Người lao động cần chủ động tố cáo doanh nghiệp nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội

22/11/2019 10:37
Vũ Phương
(GDVN) - Ngoài công tác thanh tra, kiểm tra, công tác đấu tranh phòng, chống các tội phạm trong lĩnh vực bảo hiểm rất cần có sự lên tiếng, tham gia của người lao động.

Trước đây việc người lao động bị chủ doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp là chuyện không hiếm. Tuy nhiên, vì miếng cơm manh áo, người lao động phải im lặng.

Nếu có muốn khởi kiện doanh nghiệp, người lao động phải thực hiện các thủ tục ủy quyền khởi kiện chủ sử dụng lao động nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp hết sức rườm rà, khó khăn… điều này khiến người lao động rất e ngại.

Giải thích việc vì sao phải ủy quyền của người lao động tại doanh nghiệp, lúc đó công đoàn cơ sở mới khởi kiện chủ sử dụng lao động với hành vi trốn đóng, nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Đó là cơ chế uỷ quyền khởi kiện dân sự.

Cần những giải pháp mạnh tay hơn nữa với doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội
Cần những giải pháp mạnh tay hơn nữa với doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội

Vụ việc 4 công nhân từng làm việc cho Công ty trách nhiệm hữu hạn Nam Phương (Khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh) đã thắng kiện (tháng 9/2018) buộc chủ doanh nghiệp phải thực hiện nghĩa vụ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, trợ cấp thai sản đối với người lao động là tín hiệu đáng mừng.

Điều đáng mừng ở đây là người lao động đã ý thức được quyền lợi của mình tại doanh nghiệp không được đảm bảo họ hoàn toàn có thể khởi kiện ra tòa để quyền lợi chính đáng của mình.

Để tháo gỡ nút thắt người lao động muốn khởi kiện doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục ủy quyền và đảm bảo quyền lợi chính đáng của người lao động, từ ngày 1/1/2018, những hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động là tội phạm hình sự.

Do đó, nghị quyết nêu rõ: Khi phát hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm quy định tại các điều 214, 215, 216 của Bộ luật Hình sự, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan bảo hiểm xã hội gửi văn bản kiến nghị khởi tố kèm theo chứng cứ, tài liệu có liên quan đến cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để xem xét, khởi tố theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự.

Trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp không còn là hành vi khởi kiện dân sự. Do đó, tổ chức Công đoàn, tổ chức đại diện cho người lao động… khi phát hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm quy định tại các điều 214, 215, 216 của Bộ luật Hình sự thì thông báo ngay đến cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để xem xét, khởi tố theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức tuyên truyền trực tiếp pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho công nhân, người lao động, người sử dụng lao động. Ảnh: Sở Tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh.
Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức tuyên truyền trực tiếp pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho công nhân, người lao động, người sử dụng lao động. Ảnh: Sở Tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh. 

Bên cạnh đó, Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP ngày 15/8/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao có hiệu lực từ ngày 1/1/2019 cũng có nhiều điểm mới. Như vậy, người lao động hoàn toàn có thể tố cáo doanh nghiệp nợ, trốn đóng bảo hiểm để đảm bảo quyền lợi của mình.

Trước đó, Toà án Nhân dân Tối cao phối hợp với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã công bố Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP ngày 15/8/2019 (Nghị quyết) của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 214 về tội gian lận Bảo hiểm Xã hội, Bảo hiểm Thất nghiệp, Điều 215 về tội gian lận Bảo hiểm Y tế và Điều 216 về tội trốn đóng Bảo hiểm Xã hội, Bảo hiểm Y tế, Bảo hiểm Thất nghiệp cho người lao động của Bộ luật Hình sự.

Nghị quyết này đã được Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao thông qua ngày 25/6/2019 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/9/2019.

Đáng chú ý, Bộ luật Hình sự năm 2015 bổ sung 3 tội danh là tội gian lận Bảo hiểm Xã hội Bảo hiểm Thất nghiệp; tội gian lận Bảo hiểm Y tế; tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.

Nhiều chuyên gia pháp lý đánh giá, việc bổ sung này đã tạo ra cơ sở pháp lý cho việc xử lý trách nhiệm hình sự các hành vi vi phạm, phần nào đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn và công tác đấu tranh phòng, chống các tội phạm trong lĩnh vực bảo hiểm.

Tuy nhiên, Bộ luật Hình sự năm 2015 vẫn còn có nhiều quy định định tính, chung chung và có cách hiểu khác nhau, cần có sự hướng dẫn để bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật.

Như vậy, người lao động không còn bị động cũng như phụ thuộc vào công đoàn nữa mà hoàn toàn có thể tố cáo, khởi kiện doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp…trốn đóng bảo hiểm xã hội.

Phiên toà bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho 196 công nhân lao động trong vụ kiện đòi nợ lương, chế độ bảo hiểm xã hội đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên TBO Vina tại Đà Nẵng vào ngày 15/11/2019. Ảnh: Ngọc Yến/Lao Động.
Phiên toà bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho 196 công nhân lao động trong vụ kiện đòi nợ lương, chế độ bảo hiểm xã hội đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên TBO Vina tại Đà Nẵng vào ngày 15/11/2019. Ảnh: Ngọc Yến/Lao Động. 

Theo các chuyên gia pháp lý, để đảm bảo quyền lợi của người lao động, hơn ai hết người lao động là người nắm rõ nhất chủ doanh nghiệp có đóng bảo hiểm xã hội cho mình hay không, doanh nghiệp có tuân thủ các quy định pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp hay không.

Bởi vậy, người lao động cũng cần chủ động tố cáo doanh nghiệp khi phát hiện hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và các quyền lợi khác của người lao động đến các cơ quan chức năng như cơ quan công an, bảo hiểm xã hội…

Về việc nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội, ông Đào Việt Ánh, Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho rằng, việc xử lý vi phạm hành vi trốn đóng, nợ đóng bảo hiểm chưa hiệu quả là một trong những nguyên nhân khiến doanh nghiệp xem nhẹ quy định của pháp luật, cố tình chây ì, trốn đóng bảo hiểm xã hội.

Ông Đào Việt Ánh nhấn mạnh, tình trạng trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của chủ sử dụng lao động đối với người lao động vẫn diễn ra phổ biến. Đồng thời tình trạng lạm dụng, trục lợi Quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp vẫn diễn ra ở nhiều địa phương, xu hướng diễn biến ngày càng phức tạp hơn.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đã thực hiện rất nhiều biện pháp, từ tuyên truyền, giải thích, đến thanh tra, kiểm tra. Mặc dù vậy, tình hình nợ đọng còn ở mức cao, trục lợi quỹ có giảm nhưng vẫn diễn biến phức tạp”.

Vũ Phương