Cô giáo trẻ với thành tích đầy mình
Chưa có được cơ hội vào hệ thống giáo dục công lập để cống hiến, cô giáo trẻ Vũ Thị Mai Anh (sinh năm: 1995, giáo viên trường Trung học phổ thông Yên Hưng, Quảng Yên, Quảng Ninh), nữ sinh viên, Đảng viên, với những thành tích đáng nể trong học tập và nghiên cứu khoa học đã chọn cho mình trường tư thục để cống hiến đam mê.
Với thu nhập còn hạn chế, không ít lần cô giáo trẻ phải bỏ một phần thu nhập của mình ra để truyền lửa và cùng các em học sinh theo đuổi đam mê khoa học.
Năm 2017, Vũ Thị Mai Anh tốt nghiệp thủ khoa Sinh học – Trường Đại học Sư phạm Hà Nội với tấm bằng xuất sắc, 4 năm liên tiếp được Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tặng giấy khen “Sinh viên xuất sắc”, cả 8 kỳ học đều được nhận học bổng của trường. Mai Anh cũng là tác giả giành Giải nhất sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka toàn quốc lần thứ XIX năm 2017. Trong năm này, Mai Anh cũng được nhận “Huy hiệu tuổi trẻ sáng tạo” do Trung ương Đoàn trao tặng và bằng khen của Bộ Khoa học và Công nghệ vì có thành tích xuất sắc trong phong trào nghiên cứu khoa học và được kết nạp vào Đảng 22/5/2017. |
Trong số nhiều đề tài nghiên cứu khoa học của Mai Anh, Đề tài "Phân lập và tuyển chọn vi khuẩn có khả năng chuyển hóa mỡ cá basa thành Polyhydroxyalkanoate (PHA)” đã xuất sắc giành giải Nhất lĩnh vực công nghệ thực phẩm, cuộc thi Euréka 2017 do Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức được nhiều người biết đến hơn cả.
Chia sẻ về đề tài này, cô giáo Mai Anh cho biết, xuất phát từ thực tiễn cuộc sống, cô giáo trẻ nhận thấy các sản phẩm làm từ nhựa mà con người đang sử dụng chủ yếu được tổng hợp từ các chất có nguồn gốc từ dầu mỏ. Thành phần hóa học này khiến sản phẩm có thời gian phân hủy rất lâu, ảnh hưởng xấu đến môi trường.
Nhận thấy việc dùng nhựa sinh học (PHA) có thể phân hủy trong điều kiện môi trường tự nhiên dưới tác dụng của các vi sinh vật trong môi trường, cô giáo Mai Anh lúc đó còn đang là sinh viên đã bắt tay vào nghiên cứu.
Cô sinh viên Mai Anh đã nghiên cứu sử dụng vi khuẩn có khả năng chuyển hóa mỡ cá basa thành Polyhydroxyalkanoate (PHA), còn gọi là nhựa sinh học.
Sinh viên Vũ Mai Anh nhận giải của trung ương Đoàn. (Ảnh: Nhân vật cung cấp) |
Sau nhiều ngày miệt mài nghiên cứu, Đề tài khoa học trên đã đem lại cho Mai Anh giải thưởng danh giá, một hướng mới mở ra cho Mai Anh.
Đã có rất nhiều doanh nghiệp sản xuất nhựa sinh học, thân thiện với môi trường ngỏ ý được cộng tác với cô sinh viên 9x.
Là một sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, Mai anh cũng đã được các Viện nghiên cứu, giảng viên tại Hà Nội mời ở lại nhưng Vũ Thị Mai Anh khước từ trở về với vùng quê còn gian khó trên vùng đất mỏ Quảng Ninh.
Hàng trang trở về với Mai Anh ngoài tấm bằng tốt nhiệp loại giỏi và ước mơ cháy bỏng làm cô giáo và truyền lửa đam mê khoa học cho các em học sinh tuổi hồng.
Hơn hết, Mai Anh muốn trở về ngôi trường mình đã từng học tập và trưởng thành, Trường trung học phổ thông Minh Hà (Thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh).
Ngặt nỗi, biên chế ngành giáo dục tại Quảng Ninh không cho phép nên Mai Anh phải tìm đến một cơ sở giáo dục tư thục để “chờ thời” và nuôi dưỡng đam mê.
Từng ngày thắp lửa dưới mưa
Sớm chọn cho mình nghề giáo là nghiệp theo đuổi, Mai Anh đã từng thần tượng cách dạy học đầy gợi mở của cô giáo dạy Hóa học trong trường phổ thông. Nhờ cách dạy đó, Mai Anh đã tiếp cận với thế giới khoa học đầy diệu màu.
Cô thường chiếu các video clip mô tả về các hiện tượng hóa học, các phản ứng rất gần gũi với cuộc sống, cách thức này khiến em và các bạn trong lớp rất thích thú và ham học hơn.
Ngay từ còn ngồi ghế phổ thông, Mai Anh đã xác định cho mình phương pháp học gắn liền với nghiên cứu, từ đó Mai Anh đã thích tìm tòi và khám phá khoa học hơn.
Cô giáo trẻ trong ngày tốt nghiệp. (Ảnh nhân vật cung cấp) |
Giờ đây, khi ước mơ đã đi được một nửa chặng đường, được đứng lớp, được truyền lửa đam mê tới học sinh, Mai Anh lại tiếp tục hiện thực hóa cách thức dạy học của cô giáo cũ, nâng thêm một bước nữa là em hướng đến với học sinh sao cho dễ hiểu và hấp dẫn hơn.
Đặc biệt, Mai Anh đã chủ động khơi gợi đam mê tìm tòi cái mới trong từng học sinh ở từng tiết học vì hơn ai hết, cô giáo Sinh học trẻ hiểu rằng khi đã hiểu bài, thì mỗi giờ học với các sẽ không là cực hình mà là niềm vui.
“Khi trên lớp em đã đơn giản hóa quá trình nghiên cứu để biên soạn thành chương trình phù hợp với học sinh để các em dễ tiếp cận. Đặc thù học sinh trường trung học phổ thông tư thục ở các vùng quê khác với Hà Nội.
Các em thường không vào được công lập nên mới chọn tư thục để học, do đó năng lực các em cũng có nhiều hạn chế. Tuy nhiên, khi được khơi gợi và có hứng thú các em đều có thể phát huy nhiều năng lực, khắc phục một số còn hạn chế, yếu kém.
Cô giáo Mai Anh cho biết, áp dụng phương pháp mới các tiết học của cô giáo đã được tăng cường các hoạt động thí nghiệm bởi cô giáo xác định lý thuyết thường là khô cứng, thực hành với trực quan sinh động sẽ khiến các em học sinh ham thích và hiểu bài nhanh hơn.
Chính vì vậy dù năng lực các em còn hạn chế những nhiều em đã biết “vượt qua chính mình” để tham gia học tập và nghiên cứu.
Kết quả là dù ở một trường ngoài công lập, đầu vào học sinh đa dạng phần lớn các em có lực học vừa phải, chểnh mảng học hành , đôi khi giờ học trên lớp không phải là thời gian ưu tiên với các em.
Cô giáo trẻ vẫn miệt mài thắp lửa đam mê. (Ảnh nhân vật cung cấp) |
Nhưng giờ học của cô giáo Mai Anh lại rất đặc biệt, hầu như giờ học nào của cô học sinh đều có mặt đông đủ. Mỗi giờ Sinh học của cô giáo Mai Anh đã thực sự trở thành giờ học sinh động, bổ ích và lý thú đối với học sinh.
Chia sẻ về chương trình giáo dục phổ thông mới, cô giáo Mai Anh cho biết, với chương trình giáo dục phổ thống mới vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo thông qua, chương trình đã chuyển từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học.
Với việc này, giáo viên sẽ có nhiều điều kiện hơn để hướng học sinh phát huy năng lực học tập và sở thích của mình một cách toàn diện nhất.
Say mê với nghề, nhiệt tình thắp lửa đam mê cho các em học sinh nhưng cô giáo trẻ vẫn còn nhiều trăn trở.
Mong ước được cơ quan ban ngành nhìn nhận đúng năng lực và khát vọng được công hiến trong cơ sở giáo dục công lập vẫn là điều trăn trở với Mai Anh.
Dẫu biết đam mê, nhiệt huyết vẫn đang cuộn chảy trong cô giáo trẻ 9x sợ rằng một ngày viễn cảnh cơm áo, gạo tiền khiến em phải rời bỏ quê hương còn nghèo khó.
Nhiều dự định về nghiên cứu khoa học còn dang dở như nuôi đông trùng hạ thảo, ấp ủ về đề tài hải sản… những đề tài có thể vừa giúp các em học sinh đam mê khoa học, cống hiến trí thức cho quê hương và cũng giúp những người dân tại địa phương có hướng kinh tế mới.
Tuy nhiên, còn nhiều rào cản khiến cô giáo trẻ chỉ biết chờ đợi trong hi vọng và không quên nhắc mình luôn giữ ngọn lửa đam mê.