LTS: Đưa ra quan điểm và suy nghĩ của mình về việc cần nâng cao trình độ cho giáo viên, nhà giáo Phan Tuyết tiếp tục có những chia sẻ về vấn đền này.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Tiến sĩ Nguyễn Kim Dung – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh đã đưa ra một đề xuất là giáo viên trung học phổ thông cần có bằng Thạc sĩ về giáo dục đã dẫn đến nhiều tranh luận trong đội ngũ giáo viên các cấp học.
Đa phần các ý kiến đều phản đối và cho rằng đội ngũ giáo viên chỉ có bằng cử nhân của 30-40 năm về trước nhưng chất lượng giảng dạy của họ vượt trội hơn hẳn nhiều lớp trẻ hiện nay có bằng Thạc sĩ, thậm chí Tiến sĩ.
Nâng cao chất lượng, trình độ giáo viên (Ảnh minh họa: baophuyen.com.vn) |
Đi học Thạc sĩ để đủ tiêu chuẩn này nọ, chứ không phải nâng cao lên hiệu quả giảng dạy. Đây là đề xuất gây lãng phí nguồn lực xã hội.
Những vấn đề có thể phát sinh nếu đề xuất này được thực hiện, bao gồm: lãng phí thời gian, công sức, tiền của; ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình giáo viên; dòng tiền đổ ào ạt về cơ sở đào tạo thạc sĩ sẽ nảy sinh nhiều tiêu cực.
Và đến lúc đó, Việt Nam sẽ đi đầu thế giới về bằng thạc sĩ, nhưng chất lượng giáo dục sẽ càng thụt lùi.
Đó là những nhận định đã nhận được sự đồng tình của số đông đảo bạn đọc mà trong đó phần lớn là những người nằm trong ngành giáo dục.
Sẽ có người thắc mắc “việc học và nâng cao trình độ người thầy luôn là điều tốt. Vậy lý do gì lại bị phản đối nhiều đến mức như thế?”.
Thực tế đã chứng minh
Bị phản ứng nhiều vì thực tế đã chứng minh kiểu học tập để nâng cao trình độ cho giáo viên, cho cán bộ quản lý trong ngành giáo dục hiện nay thực chất chỉ là cách hợp thức hóa tấm bằng cho người học.
Còn việc trình độ nhận thức được nâng cao sau thời gian học tập lại chẳng có là bao.
Nguyên nhân có nhiều nhưng chủ yếu tập trung vào giáo trình bồi dưỡng không phù hợp, vào cách dạy, cách quản lý việc học của các trường, cách học mang nhiều tính đối phó của học viên.
Nhiều năm về trước, giáo viên bậc tiểu học chỉ mới có trình độ 7 + 2, 9 + 3 cao nhất là 12 + 2 nhưng những thầy cô giáo ấy, dạy học vô cùng chất lượng.
Bằng chứng là kiến thức của học sinh nắm rất chắc mặc dù các em cũng không đi học thêm.
Những năm về sau này, trình độ giáo viên ở bậc tiểu học đã được nâng lên cao đẳng, đại học.
Nhưng theo đánh giá của nhiều người, chất lượng dạy học của những giáo viên này có phần thua xa lớp anh chị ngày trước. Họ không chỉ thua về kĩ năng sư phạm mà kiến thức nghề cũng không bằng.
Điều đó dẫn đến chất lượng học tập của học sinh cũng vô cùng bết bát, ngày một nhiều học sinh ngồi nhầm lớp, kĩ năng sống thiếu trầm trọng.
Văn bằng được nâng cấp, trình độ thì vẫn vậy
Văn bằng được nâng lên nhưng trình độ nhận thức không tăng nguyên do nhiều trường đại học, cao đẳng đã quá dễ dãi trong việc tuyển sinh và bồi dưỡng.
Có trường chỉ quản lý học viên theo sự báo cáo của cán bộ lớp mà thiếu sự giám sát, kiểm tra.
Học viên lại có tâm lý “mình biên chế chắc ăn, học hay không cũng chẳng ảnh hưởng gì đến công việc. Chỉ là học để hợp thức hóa cái bằng”.
Thế là kiểu vừa học vừa chơi, học cho có khá phổ biến. Tình trạng học thay, thi hộ đã xảy ra không ít.
Giáo trình nâng trình độ đào tạo giáo viên quá cũ, quá lạc hậu và xa rời thực tế. Dẫn đến việc giáo viên mang tính đối phó nhiều hơn học.
Đơn cử, trong giáo trình đào tạo giáo viên tiểu học (có trình độ đại học) có học phần toán cao cấp.
Có thể nói rằng, để hiểu và học được phần toán cao cấp này chỉ khoảng 10% giáo viên là nhiều. Vậy 90% giáo viên còn lại họ làm gì để vượt qua học phần?
Bài thi ở nhà, họ nhờ người giải hộ (phần nhiều nhờ sinh viên đại học chính quy).
Bài thi hết học phần thì nhờ thầy cô ôn tập (ôn trúng 100% luôn chứ không chỉ mớm đề, nhá đề).
Vậy nên dù có qua được học phần thì kiến thức của những học viên cũng chẳng thể nâng lên dù chỉ là một chút.
Có những giáo viên đang dạy bậc trung học phổ thông mà tác giả bài viết từng biết họ đi học thạc sĩ. Thế nhưng thời gian họ ở nhà dạy thêm nhiều hơn thời gian đi học.
Sau 2 năm cũng có tấm bằng thạc sĩ trong tay. Nhưng, chắc chắn kiến thức bạn ấy học được sau khi có tấm bằng ngỡ danh giá ấy có lẻ cũng chẳng hơn gì lúc mới chỉ có tấm bằng cử nhân.
Trình độ giáo viên phải ngày một nâng lên là đáng mừng. Nhưng nên khuyến khích họ học lên ngay từ khi đang còn là sinh viên.
Đừng nên đưa ra đề án chuẩn hóa, bồi dưỡng sau khi họ đã có chân đứng trong ngành giáo dục.
Việc làm này chẳng những không nâng cao trình độ nhận thức cho họ mà còn gây hao tốn một khoản tiền ngân sách vô ích với cả nhà nước lẫn cá nhân người học.