Ngày 5/12, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức Tọa đàm “Thực trạng, nguyên nhân và giải pháp chống lãng phí nguồn lực nhà nước trong đầu tư các trường đại học, cao đẳng công lập”.
Đến dự tọa đàm có Giáo sư Nguyễn Anh Trí - đương nhiệm Đại biểu Quốc hội khóa 14.
Ông Lê Như Tiến - Đại biểu Quốc hội Khóa 13, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.
Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong.
Ông Phan Hồng Dũng, đại diện Vụ kế hoạch, Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Cô Nguyễn Thị Huế - Trưởng phòng Quản lý đất đai, Trung tâm Phát triển Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Ông Nguyễn Văn Tuấn -Trưởng ban quản lý vận hành Khu nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp.
Quang cảnh Tọa đàm “Thực trạng, nguyên nhân và giải pháp chống lãng phí nguồn lực nhà nước trong đầu tư các trường đại học, cao đẳng công lập”.(Ảnh: Thùy Linh) |
Phát biểu mở đầu tọa đàm, ông Đào Ngọc Tước – Phó tổng biên tập Báo điện tử Giáo dục Việt Nam thông tin, ngày 13/5/2018, khi tiếp xúc cử tri tại quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, không chỉ chống tham nhũng mà còn phải chống lãng phí, các hiện tượng tiêu cực khác. Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, tình trạng lãng phí đang xảy ra ở khá nhiều địa phương, dự án.
Theo đó, ông Ngọc Tước chỉ ra rằng, khu đô thị Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc (Thạch Thất, Hà Nội) được triển khai trên tổng quỹ đất lên đến 1.000 ha. Dự án được Chính phủ thông qua báo cáo nghiên cứu tiền khả thi năm 2003 do chính Đại học Quốc gia Hà Nội làm chủ đầu tư với tổng kinh phí ước tính là 7.320 tỷ đồng, sau 2 lần chuyển từ chủ đầu tư là Đại học Quốc gia Hà Nội sang Bộ Xây dựng rồi mới đây lại về Đại học Quốc gia Hà Nội.
Đến hết 2018 vốn đã huy động từ các nguồn để đầu tư xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội là 1.981.294 triệu đồng...Tổng nhu cầu vốn bổ sung để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc giai đoạn 2019 - 2020 là 1.893.011 triệu đồng.
Còn Dự án ký túc xá Pháp Vân – Tứ Hiệp có nguồn vốn 1.900 tỷ do Sở xây dựng thành phố Hà Nội làm chủ đầu tư và vận hành, tổ hợp gồm 6 toà nhà, mỗi toà gồm 19 tầng, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 22.000 học sinh, sinh viên, nhưng đến nay tỉ lệ lấp đầy ở đây chỉ khoảng 30 đến 35%, 3 / 6 tòa nhà bỏ không.
Các đại biểu tham gia tọa đàm (Ảnh: Thùy Linh) |
Trong khi đó tại thành phố Hồ Chí Minh, ngày 7/10/2019, nhiều cử tri quận Thủ Đức kiến nghị đến các đại biểu Quốc hội về dự án Khu đô thị Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh kéo dài hơn 30 năm chưa được giải quyết thỏa đáng, khiến cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng.
Dự án đầu tư xây dựng Làng Đại học Đà Nẵng được Chính phủ phê duyệt vào ngày 4/3/1997, với số vốn trên 7.000 tỉ đồng, xây dựng trên khu đất có diện tích 300 ha, trong đó, 190 ha thuộc thị xã Điện Bàn tỉnh Quảng Nam và 110 ha thuộc quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng.
Tuy nhiên, do thiếu hụt vốn và thay đổi quy hoạch phát triển nên ảnh hưởng đến thời gian, tiến độ triển khai xây dựng dự án. Sau gần 22 năm, dự án mới chỉ có 3 cơ sở được hoàn thiện cơ bản, Làng đại học Đà Nẵng như bị bỏ hoang, hàng nghìn hộ dân sống cơ cực.
Phó tổng biên tập Báo điện tử Giáo dục Việt Nam thông tin thêm, tại Hưng Yên, Khu đô thị Đại học Phố Hiến được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án từ năm 2009 với mục tiêu xây dựng nhằm đáp ứng yêu cầu mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng giáo dục đại học cho vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và vùng Thủ đô Hà Nội. Khi được phê duyệt, kinh phí dự kiến thực hiện xây dựng hạ tầng kỹ thuật dùng chung cho Khu Đại học là khoảng 4.280 tỷ đồng.
Các đại biểu tham gia tọa đàm (Ảnh: Thùy Linh) |
Đến thời điểm này, Khu đại học Phố Hiến đã có 2 trường đại học đi vào hoạt động là Trường đại học Chu Văn An và Đại học Thủy lợi. Nhưng sau đó, Cơ sở mới của Đại học Thủy Lợi tại Hưng Yên có vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng đành rút lui do hạ tầng chưa hoàn thiện.
Tình trạng lãng phí này không chỉ xảy ra với các đại học quốc gia, đại học vùng, mà ở nhiều trường đại học, cao đẳng, trung cấp địa phương.
Liên tục trong vài năm qua, Trường trung cấp Y tế Gia Lai không có thêm học sinh nào nhưng vẫn được ngân sách rót gần 15 tỉ đồng để xây dựng ký túc xá, thiết bị để rồi... bỏ không! Bỏ hàng chục tỷ đồng để xây trường nhưng chỉ học có vài tháng rồi lại bỏ hoang. Đó là cơ sở đào tạo của Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh tại tỉnh Trà Vinh.
Dự án xây dựng Trường văn hóa nghệ thuật Vĩnh Phúc được phê duyệt bởi quyết định số 1729/QĐ-CT ngày 4/6/2008 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc. Năm 2011, dự án này được khởi công xây dựng với tổng số vốn đầu tư là 76 tỷ đồng. Sau đó, dự án tiếp tục được điều chỉnh số vốn đầu tư lên đến 95 tỷ đồng.
Gần 10 năm qua, nhiều công trình đang xây dựng dở dang phần thô đã bị xuống cấp nghiêm trọng, hoang hóa, cỏ mọc um tùm. Thậm chí, người dân còn chăn bò, giăng lưới thả gà tại đây. Tính đến thời điểm hiện tại chỉ có khu giảng đường và nhà hiệu bộ được đưa vào hoạt động.
Vì vậy, ông Tước cho biết, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức cuộc Tọa đàm “Thực trạng, nguyên nhân và giải pháp chống lãng phí nguồn lực nhà nước trong đầu tư các trường đại học, cao đẳng công lập” để lắng nghe ý kiến các chuyên gia, các nhà quản lý, nhà giáo dục về thực trạng lãng phí, nguyên nhân và các giải pháp cơ chế chính sách góp ý với Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng về việc sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho giáo dục.