LTS: Trước quy định về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập, tác giả Sông Trà đã có bài viết chia sẻ.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Thông tư số: 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ trưởng Bộ Nội vụ, ngày 16/03/2015 ban hành Thông tư liên tịch quy định về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập.
(Ảnh minh họa: vtv.vn). |
Riêng định mức việc làm của giáo viên mầm non công lập được bố trí như sau:
- Đối với nhóm trẻ: Bố trí tối đa 2,5 giáo viên/nhóm trẻ;
- Đối với lớp mẫu giáo học 02 buổi/ngày: Bố trí tối đa 2,2 giáo viên/lớp;
- Đối với lớp mẫu giáo học 01 buổi/ngày: Bố trí tối đa 1,2 giáo viên/lớp.
b) Những nơi không đủ số trẻ để bố trí theo nhóm trẻ hoặc lớp mẫu giáo quy định tại Điều 3 của Thông tư liên tịch này thì định mức giáo viên mầm non sẽ tính trên số trẻ bình quân theo từng độ tuổi của từng nhóm trẻ, lớp mẫu giáo, cụ thể:
- Đối với nhóm trẻ: 01 giáo viên nuôi dạy 06 trẻ từ 3 đến 12 tháng tuổi hoặc 08 trẻ từ 13 đến 24 tháng tuổi hoặc 10 trẻ từ 25 đến 36 tháng tuổi;
- Đối với lớp mẫu giáo học 02 buổi ngày: 01 giáo viên nuôi dạy 11 trẻ từ 3 - 4 tuổi hoặc 14 trẻ từ 4 - 5 tuổi hoặc 16 trẻ từ 5 - 6 tuổi;
- Đối với lớp mẫu giáo học 01 buổi/ngày: 01 giáo viên nuôi dạy 21 trẻ từ 3 - 4 tuổi hoặc 25 trẻ từ 4 - 5 tuổi hoặc 29 trẻ từ 5 - 6 tuổi.
c) Đối với nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập áp dụng định mức giáo viên mầm non quy định tại Điểm a, Điểm b Khoản này.
Giáo viên chưa đạt chuẩn nhưng thời gian công tác còn lại dưới 5 năm sẽ ra sao? |
Kể từ năm học này, hầu hết các địa phương và cơ sở giáo dục mầm non đã bắt đầu lập đề án phê duyệt và tổ chức thực hiện theo Thông tư liên tịch nói trên thay thế cho các quy định cũ.
Định mức việc làm của giáo viên mầm non mới này về mặt số lượng con người cao hơn gần 1 phần 3 so với định mức cũ.
Do đó, dẫn đến tình trạng hàng loạt tỉnh, thành phố, hàng trăm ngàn trường mầm non bị thiếu giáo viên trầm trọng.
Trong khi đó, Bộ Nội vụ đang ráo riết thực hiện chính sách tinh giản biên chế ở mọi lĩnh vực hành chính công, hạn chế tăng định biên ở ngành giáo dục từ bậc mầm non đến trung học phổ thông.
Định mức giáo viên mầm non tăng lên là cần thiết, để giúp cho việc quản lý, chăm sóc con trẻ ở độ tuổi mẫu giáo được tốt hơn.
Song cách tổ chức, sắp xếp, bố trí giáo viên mầm non của nhiều địa phương lại “lệch pha”, bất cập so với Thông tư đã ban hành cách đây hơn 3 năm.
Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ và các địa phương cần có sự thống nhất cao để quy định mới đi vào thực tiễn cuộc sống.
Chấm dứt cảnh, địa phương kêu thiếu giáo viên, trong khi đó Bộ Nội vụ bảo không thể tăng thêm biên chế thêm nữa.
Vậy thì, ban hành văn bản quy phạm pháp luật để làm gì?
Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngày 12/7/2017 ban hành về việc hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công.
Theo đó, nhóm vị trí việc làm của giáo viên gắn với công việc hoạt động nghề nghiệp, đưa ra định mức cụ thể như sau :
Đối với trường tiểu học:
a) Trường tiểu học dạy học 1 buổi trong ngày được bố trí tối đa 1,20 giáo viên trên một lớp;
b) Trường tiểu học dạy học 2 buổi trong ngày; trường phổ thông dân tộc bán trú cấp tiểu học và trường dành cho người khuyết tật cấp tiểu học được bố trí tối đa 1,50 giáo viên trên một lớp;
c) Ngoài định mức quy định trên, mỗi trường tiểu học; trường phổ thông dân tộc bán trú cấp tiểu học và trường dành cho người khuyết tật cấp tiểu học được bố trí 01 giáo viên làm Tổng phụ trách Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh.
Đối với trường trung học cơ sở:
a) Mỗi trường trung học cơ sở được bố trí tối đa 1,90 giáo viên trên một lớp;
b) Trường phổ thông dân tộc nội trú huyện; trường phổ thông dân tộc bán trú cấp trung học cơ sở và trường dành cho người khuyết tật cấp trung học cơ sở được bố trí tối đa 2,20 giáo viên trên một lớp;
c) Ngoài định mức trên, mỗi trường trung học cơ sở; trường phổ thông dân tộc bán trú cấp trung học cơ sở; trường phổ thông dân tộc nội trú huyện và trường dành cho người khuyết tật cấp trung học cơ sở được bố trí 01 giáo viên làm Tổng phụ trách Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh.
Đối với trường trung học phổ thông:
a) Mỗi trường trung học phổ thông được bố trí tối đa 2,25 giáo viên trên một lớp;
b) Trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh được bố trí tối đa 2,40 giáo viên trên một lớp;
c) Trường trung học phổ thông chuyên được bố trí tối đa 3,10 giáo viên trên một lớp;
Lương thấp, giáo viên mầm non sống chật vật, áp lực |
Về cơ bản, định mức bố trí giáo viên trên lớp học ở Thông tư số 16 của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng giống như định mức trước đây.
Mấy năm nay, khi thực hiện chủ trương dạy học 2 buổi trong ngày (được bố trí tối đa 1,50 giáo viên trên một lớp) trên cơ sở tự nguyện, đồng thuận của phụ huynh học sinh, dẫn đến thực trạng nhiều trường tiểu học ở các tỉnh, thành bị thiếu giáo viên.
Các trường tiểu học lại kêu lên cấp trên, còn cấp trên (Phòng, Sở Giáo dục và Đào tạo…) thì loay hoay, vẫn chưa tìm ra giải pháp nào khả thi để xử lý nhu cầu thực tế nảy sinh.
Thực hiện định mức được bố trí tối đa 1,9 giáo viên trên một lớp (trường trung học cơ sở); 2,25 giáo viên trên một lớp (trường trung học phổ thông), nhiều cán bộ quản lý ở 2 cấp học này cho rằng, cách tính toán như thế của Bộ Giáo dục và Đào tạo rất duy ý chí, không phù hợp với việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành.
Ngoài số lượng tiết giảng dạy ra, còn phải thực hiện hai hoạt động ngoài giờ lên lớp và hướng nghiệp mỗi lớp thực hiện 3 tiết/tháng; dạy nghề phổ thông 180 tiết/năm học; chủ nhiệm được tính 4 tiết/tuần….cùng nhiều công việc, hoạt động khác có thể quy đổi ra tiết…mà chỉ bố trí 1,9; 2,25 giáo viên trên một lớp như thế thì nhà trường gặp nhiều khó khăn, áp lực về sắp xếp, tổ chức nhân sự, con người.
Nhiều cơ sở giáo dục đang kêu trời. Mong sao Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm tính toán lại định mức giáo viên trên một lớp ở trung học cơ sở và trung học phổ thông cho phù hợp, sát thực với các nhiệm vụ, công việc của nhà trường, giáo viên đương gánh vác.