Học sinh này đã từng một chữ cắn 4, 5, 6 cũng không biết chứ đừng nói đến một chữ cắn đôi thế mà bây giờ tối nào cũng nhoay nhoáy nhắn tin với zalo với thầy Thành.
Họ là những học sinh u50, u60, u70 của thầy Thành - vị hiệu trưởng gắn liền với giai thoại đốt đuốc đi tìm học sinh nổi tiếng đất Yên Bái.
Tên của thầy là Nguyễn Đức Thành, Hiệu trưởng Trường tiểu học và trung học cơ sở Nậm Búng, xã Nậm Búng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái.
Phòng làm việc dưới chân cầu thang
Nhìn cơ ngơi khang trang của Trường Nậm Búng chắc không ai có thể nghĩ rằng phòng làm việc của Hiệu trưởng lại ở chân cầu thang.
Ban đầu nhiều người (cả phụ huynh và các đồng nghiệp) to nhỏ sau lưng bảo thầy bị hâm, thích thể hiện, chơi trội…Thầy chỉ cười, xuề xòa cho qua.
Thầy lý giải: “Tôi bố trí phòng làm việc và chỗ nghỉ ở chân cầu thang vì cơ sở vật chất của trường học không cho phép và mình ở lại trường tiện việc chăm sóc, trông coi trẻ”.
Thầy Thanh tâm niệm muốn học sinh không bỏ học trước tiên phải yêu thương như con. |
Có một dạo Trường Nậm Búng là một trong những điểm nóng về giáo dục của tỉnh Yên Bái. Nổi cộm nhất là tình trạng học sinh bỏ học, thời gian cao điểm số học sinh bỏ học lên đến 30 em.
Đang trong thời điểm nước sôi lửa bỏng, thầy Nguyễn Đức Thành khi đang là Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Thượng Bằng La xung phong nhận nhiệm vụ tại Trường Nậm Búng.
Những ngày đầu nhậm chức, thầy cùng với 10 thầy cô trong trường đốt đuốc, vén sương mù lặn lội vào những bản người Mông, người Dao, người Thái sâu trong con đèo Khau Phạ. Có những đêm phải cuốc bộ 10km vì trời mưa, xe máy không vào được.
Thời điểm đó các học sinh người Dao bỏ học nhiều. Đứa thì kêu đi học nhớ nhà, đứa thì xin thầy cho nghỉ học qua tháng Giêng vì: “ở bản em có tục lệ phải kiêng”.
Người Dao họ kiêng không đi ra ngoài vào những ngày gọi là kiêng Hổ kéo dài từ đầu tháng Giêng âm lịch đến ngày mùng 3 trong tháng. Rồi là kiêng gió, kiêng nắng, kiêng đá, kiêng cây…
Do vậy, để thay đổi nhận thức đã ăn sâu vào trong tâm thức của các em không phải là một điều dễ dàng.
Thầy Thành mang câu chuyện này ra giữa chi bộ thôn, xã và nhất quyết trẻ con phải được đi học. Gia đình không nghe, thầy cô của trường đốt đuốc lên từng bản vận động.
Lần một gia đình họ tiếp, lần hai họ khó chịu ra mặt, lần ba họ đuổi thằng:“thôi thằng thầy Thành nghe tao về đi tao không cho con đi học đâu. Nó ở nhà còn đỡ đần được tao và làm ra tiền, cho nó đi học chẳng được gì mà còn mất tiền xăng xe máy chở đi”.
Thầy Thành buồn nhưng không nản tiếp tục vận động, mưa dầm thì thấm lâu ngày cứ đều đều 40km cả ra lẫn vào bản. Có khi nghe tin học sinh bỏ học đốt đuốc đi ngay trong đêm.
Năm thầy về là năm 2011, tại Trường Nậm Búng chỉ có khoảng 2% con em trong xã đi học. Đến nay gần hai nhiệm kỳ con số đó là 87%.
Từ khi thầy Thành về làm hiệu trưởng, phong trào học tập và văn thể mỹ của trường Nậm Búng được nâng cao rõ rệt. |
Những ngày đầu thầy đi xe máy đến chai cả tay, rụt cả cổ vì lạnh vào tận trong bản phổ cập giáo dục cho những học sinh đặc biệt u50, u60 trong xã.
Thầy cười phấn khởi: “Tối nào cũng vài bác gọi điện cho anh bảo là thằng thầy Thành lên zalo chém gió cho vui.
Bây giờ nhận thức của bà con cũng khá rất nhiều, họ cho con đi học, muốn có học giỏi và đỗ vào trường nội trú”.
Mỗi năm xã Nậm Búng có được 2 chỉ tiêu vào trường nội trú Văn Chấn. Trường nội trú cấp 2 tại các tỉnh miền núi tương đương như trường chuẩn ở dưới xuôi vậy.
Ở đó người ta gọi là những tinh hoa của người dân tộc. Các em học giỏi, vẽ đẹp và hát hay, thể dục thể thao cái gì cũng giỏi.
Ngày đó những người đàn bà Dao, Mông, Tày đi bộ từ trong bản ra, họ ngồi chờ ở Ủy ban xã và nộp hồ sơ cho con cháu thi vào trường nội trú.
Năm nay, bản nào có con em được vào trường nội trú, thôn sẽ tổ chức ăn mừng to như sinh nhật (đối với người Dao ngày sinh nhật là ngày quan trọng nhất).
Thầy Thành đúc kết: “Thực ra trẻ con miền núi rất thông minh và có nhu cầu được đi học. Đi học và học giỏi để đổi đời”.
Triết lý giáo dục lấy dân làm gốc
Để có được thành công như ngày hôm nay, thầy Thành luôn quan niệm:
“Phải chăm học sinh như chăm con. Có khi còn khó hơn chăm con nữa. Vì con cái mình có thể bảo ban, nhắc nhở, cáu quá thì mắng một hai câu nhưng học sinh thì không thế được. Phải nhẹ nhàng với các em không nó giận nó bỏ về nhà đấy.
Từ ngày trường chuyển lên thành trường bán trú các thầy cô phải kiêm thêm cả nhiệm vụ chăm sóc trẻ về miếng ăn, giấc ngủ”.
Không chỉ là một người hiệu trưởng tâm huyết mà thầy Thành còn rất tích cực đóng góp chung vào phong trào văn hóa của xã Nậm Bụng.
Triết lý giáo dục lấy dân làm gốc của thầy Thành không chỉ coi trọng việc học tập mà còn mong muốn nâng cao dân trí, thay đổi nhận thức của bà con dân tộc. |
Từ ngày thầy về bà con trong xã có nơi để đánh bóng chuyền, cầu lông. Nơi để đá bóng, tổ chức văn nghệ.
Thầy cho xây dựng nhà đa năng, buổi trưa làm khôn gian cho học sinh ăn cơm. Buổi tối là nơi cho bà con đến đánh bóng chuyền. Những ngày kỉ niệm là sân khấu diễn ra các hoạt động văn nghệ, chào mừng.
Những thiết kế 2, 3 in 1 được thầy lồng ghép nhiều mục đích khác nhau. Thầy cho rằng việc dạy trẻ là công việc tức thời, việc khó khăn hơn là thay đổi nhận thức về việc học của bà con trong xã.
Để họ có thể hiểu hơn ý nghĩa của việc học, nâng cao dân trí, tạo một môi trường lành mạnh từ gia đình, thôn bản đến nhà trường.
Để làm được những điều này thầy Thành cho rằng: “Việc đầu tiên mình phải gần gũi với bà con, đừng tạo khoảng cách. Chăm lo cho con em họ bằng cả tấm lòng. Không chỉ với học sinh trường mình mà còn với tất cả các em khác.
Ở đâu cũng là học sinh cả. Và mình phải đặt tấm lòng nhà giáo lên làm đầu. Trong bất cứ thời điểm nào cũng phải lấy dân làm gốc và tôi đã đúng khi làm việc với suy nghĩ và trái tim mách bảo”.
Bên cạnh công tác dạy học và dân vận thầy còn là một hiệu trưởng vô cùng đa năng. Thầy thiết kế và tự đóng giá để bát đũa, thiết kế phòng đa năng, đứng ra vận động xin bà con 5.000m2 đất để làm sân bóng cho trẻ con vui chơi.
Thầy cũng thường xuyên đứng ra vận động quyên góp cho các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trong bản, xã để các em có thể đi học. Bản thân thầy cũng nhận 2 bé làm con nuôi cho ăn học tử tế.
Chia tay thầy Thành giữa con đèo Khau Phạ còn chưa tắt nắng thầy chia sẻ về kế hoạch chuyển trường, Thầy nói:
“Tôi muốn đi tìm những thử thách mới. Tôi muốn đến những ngôi trường như Nậm Búng 5,6 năm trước để có thể giúp cho nhiều học sinh nơi khác được như học sinh Nậm Búng bây giờ”.
Thân hình mảnh khảnh tay dắt một em học sinh nhỏ, bóng thầy trải dài trên con đường bất tận - gieo chữ vùng non cao.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Nậm Búng - ông Phạm Bá Dư cho biết: “Các công trình thể thao không chỉ phục vụ học sinh mà còn đáp ứng nhu cầu của nhân dân trong xã. Ngoài giờ học của các cháu, bà con có thể đến chơi bất cứ lúc nào. Vào ngày nghỉ, nhà đa năng và sân khấu của trường còn được bà con nhờ làm nơi tổ chức đám cưới. Thầy Thành biết “lấy dân làm gốc” nên bà con Nậm Búng coi thầy như con em trong bản. Thầy còn vận động và kêu gọi được nhiều nguồn kinh phí, hỗ trợ; bà con hiến 5.000 m2 đất để làm sân vận động, 3.000 m² đất để làm nhà công vụ và nhà ở bán trú cho học sinh… Tổng kinh phí cho việc mở rộng quỹ đất và xây dựng cơ sở vật chất cho Trường tiểu học và trung học cơ sở bán trú Nậm Búng lên đến cả tỷ đồng”. |