Một tiết dạy tốt không thể đánh giá là giáo viên giỏi!

06/10/2019 07:16
NHẬT KHOA
(GDVN) - Nên bỏ hội thi giáo viên giỏi giỏi cấp trường vì nó không hiệu quả, tốn thời gian, kinh phí và tăng chế độ khen thưởng cho giáo viên đạt các danh hiệu.

Tiếp tục góp ý về quy chế thi giáo viên giỏi kèm theo dự thảo Thông tư Ban hành Quy định công nhận giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi (sau này xin gọi chung là giáo viên giỏi) các cấp học mầm non, phổ thông.

Những bất cập của hội thi giáo viên giỏi trước đây dẫn đến tất yếu phải thay đổi như: hội thi đa số là “diễn”, hội thi quá hình thức và nặng nề (trải qua 3 vòng: sáng kiến kinh nghiệm, năng lực, thực hành 2 tiết dạy trên lớp), hiệu quả sau hội thi không có, giáo viên công nhận giáo viên giỏi nhưng nhiều người không thật sự giỏi, bất cập đánh giá, công nhận giáo viên giỏi của ban giám khảo,…

Bất cập trên đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận thấy, dựa trên những góp ý, phân tích đánh giá nên Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Dự thảo Thông tư ban hành quy định công nhận giáo viên giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi các cấp.

Thi giáo viên dạy giỏi (Hình ảnh minh họa: thcsnguyenhueq4.hcm.edu.vn).
Thi giáo viên dạy giỏi (Hình ảnh minh họa: thcsnguyenhueq4.hcm.edu.vn).

Nội dung, điều kiện tham dự Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp học mầm non, phổ thông có nhiều thay đổi

Theo dự thảo, đối với giáo viên mầm non, nội dung thi sẽ là thực hành một hoạt động giáo dục cụ thể, được tổ chức lần đầu tại lớp học với nguyên trạng số lượng trẻ của lớp, không được dạy thử, giáo viên được báo trước không quá 3 ngày.

Giáo viên sẽ trình bày biện pháp thực hiện có hiệu quả nhất về nuôi dạy trẻ trong thời gian tối đa 30 phút.

Biện pháp phải chưa được báo cáo ở bất cứ đâu, chưa được dùng để xét duyệt thành tích cá nhân trước đó.

Để tham gia cấp trường, giáo viên phải đạt chuẩn nghề nghiệp ở mức khá trở lên (của năm liền kề năm tham gia hội thi) kèm theo một số quy định khác.

Để tham gia cấp huyện, giáo viên phải được công nhận dạy giỏi cấp trường 2 năm liên tục, trong đó năm thứ 2 là năm đăng ký tham gia hội thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện.

Để tham gia cấp tỉnh, giáo viên phải được công nhận dạy giỏi cấp huyện 2 lần liên tục, trong đó lần thứ hai là năm đăng ký tham gia hội thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh.

Đối với bậc phổ thông, giáo viên thi phải dạy học một tiết, được tổ chức lần đầu tại lớp học với nguyên trạng số lượng học sinh của lớp. Tiết học không được dạy thử, được báo trước không quá 3 ngày.

Bên cạnh thao giảng, giáo viên phải trình bày biện pháp dạy học có hiệu quả nhất của mình, trong thời gian tối đa 30 phút và là báo cáo mới mẻ.

Giáo viên tham gia ở cấp trường đạt chuẩn khá trở lên và các tiêu chí khác.

Để tham gia cấp huyện, giáo viên phải được công nhận dạy giỏi cấp trường 2 năm liên tục, trong đó năm thứ hai là năm đăng ký tham gia hội thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện.

Tiêu chuẩn để dự cấp tỉnh là giáo viên được công nhận dạy giỏi cấp huyện 2 lần liên tục, trong đó lần thứ hai là năm đăng ký tham gia Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh (đối với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở) và cấp trường 2 lần trong 4 năm liền kề, trong đó lần thứ 2 là năm đăng ký tham gia Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh (đối với giáo viên trung học phổ thông).

Sắp tới thi giáo viên giỏi sẽ thay đổi như thế nào?
Sắp tới thi giáo viên giỏi sẽ thay đổi như thế nào?

Đối với giáo viên chủ nhiệm giỏi, nội dung thi bao gồm thực hành một tiết tổ chức hoạt động trải nghiệm (tiết sinh hoạt lớp/ tiết hoạt động trải nghiệm hoặc hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp).

Tiết thực hành tham gia Hội thi được tổ chức lần đầu tại lớp học với nguyên trạng số lượng học sinh, không "thử" trước, được báo trước tối đa 3 ngày.

Đồng thời, giáo viên sẽ trình bày biện pháp thực hiện có hiệu quả nhất trong công tác giáo dục học sinh của cá nhân tại cơ sở giáo dục, nơi giáo viên đang làm việc. Thời lượng báo cáo không quá 30 phút.

Biện pháp được báo cáo trực tiếp trước Ban giám khảo và chưa được báo cáo ở bất cứ đâu, chưa được dùng để xét duyệt thành tích cá nhân trước đó.

Giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cấp trường, cấp huyện và cấp tỉnh phải đạt các yêu cầu:

Điểm kết luận tiết thi giảng hoặc tổ chức hoạt động giáo dục đạt loại giỏi, trong đó đảm bảo không có thành viên Ban giám khảo nào đánh giá tiết dạy hoặc tổ chức hoạt động giáo dục đạt trung bình hoặc yếu.

Bên cạnh đó, báo cáo biện pháp đã thực hiện trong công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em, trong công tác dạy học, giáo dục học sinh được trên 50% thành viên Ban giám khảo đánh giá đạt mức đạt. Kết quả hội thi là minh chứng để đánh giá, xếp loại thi đua của cá nhân.

Dự thảo thi giáo viên giỏi mới chưa giải quyết những tồn tại, bất cập

Trước đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng từng đề xuất bỏ hẳn thi giáo viên giỏi chỉ xét giáo viên giỏi thông qua việc thực hiện nhiệm vụ được đồng nghiệp, phụ huynh, học sinh tín nhiệm và kết quả công việc cụ thể.

Nhưng, cũng có một số ý kiến đề nghị giữ lại hội thi giáo viên giỏi vì đó là sân chơi cho giáo viên, ghi nhận và tôn vinh giáo viên có thành tích, kết quả tốt thông qua hội thi,…

Quan điểm người viết cho rằng, sự ban hành dự thảo thi giáo viên giỏi là điều đáng hoan nghênh ghi nhận cho sự lắng nghe, tiếp thu ý kiến và sửa đổi những hạn chế bất cập của hội thi trước đây từ chính lãnh đạo của ngành

Nhưng thật sự nhìn vào thông tư trên tôi chỉ thấy mới ở việc tinh giảm hình thức hội thi, bớt áp lực, nặng nề cho thi giáo viên giỏi như bỏ bớt sáng kiến kinh nghiệm (thay bằng báo cáo), bỏ bớt thi năng lực, thực hành 2 tiết giảng dạy còn 1 tiết.

Về mục đích tinh giảm thủ tục, giảm áp lực cho kỳ thi thì đạt nhưng các mặt khác còn như diễn sẽ vẫn còn, chuẩn bị trước 1 ngày hay 3 ngày thì cũng có thể “diễn”, mặt khác giáo viên dự thi dạy tại trường mình đang công tác thì việc “diễn”, “mớm bài”, “gà bài”…sẽ không thể giảm.

Trường kỳ chinh chiến thi giáo viên giỏi
Trường kỳ chinh chiến thi giáo viên giỏi

Để được gọi là giáo viên giỏi phải là một quá trình lao động, cống hiến không thể chỉ 1 tiết dạy và một báo cáo 30 phút thì công nhận là giáo viên dạy giỏi.

Trước đây, hội thi tổ chức tại một địa điểm, nên nhiều giáo viên giao lưu, cọ xát, chia sẻ kinh nghiệm, góp ý cho nhau nên sau khi dự thi thường có thêm kinh nghiệm, đó cũng chính là lý do nhiều người đề nghị nên giữ lại hội thi giáo viên giỏi, nay giáo viên chỉ dạy 1 tiết dạy tại trường thì việc học tập, chia sẻ, giao lưu là không có, mất đi ý nghĩa cao quý của cuộc thi, nó không khác gì một tiết dự giờ do giáo viên trong tổ chuyên môn dự.

Bên cạnh đó, phần 2 của nội dung thi là báo cáo một biện pháp dạy hiệu quả cho giáo viên cũng không đánh giá được gì, một giáo viên trình bày báo cáo hay chưa chắc là giáo viên làm tốt nhiệm vụ, giỏi thật sự cũng như chưa chắc được đồng nghiệp, học sinh tín nhiệm….

Nên tôi cho rằng việc duy trì hội thi giáo viên giỏi như dự thảo thông tư trên là chưa thay đổi được những bất cập, bất hợp lý của hội thi trong thời gian qua.

Thậm chí nếu chúng ta không lưu ý được những bất cập trên, những bất cập của ban giám khảo hội thi... có thể sau này trong trường học thì ai cũng có giấy chứng nhận giáo viên giỏi, nhưng giỏi thật sự thì không có gì để đo lường và chất lượng sẽ khó mà nâng lên thực chất.

Một số đề xuất

Theo quan điểm của cá nhân người viết bài, để hội thi giáo viên giỏi đi vào thực chất cần thực hiện một số đầu việc cụ thể như sau:

Phải thay đổi quan điểm về thi giáo viên giỏi chỉ là giáo viên giỏi 1, 2 tiết dạy hay giáo viên giỏi trong năm học, sau khi khen thưởng, tôn vinh đến kết thúc năm học thì xem như chấm dứt,  không có khái niệm cứ thi đạt thì xem như giáo viên giỏi suốt đời, việc này tránh việc cứ có danh hiệu giáo viên giỏi thì giáo viên không còn cố gắng, phấn đấu nữa.

Do đó, hãy để danh hiệu giáo viên giỏi là khi thể hiện mình trong tiết dạy, hoạt động giảng dạy, giáo dục phù hợp, nên tôi đề xuất bỏ hẳn phần thi trình bày báo cáo ở phần 2 vì nó cũng là biến tướng của sáng kiến kinh nghiệm và hiệu quả cũng không cao, nếu cần thiết thì cho giáo viên kiểm tra chuyên môn, nghiệp vụ của giáo viên đó trên máy tính một cách nhẹ nhàng thiết thực.

Ban giám khảo hội thi có khách quan, công tâm đánh giá hay không là một dấu hỏi vô cùng lớn, bất cập về ban giám khảo cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến nhiều giáo viên không muốn dự thi, trong lần dự thảo này tôi nhận thấy chưa có dấu hiệu thay đổi của đội ngũ ban giám khảo... thì bất cập về đánh giá công nhận sẽ vẫn còn.

Có nên duy trì hội thi giáo viên giỏi cấp trường?
Có nên duy trì hội thi giáo viên giỏi cấp trường?

Nên tôi đề xuất mỗi giáo viên dự thi từ 1 đến 2 tiết thực dạy tại điểm của hội thi nhưng phòng dự thi có gắn camera và ban giám khảo xem và đánh giá tiết dạy trên màn hình phân tích và đánh giá kết quả tại chỗ.

Thông báo kết quả cho giáo viên dự thi ngay sau khi kết thúc tiết dạy, việc này tránh tiêu cực của ban giám khảo và thí sinh cũng như lưu lại bằng chứng khi có khiếu nại, bức xúc…

Hoặc nếu dự thi tại đơn vị để tránh xáo trộn thì tôi đề nghị không báo trước, có thể báo trước tuần hoặc tháng để giáo viên đăng ký dự thi luôn trong tâm thế chuẩn bị và cố gắng giảng dạy từng tiết chứ không phải chỉ cố gắng trong tiết dự thi và ban giám khảo khi đó đánh giá từng nội dung nhẹ nhàng nhưng phải đảm bảo công tâm, khách quan, ghi nhận sự nỗ lực, phấn đấu.

Tiếp theo tôi đề xuất là để được công nhận giáo viên giỏi thì không có gì đáng ghi nhận và tôn vinh bằng việc bồi dưỡng học sinh đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi các cấp, bồi dưỡng học sinh tham gia đạt giải các phong trào như văn hay chữ tốt, kể chuyện Bác Hồ…

Việc này sẽ tránh được việc giáo viên không cố gắng bồi dưỡng kiến thức, muốn đạt giáo viên giỏi phải cố gắng bồi dưỡng kiến thức và nhà trường phải tạo điều kiện cho giáo viên tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi xoay vòng để tay nghề của mỗi giáo viên được nâng cao nhằm đáp ứng nhu cầu.

Tóm lại về hội thi giáo viên giỏi thì tôi đề nghị hội thi làm 3 phần: Phần I: Giảng dạy 2 tiết (đánh giá qua camera, công bố công khai), phần II: Kiểm tra kiến thức chuyên môn trên máy tính hoặc đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ đến thời điểm dự thi, phần III: Phải có học sinh giỏi, đạt phong trào cấp Huyện trở lên.

Cuối cùng tôi đề nghị bỏ hội thi giáo viên giỏi giỏi cấp trường vì nó không hiệu quả, tốn thời gian, kinh phí và tăng chế độ khen thưởng cho giáo viên đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp huyện trở lên.

NHẬT KHOA