Năm nay em kiên quyết ...gác kiếm!

10/12/2019 06:39
Lê Mai
(GDVN) - Thầy cô, cha mẹ tuyệt đối không nên ép học trò học, chứ đừng nói ép học trò luyện thi học sinh giỏi.

Chuyện cô giáo L. không nhận dạy bồi dưỡng học sinh giỏi thi cấp huyện, cấp tỉnh làm cả hội đồng xôn xao.

Từ khi về trường đến nay, thành tích bồi dưỡng học sinh giỏi môn Toán của L. đã bằng cả “lịch sử” trường cộng lại; trường đang phấn đấu đạt chuẩn Quốc gia, lá cờ đầu của huyện; L. lại là tổ bộ môn toán của huyện, có nhiều thuận lợi, sao lại làm vậy?

Có người ái ngại “Bỏ biên chế rồi, không làm theo quyết định của hiệu trưởng, coi chừng không hoàn thành nhiệm vụ; bị cắt hợp đồng bây giờ”.

Có người lại nhìn theo cách khác “Bệnh công thần đây mà, tự cao tự đại; chẳng qua là làm nũng tý để xem có ai dám nhận bồi dưỡng học sinh giỏi thay không; mà thực tế chắc chẳng ai dám thay huấn luyện viên Park L. đâu”.

Cô giáo H. bạn thân của L. đoán già đoán non “L. bán hàng qua Facebook kiếm tháng hơn chục triệu, vừa khỏe, vừa vui. Dạy bồi dưỡng học sinh giỏi chả đáng bao, mệt óc, áp lực, bỏ là phải rồi”.

Thầy cô, cha mẹ tuyệt đối không nên ép học trò học. (Ảnh minh họa: Thieunien.vn)
Thầy cô, cha mẹ tuyệt đối không nên ép học trò học. (Ảnh minh họa: Thieunien.vn)

Gặp L. tôi được nghe L. tâm sự về chuyện không nhận dạy bồi dưỡng học sinh giỏi, đầy ưu tư, khó nói nên lời với người khác:

“Em chọn nghề giáo vì thần tượng ai, thầy biết rồi; phong cách dạy giống ai, thầy cũng biết; nay không dạy bồi dưỡng học sinh giỏi chắc thầy chưa biết, nên em đành nói thật.

Em được chọn làm hội đồng bộ môn, giáo viên cốt cán của huyện, của tỉnh không phải nhờ nâng đỡ, đúng không thầy?

Việc ra đề thi học sinh giỏi cấp huyện, do bốn giáo viên bộ môn đảm nhiệm, hai người ra một đề; sau khi đối chất chọn một đề chính thức, một đề dự bị.

Thật lòng em bồi dưỡng học sinh giỏi ở trường, làm sao em không ra bài tương tự cho học trò em được; đứa giỏi thì nó đậu cao, đứa không thật sự giỏi cũng được công nhận.

Lúc đầu cũng tự hào, nay thấy áy náy quá thầy ạ. Nhưng nguyên nhân thật sự cũng không phải do áy náy đâu thầy.

Thầy còn nhớ nhỏ Tr đạt giải nhì cấp tỉnh mấy năm trước chứ? Nhỏ Tr. đậu Đại học Ngoại thương, học được một năm thì vô bệnh viện tâm thần chữa cho đến nay thầy ạ.

Vừa rồi em đến nhà Tr, ông ngoại Tr là thầy Q. chắc thầy còn nhớ; thầy Q. đưa cho em quyển nhật ký của Tr. ghi ngày học lớp 9 luyện thi học sinh giỏi với em, những ngày khổ luyện để đi thi học sinh giỏi là nguyên nhân gây bệnh trầm cảm cho nhỏ ấy thầy ạ.

Nhỏ viết “Ăn toán, ngủ toán, đi toán, đứng toán, … cũng toán; không đậu chắc mình …về với tổ tiên. Nếu được chọn lại, ông bà bố mẹ ơi, cô thầy ơi, con thà dốt như các bạn vui vẻ, mà được sống, thật ra con đã … rồi…”.

Thầy Q. nói không phải do Tr. học với em mà mắc bệnh, nhưng em hiểu, nhỏ đã bắt đầu mang bệnh từ ngày đó … nên từ nay em kiên quyết gác kiếm”.

Có cần ép học trò luyện thi không?

“Tụi em cũng là con người, tụi em không phải là người máy!”
“Tụi em cũng là con người, tụi em không phải là người máy!”

Câu trả lời ngắn gọn là: không nên. Thầy cô, cha mẹ tuyệt đối không nên ép học trò học, chứ đừng nói ép học trò luyện thi học sinh giỏi.

Nếu bồi dưỡng học sinh giỏi, cần tạo điều kiện, có kế hoạch cho học trò nghỉ ngơi, xả hơi; không đặt nặng thành tích gây áp lực cho học trò.

Sức khỏe của học trò là quan trọng nhất, đặc biệt là sức khỏe tâm thần; nếu không quan tâm đúng mức, học quá nhiều có thể là nguyên nhân gây trầm cảm sau này.

Làm bất cứ việc gì, có hứng thú, có niềm vui trong đó, chất lượng công việc mới tốt được; ép dầu, ép mỡ ai nỡ ép … học.

Làm học trò, con cái có hứng thú với học tập, học thấy vui vẻ là nhiệm vụ của người lớn; đừng vì ước mơ của mình mà ép con cái học; hãy để tuổi thơ, ký ức vui vẻ cho trẻ thơ đó là điều nên làm.

Thực tế, rất nhiều học sinh làm bài thi rất tốt, nhưng với cuộc sống thực chẳng khác “gà công nghiệp” là mấy.

Người viết đã gặp học trò đạt giải cao, lên thành phố học không thể tự đi thuê được nhà trọ; không thể tự lo cho cuộc sống của mình; đi lạc đường gọi điện về cho … mẹ.

Giáo dục tiên tiến là nền giáo dục hướng đến không thi cử; kiểm tra đánh giá là kiểm tra đánh giá khả năng xử lý tình huống cuộc sống; người học làm được gì mới là mục tiêu quan trọng nhất.

Vì vậy, bỏ các kì thi học sinh giỏi ở bậc tiểu học, trung học cơ sở; giảm bớt ở bậc trung học phổ thông là điều dư luận đang mong chờ.

Mong rằng chương trình mới áp dụng, học trò không còn phải học để thi; suốt ngày chỉ biết học, học thêm chính khóa, học thêm nhà thầy.

Lê Mai