Sau khi có kết quả thi trung học phổ thông quốc gia, nhiều phụ huynh, thí sinh lại bắt đầu rơi vào tâm lý băn khoăn như thay đổi nguyện vọng, học trường nào để phù hợp với nhu cầu công việc sau này hay là đi học nghề…
Có nên học đại học khi nhiều trường đại học bây giờ đã khác xưa
Đừng phí thời gian cho những thứ không cần thiết. Còn việc có nên học đại học hay không, tùy thuộc vào năng lực của mỗi thí sinh.
Lương một người quản lý có bằng cấp có thể gấp vài ba lần lương một người không có bằng cấp nhưng quan trọng là bạn học xong rồi có đủ giỏi để làm quản lý hay không?
Lương cao thì sẽ đi kèm đó là yêu cầu về chuyên môn cao cùng các kỹ năng khác như: kỹ năng cứng, kỹ năng mềm, trình độ ngoại ngữ, tin học... bạn đã đáp ứng đủ chưa?
Những năm 2000 về trước, anh chị nào đỗ đại học thì liên hoan linh đình. Đó được xem là sự kiện vô cùng hoành tráng vì hồi đó đại học xa xỉ lắm, học ra trường gần như là có trong tay công việc.
Còn thực tế ngày nay, học và tốt nghiệp đại học nghe như phổ cập rồi thì phải, nếu không dám nói là quá bình thường.
Bởi, thời buổi kinh tế thị trường, các trường đại học mọc lên như nấm, rồi 8, 9 điểm cũng đỗ đại học.
Thế là người người đi học, nhà nhà cho con đi học. Với suy nghĩ “học xong sẽ có ngay một công việc ổn định, nhẹ nhàng và lương cao”.
Hãy định hướng cho tương lai của các bạn vì học đại học không đúng đắn có thể trả giá bằng thời gian, tiền bạc và tuổi trẻ. Ảnh minh họa: ajc.hcma.vn |
Tùy vào điều kiện từng gia đình, sẽ có gia đình sẽ định hướng con em của mình sẽ theo học chương trình trong nước, nước ngoài hoặc học nghề, đi làm công nhân… Tùy vào điều kiện kinh tế từng gia đình, yếu tố vùng miền, truyền thống gia đình.
Con em nông dân ở quê thường hay có tâm lý cố gắng đầu tư cho con đi học cái chữ “cho bằng con nhà người ta” nhưng học để sau này làm gì thì hầu như họ có rất ít thông tin, thậm chí hiểu mập mờ về định hướng nghề nghiệp học tập của con mình, giống như đi học theo phong trào.
Con em thành phố, gia đình có điều kiện về kinh tế thường có xu hướng cho con em mình đi học ở những trường đại học danh giá trên thế giới với những khoản học phí khổng lồ có khi bằng thu nhập cả đời làm lụng của người nông dân.
Còn số ít gia đình nông dân nghèo lại chạy theo một xu hướng du học mới đó là du học nghề.
Con em nông dân học giỏi, có trí… có ước mơ đi du học thì chỉ có cách “cày cuốc” ngoại ngữ để có cơ hội săn học bổng toàn phần mong sao vừa đạt được ước mơ mà không trở thành gánh nặng cho gia đình.
Học đại học có còn là lựa chọn số 1
Học đại học mất rất nhiều thời gian, nếu như thay vì 4 năm đại học, nếu có định hướng tốt trong 4 năm đó người ta có thể gặt hái được những thành quả nhất định, ví dụ tay nghề cao hơn, có nhiều kinh nghiệm trong công việc.
Còn học xong đại học thì ra trường tay trắng, không kinh nghiệm không vốn, kiến thức chưa chắc đã nắm tốt...
Cũng có nhiều bạn đang học dở năm 2, 3 đại học thì nghỉ học với vô vàn lý do: nào là khởi nghiệp, do đánh nhau, do ham “bốc bát họ”… thế là báo về cho bố mẹ một khoản nợ khổng lồ và bỏ học..
Nam cử nhân Báo chí cất bằng về quê làm nông nghiệp sạch hữu cơ |
Muôn vàn câu chuyện khi học đại học. Nếu bạn tích cực đi làm thêm, và được học bổng thì còn đỡ. Còn không hàng tháng vẫn cõng tiền của bố mẹ đi tiêu thôi.
Nhiều bạn trẻ đi học đại học mang trong đầu vô vàn ảo mộng. Học xong đi làm mấy nghìn đô một tháng. Kiếm thật nhiều tiền để: mua nhà, mua xe và đi du lịch. Hầu hết chúng ta đi học là để thay đổi số phận và có một tương lai tốt nhất.
Thời gian sau khi tốt nghiệp đại học ra trường phải làm trái ngành nghề như: Nhân viên kinh doanh, tiếp thị, shipper, phục vụ quán ăn, quán nhậu, quán cafe, bảo vệ, lái Grab, công nhân, bán trà đá, tự kinh doanh riêng hay về quê mở trang trại ...
Đủ các loại công việc mà đại học không dạy. Lúc này các bạn nhận ra cái bằng đại học có giá trị gì đâu?
Chúng ta làm công việc gì cũng được miễn sao không trái với đạo đức và vi phạm pháp luật là được.
Thời gian trôi qua chúng ta mới nhận ra chưa làm được gì mà đã hết cái tuổi thanh xuân rồi. Chung quy cũng tại vỡ mộng đại học.
Một số lời nhắc nhở
Nếu bạn đang băn khoăn có nên đi học đại học hay đi học nghề hoặc đi làm… tôi xin có vài ý như thế này thôi:
Bạn nên đi học đại học khi: Bạn có người định hướng rõ về công việc sau này. Nhà bạn có điều kiện. Và cái cuối cùng là bạn phải giỏi hơn số còn lại.
Bạn nên đi học nghề hoặc đi làm khi: không có những điều kiện như trên, đi làm sớm có tích lũy sớm hoặc học nghề hay xuất khẩu lao động.