NATO tham khảo chiến thuật Crimea của Quân đội Nga

22/08/2015 07:44
Việt Dũng (nguồn Tin tức Tham khảo)
(GDVN) - NATO tổ chức cuộc diễn tập nhảy dù quy mô lớn nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh, có hơn 4.800 binh sĩ đến từ 11 nước tham gia, kích động Nga phản ứng.

Tờ "Tin tức Tham khảo" Trung Quốc ngày 21 tháng 8 dẫn trang mạng "Quan điểm" Nga ngày 19 tháng 8 đăng bài viết "Diễn tập nhảy dù quy mô lớn nhất của NATO ở châu Âu không dọa được Nga" của tác giả Roman Kretsul.

Một binh sĩ NATO đứng dưới cánh máy bay vận tải C-130 Hercules
Một binh sĩ NATO đứng dưới cánh máy bay vận tải C-130 Hercules

Theo bài viết, NATO đã khởi động cuộc diễn tập quân sự nhảy dù có quy mô lớn nhất kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh đến nay. Có nhà quan sát cho rằng, cuộc diễn tập có tính thị uy, ý nghĩa chính trị lớn hơn ý nghĩa quân sự. Thành phần nước tham gia của châu Âu đã cho thấy rất nhiều vấn đề.

Cuộc diễn tập quân sự nhảy dù lớn nhất sau Chiến tranh Lạnh của NATO tổ chức ở châu Âu, khởi động vào ngày 15 tháng 8, nhưng ngày 19 tháng 8 mới chính thức tuyên bố. Cuộc diễn tập quân sự sẽ kéo dài đến ngày 13 tháng 9.

Tham dự cuộc diễn tập quân sự "Phản ứng nhanh-15" có hơn 4.800 binh sĩ đến từ 11 nước. Những nước này gồm Bulgaria, Anh, Đức, Hy Lạp, Tây Ban Nha, Italia, Hà Lan, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Mỹ và và Pháp.

Bộ tư lệnh lục quân Mỹ tại châu Âu cho biết, đây là "hoạt động diễn tập nhảy dù liên hợp quân đồng minh quy mô lớn nhất được tổ chức ở đại lục châu Âu kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh đến nay".

Diễn tập nhảy dù (ảnh minh họa)
Diễn tập nhảy dù (ảnh minh họa)

Quân đội Mỹ cho biết, mục đích diễn tập là nâng cao tính thống nhất hiệp đồng tác chiến của "lực lượng sãn sàng chiến đấu cao", đồng thời "phô diễn năng lực triển khai nhanh chóng quân đội và tác chiến của NATO để bảo vệ một châu Âu mạnh mẽ và an toàn".

Điểm sáng của cuộc diễn tập sẽ là diễn tập nhảy dù được tiến hành vào ngày 26 tháng 8. Khoa mục này sẽ tiến hành ở khu huấn luyện Hohenfels của Đức và khu huấn luyện Novo Selo của Bulgaria. Dự tính, 2 khu huấn luyện sẽ lần lượt nhảy dù hơn 1.000 lính dù và trang bị quân sự.

Diễn tập nhảy dù là một phần của chính sách tổng thể xây dựng và tăng cường lực lượng phản ứng nhanh của NATO ở lục địa châu Âu. Quân đội Mỹ đã tham khảo kinh nghiệm dùng binh của Nga trong sự kiện Crimea, đã công bố văn kiện tư tưởng tác chiến "Giành chiến thắng trong thế giới phức tạp" vào mùa thu năm 2014.

Trong văn kiện này, Mỹ đề nghị từ bỏ học thuyết tác chiến lục-không quân lỗi thời. Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ Raymond Odierno cho biết: "Chúng tôi cần quân đội như này, nó có tính thích ứng và tính sáng tạo, nắm quyền chủ động và có thể dùng các loại phương thức để giải quyết vấn đề.

Điều này không đơn thuần là dùng vũ lực giải quyết vấn đề, đây là dựa vào sự thống nhất liên hợp giữa các cơ quan để giải quyết vấn đề".

Một binh sĩ NATO đứng canh dưới cánh máy bay vận tải C-130 Hercules
Một binh sĩ NATO đứng canh dưới cánh máy bay vận tải C-130 Hercules

Tư lệnh Bộ tư lệnh huấn luyện và giáo dục lục quân Mỹ David Perkins tiến hành so sánh tư tưởng "giành chiến thắng trong thế giới phức tạp" với tư tưởng tác chiến lục-không quân được đưa ra trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

David Perkins chỉ ra, căn bản của quan điểm thời kỳ Chiến tranh Lạnh là "vấn đề số học" của số lượng xe tăng và vũ khí pháo. Ông cho rằng, chiến tranh hiện đại là "hỗn loạn, không thể giải quyết và không thể dự đoán", mối đe dọa hiện đại "là không thể làm rõ".

Quân đội cần phát triển lực lượng bộ binh cơ động quy mô không lớn, có trang bị hoàn hảo và huấn luyện tốt, có thể áp dụng hành động ở bất cứ khu vực nào trên Trái đất trong thời gian ngắn nhất.

Nhà tư tưởng quân sự Mỹ đặc biệt coi trọng huấn luyện binh sĩ, đề nghị không nên lệ thuộc quá mức vào ưu thế kỹ thuật của Mỹ, bởi vì điều quyết định thắng bại là ai có thể sử dụng tốt hơn vũ khí trang bị của mình.

Moscow coi cuộc diễn tập của NATO là tín hiệu rõ ràng. Viện trưởng Leonid Ivashov Viện nghiên cứu vấn đề địa-chính trị Nga cho rằng, cuộc tập trận của NATO có ý nghĩa khiêu khích, mục đích là kích động phản ứng của Nga.

Diễn tập nhảy dù (ảnh minh họa)
Diễn tập nhảy dù (ảnh minh họa)

Leonid Ivashov cho rằng: "Có ý đồ kích động Nga đưa ra hành động phản ứng ở Ukraine, Tiraspol và Kaliningrad, điều này cho thấy quân đội NATO đang chờ đợi cơ hội gây xung đột vũ trang".

Trả lời phỏng vấn báo chí, Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban trung ương "Liên minh lực lượng nhảy dù Nga", thượng tá Valery Yurev cho rằng: "Khi tính toán hành động tác chiến thực sự, thường phải che giấu ý đồ và hành vi của mình. Hiện nay, cuộc diễn tập nhảy dù của NATO chỉ là trò chơi kích thích thần kinh.

Họ muốn dùng thực lực của mình để tiến hành hăm dọa, cho thấy chuẩn bị sử dụng lực lượng phản ứng nhanh của mình, trong đó bao gồm lực lượng nhảy dù. Nhưng họ sẽ không dọa được Nga".

Chuyên gia Alexander của Hiệp hội các nhà bình luận quân sự cho rằng: "NATO ngày càng liên tiếp tổ chức diễn tập quân sự, quy mô diễn tập cũng ngày càng lớn, tôi sẽ không nói điều này đã tạo ra mối đe dọa quân sự nghiêm trọng nào đó, nhưng mức độ điên cuồng tiến hành chuẩn bị khai chiến với Nga luôn tăng lên chứ không giảm đi.

Diễn tập nhảy dù (ảnh minh họa)
Diễn tập nhảy dù (ảnh minh họa)

Quy mô của cuộc diễn tập quân sự lần này tuy lớn, nhưng các nước tham gia tương đối hạn chế. Điều tôi quan tâm là Hy Lạp tham gia diễn tập, trong khi đó, các nước như Czech, Slovakia, Hungary không tham gia.

Điều này cho thấy, khi leo thang tình hình căng thẳng, hoàn toàn không phải tất cả các nước thành viên NATO đều tán thành đối đầu điên cuồng với Nga".

Việt Dũng (nguồn Tin tức Tham khảo)