Những lúc như thế này, nghĩ đến thầy cô hợp đồng mà rơi nước mắt

08/04/2020 06:21
NHẬT DUY
(GDVN) - Nhiều người vì quá yêu nghề nên khi không được tuyển dụng vào làm việc chính thức ở các nhà trường công lập thì họ đi dạy hợp đồng để chờ cơ hội được tuyển.

Những ngày này, khi mà dịch bệnh đang ảnh hưởng trực tiếp lên mọi ngành nghề, mọi gia đình thì những nhà giáo cũng không nằm ngoài những tác động đó.

Và, những nhà giáo chịu tác động nhiều nhất là những thầy cô đang dạy hợp đồng ở các nhà trường.

Hàng chục ngàn giáo viên hợp đồng phải nghỉ không có lương hoặc bị cắt giảm đi một nửa. Sự thua thiệt của giáo viên hợp đồng vốn đã tồn tại hàng chục năm qua giờ đây càng thương cảm nhiều hơn.

Gần 3 tháng qua, có lẽ sẽ là những tháng ngày khủng khiếp của nhiều giáo viên hợp đồng.

Nhiều giáo viên hợp đồng đang nghỉ không lương suốt mấy tháng qua. (Ảnh minh hoạ: Giaoducthoidai.vn)

Nhiều giáo viên hợp đồng đang nghỉ không lương suốt mấy tháng qua. (Ảnh minh hoạ: Giaoducthoidai.vn)

Những năm trước đây, khi còn ngồi ở trường phổ thông, nhiều thế hệ học sinh mong muốn sau này mình sẽ là cô giáo, thầy giáo để truyền đạt những kiến thức cho học trò của mình.

Ước mơ được theo nghề sư phạm, được đứng trên bục giảng đã là khát vọng của rất nhiều con người.

Thế nhưng, cũng có người được định hướng của gia đình, hoặc “chạy cùng sào” nên cũng thi vào sư phạm.

Và, dù từ những lý do nào đi chăng nữa thì đa phần những người học sư phạm cũng đều mong muốn khi ra trường được làm việc mà mình đã học tập trong nhiều năm trời.

Tuy nhiên, khi đã rời giảng đường đại học, cao đẳng hay trung cấp sư phạm thì số phận của những sinh viên sư phạm hoàn toàn khác nhau.

Có người được nhận nhiệm sở ngay ở các trường công lập tại địa phương của mình.

Vì thế, có người công tác ở thành phố, có người về quê, có người đến với những trường khó khăn ở miền núi, biên giới.

Nhưng cũng có người phải khăn gói đi đến nhiều vùng quê khác trên đất nước…

Như vậy, có thể cùng một ước nguyện, cùng một mục đích, lý tưởng, cùng một lớp, cùng những thầy cô như nhau nhưng số phận của mỗi sinh viên sư phạm lại hoàn toàn khác nhau khi kết thúc khóa học.

Nhưng ở đâu thì những thầy cô khi có công việc ổn định dù còn khó khăn vẫn luôn có niềm vui an ủi là được làm cái nghề mình đã yêu thích và theo đuổi.

Tuy nhiên, bên cạnh những thầy cô có việc ngay thì cũng có người phải chờ đợi vài năm, người thì chờ đợi mãi vẫn không bao giờ có cơ hội được đứng trên bục giảng nên phải đi theo một ngành nghề khác.

Những lúc như thế này, nghĩ đến thầy cô hợp đồng mà rơi nước mắt ảnh 2Thân phận giáo viên hợp đồng – đoạn trường ai có qua cầu mới hay

Nhiều người vì quá yêu nghề nên khi không được tuyển dụng vào làm việc chính thức ở các nhà trường công lập thì họ đi dạy hợp đồng.

Nếu những thầy cô may mắn được dạy ở các trường dân lập, tư thục lớn thì quyền lợi vẫn được đảm bảo, thậm chí là chế độ đãi ngộ còn nhiều hơn các trường công lập.

Nhưng, cũng có những thầy cô kém may mắn hơn thì xin đi dạy hợp đồng ở các trường công lập, các cơ sở giáo dục tư thục nhỏ.

Hợp đồng mà các giáo viên này thường ký là 1 học kỳ, 1 năm học (9 tháng) hoặc phải ký theo hợp đồng số tiết dạy/tuần…

Tất nhiên, những giáo viên hợp đồng xác định thời gian thì quyền lợi không được đảm bảo và áp lực so với giáo viên biên chế, giáo viên hợp đồng không xác định thời hạn là rất lớn.

Họ phải làm tốt, phải tạo được mối quan hệ tốt mới có thể duy trì để được ký hợp đồng hàng năm…

Giáo viên hợp đồng luôn thua thiệt…

Thực tế thì phụ huynh và học sinh ở các trường công lập ít chú ý đến chuyện thầy cô giáo nào là giáo viên hợp đồng trong trường bởi việc phân công của nhà trường trong mỗi năm có khác nhau, thậm chí trong mỗi học kỳ cũng có sự khác nhau.

Nhưng, những giáo viên trong trường công lập thì họ biết khá rõ về những thầy cô đang dạy hợp đồng cho nhà trường.

Bởi, những thầy cô này là những người “lấp chỗ trống” khi mà trong trường có người nghỉ sinh, nghỉ bệnh dài ngày mà trường không thể bố trí được giáo viên hoặc một số trường thiếu giáo viên mà cấp trên chưa đưa người về…

Khi đã là giáo viên hợp đồng thường phải e dè đủ thứ trong công tác, sinh hoạt tại đơn vị mà mình đang giảng dạy. Nhiều giáo viên hợp đồng không chỉ ngại Ban giám hiệu nhà trường mà còn ngại cả những giáo viên biên chế trong trường.

Đồng lương hợp đồng thường rất eo hẹp nhưng lễ tết, cưới hỏi, những công việc xã hội trong trường thì những thầy cô hợp đồng cũng đều phải tham gia đầy đủ.

Những lúc như thế này, nghĩ đến thầy cô hợp đồng mà rơi nước mắt ảnh 3Ra trường cuống cuồng chạy việc, sinh viên sư phạm vỡ mộng cuộc đời

Nhưng vì là giáo viên hợp đồng nên họ gần như không có quyền lợi gì trong quá trình công tác của mình.

Nhiều người không được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế...nên làm tháng nào biết lương tháng đó, không làm nghĩa là không có lương, không có chế độ.

Tới đây, khi mà Luật Giáo dục sửa đổi có hiệu lực vào ngày 1/7/2020 thì nhiều giáo viên hợp đồng mà chưa đủ chuẩn còn khó khăn bội phần.

Những thầy cô đã vào biên chế hay hợp đồng không xác định thời hạn thì Bộ Giáo dục đã có lộ trình bồi dưỡng chuyên môn để nâng chuẩn và không phải lo chi phí học tập.

Nhưng, những thầy cô hợp đồng mà chưa đủ chuẩn thì cơ hội được ký hợp đồng sẽ gian nan hơn, muốn đi học nâng cao trình độ phải tự túc hoàn toàn.

Những tháng ngày không có…lương

Nếu như những giáo viên biên chế hay hợp đồng không xác định thời hạn thì dù nghỉ Tết, nghỉ hè hay thời gian đang nghỉ dịch bệnh hiện nay họ vẫn có lương hàng tháng để trang trải cuộc sống gia đình.

Nhưng, ở chiều ngược lại, những giáo viên hợp đồng có thời hạn nghỉ thì đa phần là không có lương, may ra thì nhà trường hỗ trợ cho một số tiền ít ỏi mà thôi - đây chính là những thua thiệt của các thầy cô giáo dạy hợp đồng.

Hiện nay, một số địa phương cũng đang triển khai kế hoạch hỗ trợ cho một số đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp của dịch bệnh, trong đó có đội ngũ giáo viên hợp đồng.

Nhưng chắc rằng những chính sách hỗ trợ ấy chỉ có thể giải quyết được một phần nào khó khăn cho đội ngũ giáo viên hợp đồng mà thôi.

Những thầy cô chưa có gia đình thì còn đỡ, những thầy cô có gia đình, có con rồi mà ở khu vực đô thị, phải sống xa quê, thuê nhà... sẽ là những tháng ngày chất chồng nỗi khó khăn, vất vả với chuyện chi tiêu, cơm áo hàng ngày.

Thiết nghĩ, ngành Giáo dục, các địa phương cần có chính sách cụ thể trong đào tạo sư phạm để không còn tình trạng dư thừa giáo viên như hiện nay.

Đồng thời, cần có chủ trương tuyển dụng những thầy cô đang dạy hợp đồng nhiều năm trong các cơ sở giáo dục trên cả nước.

Đừng để nước mắt của những giáo viên hợp đồng cứ mãi rơi khi mà họ cũng được đào tạo, giảng dạy giống như những giáo viên biên chế, giáo viên được ký hợp đồng không xác định thời hạn mà quyền lợi chẳng có, tương lai thì xa vời chẳng biết bấu víu vào đâu!

NHẬT DUY