với đối tượng học sinh yếu kém văn hóa, trường đã rèn học sinh theo quy trình 4 bước: Đó là: làm sao giúp học sinh phải Thích học; rồi Biết cách học; có Thói quen học và cuối cùng Học có hiệu quả.
Ngôi trường theo đuổi triết lý giáo dục của mình là luôn tôn trọng và yêu thương học sinh; cùng với cha mẹ học sinh quan tâm đến việc “dạy con nên người” và tập trung xây dựng để học sinh có đủ “5 tự” đó là: Tự học sáng tạo; Tự chủ; Tự trọng; Tự tin và Tự chịu trách nhiệm về những việc mình làm”.
Trường luôn thực hiện phương châm giáo dục “nhân cách không chỉ được hình thành bởi những gì nghe và nói, mà chủ yếu phải được hình thành bởi sự nỗ lực hành động của mỗi cá nhân".
Đến trường để biết cách trở thành những người tử tế |
Thầy Lâm cho biết, để hiện thực hóa mục tiêu dạy học sinh nên người, nhà trường đã dạy chương trình giáo dục giá trị sống – kỹ năng sống từ năm 2001 đến nay.
Kết hợp với đó là học sinh Đinh Tiên Hoàng còn được tham gia nhiều hoạt động tập thể để vừa đáp ứng nhu cầu phát triển tâm lý lứa tuổi, vừa tạo môi trường học sinh trải nghiệm những giá trị sống, kỹ năng sống được học.
Các hoạt động giáo dục thông qua các hoạt động trải nghiệm xây dựng tủ sách tự quản của mỗi lớp học đã phát huy hiệu quả văn hóa đọc và giáo dục STEM cũng được một số học sinh hưởng ứng nên những ngày hội trại trường đã tổ chức hoạt động để học sinh có sản phẩm tái chế phục vụ đời sống.
Nhà trường tổ chức Hội trại “26/03” thường niên và Hội trại hè tháng 7 để học sinh được trải nghiệm thông qua hoạt động tập thể như thi thời trang, thi văn nghệ, thi đấu các môn thể thao… nhằm gây hứng thú tự học tự rèn cho học sinh.
Đồng thời, trường còn tổ chức giáo dục và tư vấn hướng nghiệp cho 100% học sinh để các em có động lực học, động lực sống nên người. Và chúng tôi quan tâm giáo dục pháp luật, giáo dục kỷ luật tự giác…
"Để tổ chức được những hoạt động đó, chúng tôi phải có một đội ngũ nhà giáo tâm huyết, có đủ phẩm chất, năng lực, tình nguyện đồng hành cùng những học sinh gặp khó khăn.
Đối tượng học sinh đặc biệt, không có trường sư phạm nào, trường phổ thông nào đào tạo được những giáo viên đủ năng lực làm công việc giáo dục khó khăn nay.
Trường Đinh Tiên Hoàng phải tự tuyển chọn, tự đào tạo – bồi dưỡng và đãi ngộ sao cho xứng đáng, giữ được giáo viên trong nền kinh tế thị trường", thầy Lâm kể.
Qua lắng nghe chia sẻ của Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm – một trong những nhà giáo sáng lập trường và hiện đang là Chủ tịch hội đồng giáo dục nhà trường, hi vọng rằng, mô hình giáo dục “không chọn lọc đầu vào” sẽ xây dựng được nhiều “lớp học hạnh phúc” và tiến tới Đinh Tiên Hoàng trở thành “trường học hạnh phúc” cho những học sinh gặp khó khăn trong học tập, rèn luyện đạo đức lối sống.
Trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội do 4 người sáng lập là: nhà giáo Nguyễn Tùng Lâm; Nguyên Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội - Trần Thị Tâm Đan; nguyên Giám đốc Sở Giáo dục Hà Nội - Vũ Mạnh Kha; nguyên Phó giám đốc Sở giáo dục Hà Nội - Nguyễn Triệu Hải. Năm học đầu tiên 1989-1990, Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng có 136 học sinh với 20 giáo viên. Các năm sau đó, số lượng học sinh tăng lên hàng nghìn, cao điểm năm học 1999-2000 trường tiếp nhận hơn 2.000 học sinh. Văn hoá phát triển trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng được nhà trường xây dựng theo công thức: Vft = đ.t.h - x2. Trong đó Vft là sự phát triển của mỗi cá nhân và nhà trường; t là tận tâm với công việc, với mọi người, với hoài bão; tận hiến cho sự nghiệp giáo dục; h là học hỏi, hợp tác để phát triển bản thân và nhà trường; x2 là mọi xấu xí cần loại bỏ như: bảo thủ, bon chen, không trung thực, không yêu thương, không khoan dung, không hợp tác. |