"Nga củng cố kiểm soát Kuril nhằm vào Mỹ nhiều hơn là Nhật Bản"

26/08/2015 09:27
Nguyễn Hường
(GDVN) - Gốc rễ sâu xa của mối quan hệ cơm không lành canh không ngọt giữa hai gã khổng lồ này nằm thực chất có liên quan tới Hướng dẫn hợp tác quốc phòng Nhật-Mỹ.

Việc Tokyo quyết định hoãn kế hoạch thăm Moscow vào cuối tháng này của Ngoại trưởng Fumio Kishida được giới quan sát xem là tín hiệu nhằm phản đối chuyến thăm của Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đến quần đảo tranh chấp Kuril hay Nhật Bản gọi là Vùng lãnh thổ phía Bắc. Động thái này đã xóa tan những triển vọng về việc cải thiện quan hệ giữa hai nước.

Tuy nhiên, theo đánh giá của chuyên gia M.K. Bhadrakumaron viết trên tờ Asia Times, đây chỉ là biểu hiện mới nhất của mối quan hệ bất ổn định giữa Nga và Nhật. 

Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã đến thăm quần đảo Kuril bất chấp phản đối của Tokyo.

Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã đến thăm quần đảo Kuril bất chấp phản đối của Tokyo. 

Gốc rễ sâu xa của mối quan hệ cơm không lành canh không ngọt giữa hai gã khổng lồ này nằm thực chất nằm ở việc phát hành Hướng dẫn hợp tác quốc phòng Nhật-Mỹ phiên bản bản sửa đổi hồi tháng 4, đây là một phần kết quả chuyến thăm Washington của Thủ tướng Shinzo Abe.

Tài liệu này được xây dựng lần đầu vào năm 1979, trong đó phác thảo các hợp tác quân sự giữa Nhật Bản và Mỹ trong trường hợp Liên Xô tấn công quân sự Nhật Bản. Nó cũng đã được cập nhật vào năm 1997 khi xảy ra Chiến tranh Lạnh và sau đó cũng đã được sửa đổi một lần nữa để phù hợp với sự thay đổi tình hình địa chính trị trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Lần cập nhật mới nhất của tài liệu Hướng dẫn hợp tác quốc phòng Nhật-Mỹ được đánh giá chung là một đối sách để đối phó với sự gia tăng "quyết đoán" của Trung Quốc. Tuy nhiên trên thực tế tài liệu này cũng gây ra những tác động sâu sắc đối với Nga.

Xét về bản chất, phiên bản sửa đổi của Hướng dẫn về hợp tác quốc phòng Nhật-Mỹ sẽ đưa Nhật Bản đóng vai trò tích cực hơn trong việc hỗ trợ các hoạt động của Mỹ trên toàn cầu.

Đặc biệt là tài liệu này đã nhấn mạnh tới tầm quan trọng của hợp tác Mỹ-Nhật trong lĩnh vực phòng thủ tên lửa đạn đạo hay BMD. Trên thực tế Mỹ đã bắt đầu triển khai hệ thống BMD tại Nhật Bản.

Động thái này diễn ra trong thời điểm lợi ích của Nga và Mỹ đang có xung đột tại Đông Bắc Á, khu vực đang tiềm ẩn nguy cơ xảy ra xung đột toàn cầu. Nga hiện nay không còn thấy liên minh Mỹ-Nhật là một yếu tố ổn định trong khu vực, còn Moscow cũng đã mất đi vai trò tiềm năng của nó là người "cân bằng" trong khu vực.

Nga muốn xây dựng Kuril thành tuyến phòng thủ đầu chống lại chiến lược của Mỹ trong khu vực.
Nga muốn xây dựng Kuril thành tuyến phòng thủ đầu chống lại chiến lược của Mỹ trong khu vực. 

Trong khi đó, niềm hy vọng của Nga rằng Nhật Bản có thể theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập, không phụ thuộc quá nhiều vào hệ thống đồng minh của Mỹ cũng đã tiêu tan khi Tokyo ủng hộ Mỹ trừng phạt Moscow do liên quan tới cuộc khủng hoảng ở Ukraine. 

Nga rất lo ngại rằng việc Mỹ triển khai BMD trên các nước láng giềng có thể thúc đẩy các quốc gia này thực hiện các tuyên bố về lãnh thổ của mình. Nỗi lo ngại này cũng đã được đề cập đến khá rõ trong Điều 12 Học thuyết quân sự Nga.

Mặc dù Washington và Tokyo trấn an rằng kế hoạch triển khai BMD của họ không nhắm vào Nga và không xem Moscow là mối đe dọa, nhưng trong tình trạng quan hệ Nga-Mỹ hiện nay, tuyên bố này không thể trấn an được Moscow, đặc biệt là khi Thủ tướng Abe đang tìm cách thông qua dự luật gây tranh cãi cho phép quân đội tham gia các cuộc chiến tranh ở bên ngoài lãnh thổ lần đầu tiên kể từ sau Thế chiến II.

Nhìn chung theo quan điểm của Nga, dự luật mà Thủ tướng Abe đang theo đuổi là bằng chứng cho thấy Tokyo đã nhượng bộ trước áp lực của Mỹ để tham gia nhiều hơn vào chiến lược tái cân bằng quyền lực tại châu Á.

Mặc dù Moscow không bày tỏ trực tiếp và mạnh mẽ lo ngại này của mình như Bắc Kinh, nhưng cảm giác bất an sâu sắc chắc chắn là có và nó được thể hiện thông qua các chính sách củng cố quyền kiểm soát Kuril của Moscow, tác giả bài viết nhấn mạnh.

Theo Thời báo Hoàn cầu, việc củng cố sự hiện diện ở Kuril còn giúp Nga củng cố tuyến phòng thủ đầu của đất nước, củng cố sự hiện diện chiến lược mạnh mẽ ở Bắc Cực, qua đó cho phép họ có thể truy cập vào tất cả các đại dương trên thế giới.
Theo Thời báo Hoàn cầu, việc củng cố sự hiện diện ở Kuril còn giúp Nga củng cố tuyến phòng thủ đầu của đất nước, củng cố sự hiện diện chiến lược mạnh mẽ ở Bắc Cực, qua đó cho phép họ có thể truy cập vào tất cả các đại dương trên thế giới. 

Trong nỗ lực đối phó với mối đe dọa này, Moscow một mặt tăng cường quan hệ với đồng minh Bắc Kinh. Mặt khác trong tháng 6, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã ra lệnh việc đẩy nhanh xây dựng các cơ sở hạ tầng quân sự và dân sự trên quần đảo Kuril.

Ngày 24 tháng 7, ông Shoigu tuyên bố rằng quân đội Nga sẽ triển khai tới các quần đảo Kuril vào tháng Chín. Nga cũng lên kế hoạch tổ chức các cuộc tập trận mới tại quần đảo tranh chấp này. 

Đầu tháng này, chính phủ Nga phê duyệt chương trình mục tiêu liên bang cho việc phát triển kinh tế-xã hội chung của quần đảo Kuril trong 10 năm tới với chi phí lên tới 1,5 tỉ USD. Thủ tướng Medvedev, người vừa đến thăm khu vực này bất chấp phản đối của Tokyo, cho biết chương trình này sẽ giúp biến Kuril thành một lãnh thổ hiện đại của Nga. 

Trung Quốc đã bày tỏ ủng hộ quan điểm của Nga trong vấn đề Kuril. Trong bài bình luận gần đây, tờ Thời báo Hoàn cầu chỉ ra rằng: "Nga và Nhật Bản có xung đột về lợi ích chiến lược... mối đe dọa lớn nhất của Moscow đến từ liên minh quân sự do Mỹ thống trị, trong đó Nhật Bản đang đóng vai trò tích cực".

Theo Thời báo Hoàn cầu, việc củng cố sự hiện diện ở Kuril còn giúp Nga củng cố phòng thủ "tuyến đầu của đất nước", củng cố sự hiện diện chiến lược mạnh mẽ ở Bắc Cực, qua đó cho phép họ có thể truy cập vào tất cả các đại dương trên thế giới. 

Theo Bhadrakumaron, chuyến thăm nhiều mong đợi của Tổng thống Nga Vladimir Putin đến Nhật Bản có thể không diễn ra trong năm nay. Các mối quan hệ Nga-Nhật có thể giảm mạnh hơn nữa nếu Moscow sát cánh với Trung Quốc chống lại kế hoạch triển khai BMD của Mỹ tại Nhật Bản. Chuyến thăm sắp tới của ông Putin ở Bắc Kinh có thể sẽ mang đến những thay đổi quan trọng trong việc tổ chức lại chiến lược khẩn cấp ở vùng Viễn Đông.

Nguyễn Hường