Tống Thị Định sinh ra trong một gia đình thuộc hộ nghèo nhất nhì (xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, Hà Nội). Hiện nay, cả gia đình em 5 người sống trong căn nhà nhỏ chỉ vỏn vẹn 12m2.
Hiểu hoàn cảnh gia đình em đã sớm tự lập từ rất sớm
Khó khăn chồng chất khó khăn, khi mẹ em đã rời xa chị em Định mãi mãi vì mắc bệnh hiểm nghèo từ khi Định mới 16 tuổi, bố lại thường xuyên đau ốm.
Nhà có 4 chị em, lại là chị cả nên ngay từ năm học lớp 4 Định đã phải học làm hàng mây tre đan mong kiếm thêm chút tiền để phụ giúp gia đình.
Thời gian dần trôi em cũng trở thành tay nghề điêu luyện và đã kiếm được tiền phụ giúp tiền thuốc cho bố mẹ và còn là nguồn thu nhập chính cho cả gia đình.
Có lẽ từ nhỏ em đã thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn của gia đình mình nên em không cho phép bản thân được ngưng sự phấn đấu.
Những khoảng thời gian không phải tới trường em đều dành để đi làm thêm mong kiếm thêm chút tiền trang trải tiền học phí và một phần cũng là trang bị thêm cho bản thân kỹ năng sống.
Sinh ra trong nghèo khó, nữ sinh Tống Thị Định (Đại học Mở Hà Nội) nghị lực vượt qua khó khăn thay mẹ dạy dỗ các em và nuôi dưỡng ước mơ làm cô giáo. Ảnh: Công Tiến |
Sống trong tình thương mến của bạn bè, sự ân cần dạy dỗ của thầy cô và sự nỗ lực vượt qua khó khăn, sóng gió cuộc đời của bản thân, Tống Thị Định luôn chăm chỉ học tập, rèn luyện đạo đức và đã đạt những thành tích rất đáng ngưỡng mộ.
Kỳ thi Đại học năm 2017, Định đạt 28,64 điểm, cao nhất khối D của Trường trung học phổ thông Cao Bá Quát và theo học Khoa tiếng Trung - Đại học Mở Hà Nội.
Hiện nay, bên cạnh việc học tập, làm thêm giúp đỡ gia đình, Tống Thị Định còn tham gia giúp đỡ cộng đồng bằng việc mở lớp dạy kèm cho học sinh trong thôn vào mỗi cuối tuần, lớp học đến nay đã duy trì được 1,5 năm.
Trải lòng và ước mơ của bản thân
Hiện nay, Tống Thị Định đã học xong năm nhất trường Đại học Mở Hà Nội với thành tích học tập đáng ngưỡng mộ.
Với bản tính chăm chỉ, hay làm từ bé, tranh thủ thời gian nghỉ nghè em còn xin đi làm thêm để kiếm thêm chút tiền trang trải học phí, mua giáo trình cho năm học mới.
Chia sẻ về ước mơ của mình em vui vẻ nói: “Em muốn mình phải thật cố gắng và học thật tốt, ước mơ của em sau khi ra trường là được làm giáo viên, dạy tiếng trung. Em thích học ngôn ngữ này, cũng thích được đứng trên bục giảng”.
Từ khi mẹ rời xa 5 bố con thì bố của em cũng thường xuyên đau ốm.
Các em của Định thì vẫn nhỏ tuổi (em nhỏ nhất chưa đầy 10 tuổi) nhưng Định luôn tỏ rõ mình là một người chị cả gương mẫu, luôn thay mẹ dạy dỗ, bảo ban các em học tập.
“Mẹ em mất cách đây 3 năm rồi, nhà một mình bố em chăm sóc 4 đứa con. Động lực để vượt qua quãng thời gian ấy là gì ạ? Thực ra em chẳng có động lực nào rõ ràng được đặt ra cả.
Nam sinh tình nguyện hiến tạng và triết lý “Hãy sống như ngày cuối cùng ta sống |
Em chỉ ý thức được rằng, em được bố mẹ sinh ra, được sống, em phải sống thật tốt, không phải chỉ cho bản thân, mà còn vì bố, vì tương lai của các em, và sống thay cho cả nửa cuộc đời về sau của mẹ em nữa.
Em mất mẹ năm em mới 16 tuổi, em cảm thấy rằng nỗi đau khổ, mất mát nó quá lớn, vậy thì các em em, đứa bé nhất khi ấy mới 4 tuổi, nó sẽ cảm thấy như thế nào?
Em còn được mẹ chăm sóc nuôi nấng đến khi 16 tuổi, nhưng các em của em, chúng mới chỉ bên mẹ được vài năm ...em phải sống tốt, phải cố gắng cho các em và bố có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Mẹ em đã khổ đến cuối đời, em chỉ còn bố và mấy đứa nhỏ thôi, em không muốn họ phải khổ thêm nữa. Đó là những điều đã vực em dậy mỗi khi em mệt mỏi, tuyệt vọng, đau khổ nhất” - Tống Thị Định trải lòng.
Thay mẹ dạy dỗ các em tiếp phần cuộc đời còn lại mà mẹ em không thể đi cùng, mỗi khi có thời gian rảnh Định lại tranh thủ về kèm cặp, dạy học cho các em của mình.
Hơn 1 năm nay, không chỉ dạy các em của mình, Định còn thường xuyên dạy học cho đám trẻ trong làng.
Định chia sẻ: “Bây giờ đang là kì nghỉ hè nên em đi làm thêm và các em sẽ tự học, tối về em sẽ kiểm tra và chấm điểm, buổi học sẽ tổ chức lại khi vào năm học mới”.
Cuộc sống khó khăn là vậy nhưng nụ cười vẫn luôn hiện hữu trên môi cùng đôi mắt sáng đầy nghị lực của tuổi trẻ và mơ ước giản dị sau này được làm cô giáo dạy các em thơ.
Định nói: “Em cảm thấy được học Đại học như bây giờ là điều quá may mắn đối với em rồi. Em chỉ có nỗi lo lắng là làm sao học cho tốt, nhanh chóng dùng những gì mình học được để kiếm tiền cùng bố nuôi các em theo học .
Học phí Đại học cũng là một điều khiến em bận tâm rất nhiều, em phải cố gắng nhiều hơn nữa”.
Với những khó khăn trong cuộc sống em đã vượt qua, tôi tin tưởng và cầu mong những ước mơ của em sớm thành hiện thực.