Tiếp theo bài: Lãng phí các dự án lớn trong giáo dục vì những nguyên nhân này
Ngày 5/12, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức Tọa đàm “Thực trạng, nguyên nhân và giải pháp chống lãng phí nguồn lực nhà nước trong đầu tư các trường đại học, cao đẳng công lập”.
Video Giáo sư Nguyễn Anh Trí - đương nhiệm Đại biểu Quốc hội khóa 14, chia sẻ tại Tọa đàm:
“Qua ý thứ 2 là giải pháp và tôi đề xuất trong khuôn khổ một buổi Tọa đàm, và đặc biệt là mấy vấn đề sau.
Mặt bằng và nhất định phải có mặt bằng, và từ nay về sau đề nghị phải sửa luật, tất cả các dự án từ nhỏ đến lớn, bất kể hạng nào cũng phải do nhà nước giải phóng mặt bằng, rồi giao đất sạch cho chủ đầu tư.
Tôi không thể hình dung được và nếu là tư nhân thì không bao giờ có chuyện họ dành cả nghìn tỷ để làm một dự án bỏ không như vậy.
Ví dụ như Vinfast làm cái dự án 320 ha đấy thì họ đã chuyển ngay số tiền đó để chuẩn bị làm rồi, sẽ giải ngân liên tục. Đồng tiền trong tư nhân không bao giờ nhàn rỗi, vậy nên không có chuyện người ta bỏ tiền vào đó rồi chờ giải phóng mặt bằng 10 năm sau mới sử dụng.
Việc thứ 2 phải đảm bảo có đủ vốn theo tiến độ, chứ không có chuyện khi làm họ cần trăm tỷ thì giải ngân mới được 30 tỷ.
Thứ 3 là phải có một ban quản lý dự án giỏi, quyết liệt, tận tâm sống chết với dự án đó. Xong việc mình về hưu cũng được, xong việc mình được thăng tiến thì lại càng cần phải cố gắng hết mình.
Lãng phí các trung tâm giáo dục thường xuyên-dạy nghề vì tư duy có dự án có tiền |
Người lãnh đạo cấp cao hơn nếu bổ nhiệm ban quản lý dự án đó thì phải hết sức tìm kiếm cho được người có năng lực.
Cần phải thay đổi cách làm, tôi lấy ví dụ Chính phủ dành 1.000 ha đất ở vùng này để chuyển các trường đại học ra, đó là việc thứ nhất.
Việc thứ 2 là đưa ra yêu cầu, và yêu cầu này phải hết sức quyết liêt, đanh thép là các trường đại học phải chuyển ra đấy, những trường này phải tự lập kế hoạch và cho thời hạn đến bao giờ phải chuyển ra khu mới.
Một ý nữa là khu đất đã dành cho các trường đại học, vậy nên đừng phân biệt công lập hay ngoài công lập, phải tạo điều kiện cho các dự án đại học ngoài công lập được vào khu đất đó. Nếu không thay đổi cách làm thì không thể xong được.
Tôi thấy lãng phí về đất đai, về vốn, về thời gian, về cơ hội…chúng ta đặt ra mục tiêu đến năm đó thì trường đại học này sẽ thuộc top mấy, nhưng giờ đây làm sao còn cơ hội nữa? Và tôi cho đây là một tội lỗi.
Qua buổi Tọa đàm này, tôi rất mong báo chí đề nghị Quốc hội phải có cuộc giám sát về đầu tư cho các trường đại học và cao đẳng công lập.
Việc này phải tầm Quốc hội giám sát, vậy giám sát để làm gì? Để có thêm tư liệu, để thông tin được cập nhật.
Với đề nghị thứ 2, trước hết những dự án không còn cần thiết nữa, hoặc là trì trệ quá lâu, nên giải tán.
Vì tầm nhìn cách đây 20 năm và tầm nhìn bây giờ đã khác, cơ hội cũng khác nên cần phải được mạnh dạn xem lại.
Điều nữa là cần phải kiểm điểm trách nhiệm của tất cả những người, nhất là những thủ trưởng, những cán bộ làm quản lý của các ban quản lý dự án qua các thời kỳ, kể cả về hưu rồi cũng phải có ý kiến xem thế nào.
Cần phải đẩy mạnh các dự án đang cần làm, hiện nay đang bị trì trệ thì phải đẩy mạnh lên, và tôi mong sao cuộc Tọa đàm này đạt được những điều đó."
Ngày 5/12, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức Tọa đàm “Thực trạng, nguyên nhân và giải pháp chống lãng phí nguồn lực nhà nước trong đầu tư các trường đại học, cao đẳng công lập”. Đến dự tọa đàm có Giáo sư Nguyễn Anh Trí - đương nhiệm Đại biểu Quốc hội khóa 14. Ông Lê Như Tiến - Đại biểu Quốc hội Khóa 12 -13, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong. Ông Phan Hồng Dũng, đại diện Vụ kế hoạch, Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bà Nguyễn Thị Huế - Trưởng phòng Quản lý đất đai, Trung tâm Phát triển Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ông Nguyễn Văn Tuấn -Trưởng ban quản lý vận hành Khu nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp. |